Thị trường năng lượng thế giới tiếp tục biến động mạnh trong năm 2023
Năm 2023 sẽ không phải là một năm dễ dàng với thị trường năng lượng toàn cầu, khi sự biến động ngày càng tăng và chưa có dấu hiệu ổn định.
Chúng ta đã bước vào năm mới 2023, một năm mới mà hầu hết quốc gia nào cũng dự báo về những thách thức ở phía trước. Nền kinh tế toàn cầu bấp bênh, giá năng lượng, lương thực thực phầm trồi sụt. Trong bối cảnh khó đoán định như hiện nay thì việc bảo đảman ninh năng lượngcũng là cách để bảo vệ nền kinh tế trước tác động của các cuộc khủng hoảng đang bủa vây thế giới.
Dự báo nhu cầu năng lượng toàn cầu 2023
Theo báo cáo mới công bố của Đơn vị tình báo Kinh tế (EIU),thị trường năng lượngnăm 2023 sẽ trải qua một năm tăng trưởng chậm, giá cả tăng cao. Tuy nhiên, các chính phủ đã sẵn sàng thực hiện một loạt biện pháp hạn chế các tác động tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng.
Cụ thể, dự báo tiêu thụ năng lượng toàn cầu sẽ chỉ tăng 1,3% trong năm tới, nhỉnh hơn một chút so với ước tính tăng trưởng 0,9% của năm 2022 song vẫn cho thấy xu hướng nhu cầu yếu. Trong khi đó, các lệnh trường phạt của phương Tây với dầu, khí đốt của Nga sẽ khiến giá tăng cao hơn. Việc châu Âu tìm cách thay thế khí đốt của Nga đã khiến giá khí thiên nhiên hóa lỏng của Mỹ, Australia và Qatar tăng vọt.
Để giảm bớt các tác động tiêu cực từ khủng hoảng năng lượng, chính phủ các nước đã bắt đầu can thiệp thông qua các biện pháp hỗ trợ trực tiếp hoặc hạn chế giá tiêu dùng.
EU đã đưa ra kế hoạch loại bỏ phụ thuộc năng lượng vào Nga bằng cách tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo. Mỹ ban hành đạo luật giảm lạm phát có trị giá 430 tỷ USD, trong đó có các sáng kiến để phát triển hiệu quả năng lượng, thúc đẩy năng lượng tái tạo. Australia đã công bố 4 biện pháp để ứng phó tác động của tăng giá do áp lực năng lượng đối với các gia đình, doanh nghiệp nhỏ và nhà sản xuất.
Về cơ bản, năm 2023 sẽ không phải là một năm dễ dàng với thị trường năng lượng toàn cầu, khi sự biến động ngày càng tăng và chưa có dấu hiệu ổn định. Tuy nhiên, vẫn còn những tín hiệu tích cực khi các chính phủ cũng như người tiêu dùng đã lên phương án tìm kiếm những công cụ khác nhau để giúp "chế ngự những chuyến đi tàu lượn siêu tốc trên thị trường năng lượng".
Vẽ lại bản đồ năng lượng toàn cầu
Hiện tại giá khí đốt trên thị trường giao ngay đã trở lại mức của tháng 2 năm ngoái trước khi cuộc chiến Nga, Ukraine bắt đầu và giá dầu đã trở lại mức của tháng 1 năm 2022. Tuy nhiên, giá năng lượng vẫn ở mức cao và năm 2023 hứa hẹn sẽ tiếp tục là một năm khó khăn.
Có nhiều yếu tố tiềm ẩn đang và sẽ tác động tới thị trường năng lượng. Cuộc chiến tại Ukraine không chỉ làm thay đổi trật tự thế giới, mà đã và đang tạo ra những thay đổi trên bản đồ năng lượng toàn cầu.
Để thoát khỏi phụ thuộc năng lượng của Nga, châu Âu đã và đang tiếp cận các nhà cung cấp khí đốt lớn từ Mỹ, Na Uy, Algeria, các nhà sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng từ Trung Đông, châu Phi, đồng thời nỗ lực chuyển đổi năng lượng tái tạo.
Về phần mình, Nga chuyển hướng xuất khẩu năng lượng sang châu Á, đặc biệt là các thị trường Trung Quốc, Ấn Độ. Bản đồ này cho thấy tham vọng của Nga với đường ống Sức mạnh Siberi 2. Đường ống sẽ hợp nhất cơ sở hạ tầng vận chuyển khí đốt trên khắp miền Đông và miền tây nước Nga thành một hệ thống duy nhất, mở rộng phạm vi bao phủ mạng lưới khí đốt ở các khu vực và trung tâm công nghiệp của Đông Siberia.
Nhập khẩu dầu Ural của Nga vào châu Âu đã giảm mạnh trong năm 2022, nhập khẩu dầu thô bằng đường biển của Nga vào EU, Na Uy, Anh đã giảm 80%, tương đương khoảng 1,36 triệu thùng/ngày trong tháng 11, 12 vừa qua. Nhập khẩu khí đốt của Nga vào EU trong năm 2022 đã giảm từ 55% hồi đầu năm xuống mức gần bằng 0.
Bà Ursula Von Der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu: "Chúng tôi đã hành động và chúng tôi đã hành động thành công. Chúng tôi đã đưa ra kế hoạch năng lượng RePowerEU nhằm giảm 2/3 nhu cầu khí đốt của Nga trước cuối năm 2022".
Để loại bỏ phụ thuộc năng lượng từ Nga, châu Âu đã chuyển sang sử dụng các loại dầu thô từ Na Uy, Mỹ, Saudi Arabia, tăng mua khí tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ, Qatar, đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng tái tạo bằng việc ký kết thỏa thuận với các nước Nam Kavkaz, thông qua kế hoạch hỗ trợ năng lượng tái tạo trị giá 28 tỷ Euro hay mới nhất là thỏa thuận hợp tác giữa Đức và Na Uy.
Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Stoere: "Về lâu dài chúng ta phải giải quyết các nhu cầu năng lượng lớn hơn. Chúng tôi nhận ra rằng cuộc khủng hoảng này thực sự thúc đẩy nhu cầu chuyển đổi năng lượng bền vững, năng lượng tái tạo, ít phát thải và không phát thải tại châu Âu".
Về phần mình, Nga đẩy mạnh chuyển hướng xuất khẩu năng lượng sang châu Á. Vận chuyển dầu thô qua đường biển của Nga tới các đối tác châu Á tiếp tục được duy trì, chiếm tới hơn 71% tổng lượng dầu thô xuất khẩu bằng đường biển của Nga trong tháng 12 vừa qua. Ấn Độ là điểm đến hàng đầu với 1,1 triệu thùng/ngày, Trung Quốc là 800 nghìn thùng/ngày.
Cuối tháng 12, Nga chính thức khai trương dự án mỏ khí Kovykta nhằm tăng nguồn cung khí đốt cho các đối tác phía Đông, đặc biệt là Trung Quốc.
Tổng thống Nga Vladimir Putin: "Một bước quan trọng để giảm tác động của các biện pháp trừng phạt và các hành động thù địch khác chống lại Nga là phát triển cơ sở hạ tầng cảng và đường ống ở phía Nam và phía đông, bao gồm tăng cường xuất khẩu khí đốt tự nhiên. Việc thực hiện các dự án như mỏ Kovykta, Sức mạnh Siberi 2, tuyến đường Viễn đông sẽ giúp tăng nguồn cung khí đốt cho phía Đông lên 48 tỷ mét khối vào năm 2025 và 88 tỷ mét khối vào năm 2030".
Cuộc xung đột Nga - Ukraine chưa biết đi về đâu và cũng chưa biết đến khi nào mới kết thúc, nhưng rõ ràng là bàn cờ năng lượng thế giới đang được vẽ lại. Dòng chảy từ Nga sang các thị trường châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục. Mỹ, Trung Đông, Angola, Brazil, Na Uy và Venezuela đang chuyển sản lượng sang châu Âu. Nhưng cho đến nay, việc giải tỏa "cơn khát" năng lượng của châu Âu chủ yếu rơi vào tay các quốc gia vùng Vịnh, với lượng xuất khẩu sang châu Âu trong tháng 8 tăng lên 1,2 triệu thùng/ngày, so với 500.000 thùng/ngày vào tháng 2.
Sang năm 2023, với ít hoặc không còn dầu và khí đốt của Nga, châu Âu có thể sẽ cần nhiều hơn nữa từ Mỹ, vì vùng Vịnh đang dần cạn kiệt. Các thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) như Iraq và Kuwait đang sản xuất ít hơn so với mức đã cam kết. Chỉ có Saudi Arabia và Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) là có khả năng tăng sản lượng. Sự mất cân đối về nguồn cung năng lượng đe dọa tạo ra những bất ổn mới trên thị trường toàn cầu.
Việc xoay trục thị trường năng lượng từ Tây sang Đông khiến Nga tổn thất nặng nề
Việc các nước G7 và EU cấm vận năng lượng Nga rồi sự chuyển hướng của dòng chảy năng lượng Nga đang và sẽ định hình một trật tự mới trên bản đồ năng lượng toàn cầu. Những tác động của chiều hướng này chưa tới mức gây chấn động, nhưng là điều cần theo dõi sát sao.
Những tuyên bố lạc quan của Nga đã cho thấy sự tự tin về liên minh năng lượng với Trung Quốc. Nhưng không thể phủ nhận, việc xoay trục thị trường năng lượng từ Tây sang Đông đang khiến Nga tổn thất nặng nề. Giới phân tích cho rằng, trong trường hợp khả quan nhất Nga vẫn sẽ cần ít nhất 10 năm để tăng nguồn cung cấp khí đốt cho các thị trường châu Á lên mức gần bằng lượng xuất khẩu sang EU vào năm 2021 - đó là 155 tỷ m3 khí đốt.
Ước tính Moscow cần khoản đầu tư lên đến 30 tỷ USD để mở rộng cơ sở hạ tầng, tăng khả năng vận chuyển năng lượng sang phía Đông. Các đường ống của Nga đến châu Á hiện nay không đáp ứng đủ công suất để thay thế sản lượng mà nước này bán cho châu Âu. Dầu có thể được vận chuyển trên tàu, nhưng khí đốt là thách thức lớn hơn vì phụ thuộc vào các đường ống dẫn.
Theo kế hoạch của Tập đoàn năng lượng Gazprom, xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc năm 2025 sẽ ở mức 50 tỷ m3 thông qua đường ống Sức mạnh Siberia và tuyến đường Viễn Đông. Dự kiến Đường ống Sức mạnh Siberi-2 có khả năng đưa 50 tỷ m3 khí đốt từ Nga sang Trung Quốc thông qua Mông Cổ, nhưng sẽ không sớm hơn năm 2027. Do đó, ở thời điểm này khi nguồn cung sang châu Âu giảm nhanh chóng thì sự sụt giảm thị phần của Nga trên thị trường năng lượng toàn cầu là điều tất yếu.
Trung Quốc được xem là điểm tựa của kinh tế Nga giữa làn sóng trừng phạt của phương Tây. Hiện quốc gia này đang là đối tác thương mại lớn nhất của Nga khi thương mại song phương vượt mức 136 tỷ trong 3 quý năm 2022, trong đó hợp tác năng lượng đạt gần 60 tỷ USD, chiếm hơn 40% tổng kim ngạch. Theo Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak, kim ngạch xuất khẩu năng lượng của Nga sang Trung Quốc đã tăng 64% về giá trị và 10% về khối lượng trong năm qua. Nga kỳ vọng vào việc tăng cường hợp tác năng lượng với Trung Quốc để cùng thúc đẩy an ninh năng lượng và phát triển bền vững, đây cũng được xem là yếu tố ổn định có khả năng quyết định tình hình năng lượng khu vực trong tương lai.
Tỷ lệ năng lượng Nga đáp ứng bao nhiêu phần trăm nhu cầu của Trung Quốc?
Nga là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên số 2, khí hóa lỏng LNG số 4 và so kè vị trí số 1 với Saudi Arabia về bán dầu cho Trung Quốc, nhưng để tìm con số chính xác Nga đáp ứng bao nhiêu % cho nhu cầu năng lượng của Trung Quốc cũng hơi khó, bởi những vấn đề liên quan đến an ninh, chiến lược như an ninh năng lượng thường khó tìm được số liệu chính xác từ cơ quan chức năng Trung Quốc.
Khi Nga mất khách hàng lớn từ châu Âu, Trung Quốc đã trở thành lựa chọn hàng đầu để Nga tăng bán dầu, khí đốt. Trung Quốc hiện nhập khẩu khoảng 45% nhu cầu khí đốt trên thế giới. Nga trở thành nhà cung cấp chính bởi các số liệu từ Nga cho thấy nhiều tháng liền Nga bán khí đốt cho Trung Quốc qua đường ống Sức mạnh Siberia vượt mức hợp đồng đã ký giữa Tập đoàn Gazprom Nga và Tập đoàn dầu khí Quốc gia Trung Quốc.
Khí đốt là một phần trong thỏa thuận 30 năm lên đến 400 tỷ USD giữa hai bên. Dữ liệu từ Hải quan Trung Quốc, trong 10 tháng đầu năm 2022, khí hóa lỏng LNG mà Nga bán cho Trung Quốc tăng hơn 1,5 lần về giá trị USD. Nhiều nhận định cho rằng, với việc tăng nguồn cung qua đường ống Sức mạnh Siberia và đẩy mạnh xây dựng đường ống Siberia 2, chẳng mấy chốc Nga trở thành nhà cung cấp khí đốt số 1 cho Trung Quốc. Nhập khẩu dầu cũng tăng mạnh nhờ chiết khấu cao. Các chuyên gia phương Tây cũng cho rằng, các công ty lọc dầu Trung Quốc được lợi