Thị trường nông sản: Giá gạo, cà phê cùng giảm
Giá lúa gạo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua tiếp tục có xu hướng giảm nhẹ. Gạo 5% tấm của Việt Nam được chào giá ở mức thấp hơn so với tuần trước.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa thường tại ruộng tuần qua cao nhất là 7.800 đồng/kg, giá bình quân là 7.654 đồng/kg, giảm 61 đồng/kg.
Giá lúa thường tại kho giảm trung bình 67 đồng/kg, ở mức 8.842 đồng/kg; giá cao nhất là 9.200 đồng/kg.
Giá các mặt hàng gạo có sự giảm mạnh hơn so với giá lúa. Theo đó, gạo 5% tấm có giá cao nhất 14.250 đồng/kg, giá bình quân 19.907 đồng/kg, giảm 243 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 14.050 đồng/kg, giá bình quân 13.708 đồng/kg, giảm 217 đồng/kg. Gạo 25% tấm có giá cao nhất 13.850 đồng/kg, giá bình quân 13.383 đồng/kg, giảm 233 đồng/kg.
Giá gạo xát trắng loại 1 giảm 188 đồng/kg, giá trung bình là 14.000 đồng/kg. Gạo lứt loại 1 giảm 75 đồng/kg, trung bình là 11.896 đồng/kg.
Tại An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, giá các loại lúa như: OM 18, Đài thơm 8 ổn định ở mức từ 7.800 - 8.200 đồng/kg; nàng Hoa 9 giá 8.200 - 8.400 đồng/kg; lúa Nhật 7.800 - 8.000 đồng/kg. Một số loại giảm 200 đồng/kg như: OM 5451 còn từ 7.700 – 7.800 đồng/kg, IR còn từ 7.600 – 7.800 đồng/kg.
Với lúa nếp, nếp An Giang khô ở mức 9.100 - 9.200 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg; nếp Long An khô dao động 9.200 - 9.300 đồng/kg, giảm 150 đồng/kg.
Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 12.000 - 14.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 18.000-20.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 15.500 - 17.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 16.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 19.000 đồng/kg…
Theo Báo Tin tức, hiện nông dân trên địa bàn thành phố Cần Thơ đang thu hoạch lúa Thu Đông tập trung. Hiện, toàn thành phố đã thu hoạch 20.000 ha, với năng suất ước đạt từ 5,3 - 5,5 tấn/ha, cao hơn 0,58 tạ/ha so với cùng kỳ năm 2022. Với giá bán lúa dao động từ 7.800 - 8.500 đồng/kg lúa tươi tùy loại, vụ Thu Đông năm nay nông dân Cần Thơ lãi khoảng 3 - 4 triệu đồng/công (1.300 m2).
Bình quân nông dân thu lãi từ 18 - 20 triệu đồng/ha, đây là vụ lúa Thu Đông có mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay.
Về xuất khẩu, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào giá ở mức 610-620 USD/tấn, thấp hơn một chút so với mức 620-630 USD/tấn của tuần trước.
Nhưng nguồn cung khan hiếm và nhu cầu mạnh mẽ từ những người mua khác sẽ giữ giá không giảm sâu thêm.
Cũng như Việt Nam, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan tuần qua tiếp tục giảm so với các mức cao gần đây, trong khi việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo đồ đã khiến khiến hoạt động giao dịch chững lại khi người mua trì hoãn để đợi giá rẻ hơn.
Giá gạo đồ 5% tấm xuất khẩu của Ấn Độ ổn định ở mức từ 525-535 USD/tấn trong tuần thứ hai liên tiếp, mặc dù vẫn gần mức cao kỷ lục từ 520-540 USD/tấn đạt được vào ngày 31/8.
Ấn Độ đã áp thuế 20% đối với gạo đồ xuất khẩu từ tháng Tám, một động thái hạn chế mới đối với nhóm gạo không phải basmati.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan ở mức 605 USD/tấn, giảm từ mức 613-615 USD/tấn vào tuần trước.
Về thị trường nông sản Mỹ, giá các mặt hàng nông sản Mỹ đồng loạt đi lên trong phiên ngày 22/9 trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT), trong đó giá lúa mỳ dẫn đầu đà tăng.
Khép phiên nay, giá ngô giao tháng 12/2023 tăng 2 xu (0,42%) lên 4,7725 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao cùng kỳ hạn tăng 3,75 xu (0,65%) lên 5,795 USD/bushel. Giá đậu tương giao tháng 11/2023 tăng 2,5 xu (0,19%) lên 12,9625 USD/bushel.
Theo giới quan sát, giá đậu tương cao hơn do nhu cầu dầu diesel tái tạo ngày càng tăng. Bên cạnh đó, nhu cầu có thêm 5 triệu mẫu giao trồng đậu tương càng củng cố thêm giá của loại hạt này.
Công suất nghiền đậu nành của Mỹ cũng dự kiến tăng mạnh trong các năm 2023-2024 và 2024-2025 theo dự báo hiện tại của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Tuy nhiên, các báo cáo năng suất ban đầu tiếp tục cho thấy sản lượng ngô và đậu tương của Mỹ đang thấp hơn năm ngoái.
Về thị trường cà phê thế giới, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta giảm trên sàn ICE Europe – London. Cụ thể, giá cà phê Robusta giao tháng 11/2023 giảm 3 USD xuống 2.461 USD/tấn còn giá hợp đồng kỳ hạn giao tháng 1/2024 giảm 9 USD còn 2.369 USD/tấn.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng đi xuống. Giá hợp đồng giao tháng 12/2023 giảm 3,70 xu xuống 151,15 xu/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2024 lùi 3,80 xu xuống 152,25 xu/lb (1 lb = 0,4535 kg).
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm 100 – 200 đồng, xuống dao động trong khung 66.400 – 66.800 đồng/kg.
Kết quả khảo sát vụ mùa lần 3 của Cơ quan Cung ứng mùa vụ thuộc Chính phủ Brazil (CONAB) đã nâng dự báo sản lượng cà phê Arabica của nước này lên 38,2 triệu bao, cao hơn 0,3 triệu bao so với dự báo trước.
Tuy nhiên, giá cà phê Arabica tiếp tục sụt giảm sau dự báo thời tiết Brasil sẽ có mưa tốt, hỗ trợ cây cà phê ra bông vụ mới thuận lợi và giúp giảm bớt lo ngại khi dự báo hiện tượng thời tiết El Nino cũng sắp hình thành.
Giá cà phê suy yếu là điều đã được dự báo từ trước. Diễn biến này là do các thị trường kỳ hạn đang vào chu kỳ giảm trong thời gian chuyển tiếp giữa các niên vụ, khi nhiều nước sản xuất chính trên thế giới sắp bước vào thu hoạch vụ mới.
Xây dựng chuỗi xuất khẩu gạo bền vững
Để duy trì việc xuất khẩu gạo bền vững, các doanh nghiệp được khuyến cáo cần nghiêm túc thực hiện duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu và chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất theo yêu cầu của các cơ quan chức năng theo quy định. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đề nghị doanh nghiệp chủ động theo dõi chặt chẽ tình hình thương mại gạo toàn cầu và tìm hiểu kỹ các đối tác trước khi ký hợp đồng, đặc biệt phải thận trọng trong giao, nhận và thanh toán các lô hàng (để tránh bị lừa đảo).
Để hỗ trợ xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ lúa gạo một cách bền vững, mới đây “Dự án Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (TRVC)” cho các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị lúa gạo đã được triển khai trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Dự án có tổng vốn hơn 22 tỷ đồng, do Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV viện trợ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp là chủ dự án.
Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023-2027, với mục tiêu cải thiện sinh kế cho hộ nông dân sản xuất lúa nhỏ lẻ ở khu vực dự án; xây dựng các chuỗi giá trị lúa gạo bao trùm; giảm phát thải khí nhà kính từ sản xuất lúa gạo; hỗ trợ phát triển thương hiệu gạo các-bon thấp trên địa bàn tỉnh.
Kết quả mong đợi của dự án là tiếp cận 50-60 hợp tác xã và hỗ trợ sinh kế cho khoảng 75.000 nông dân sản xuất nhỏ lẻ trên quy mô sản xuất 75.000 ha.
Cùng với đó, xúc tác thành lập 10-20 chuỗi giá trị lúa gạo bao trùm và hỗ trợ ít nhất 10 nhà sản xuất/chế biến/kinh doanh/xuất khẩu gạo chủ lực, tăng hiệu quả kinh doanh thông qua cung cấp dịch vụ, sản xuất và chế biến.
Dự án dự kiến giảm phát thải 75.000 tấn CO2 từ hoạt động canh tác lúa; giảm 30% - 40% lượng giống; giảm lượng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học trong sản xuất lúa từ 30% trở lên; đảm bảo 40%-50% lợi nhuận cho các nông hộ từ sản xuất lúa.
Trao đổi với báo Công thương, bà Trần Thu Hà, Giám đốc Dự án TRVC cho biết: “Thông qua sự vào cuộc của các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị lúa gạo, Dự án TRVC tạo ra các chất xúc tác hữu hiệu, mang tính tiên phong để thúc đẩy doanh nghiệp tổ chức các vùng nguyên liệu liên kết theo hướng bền vững, đa giá trị, mang lại các lợi ích và đồng lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận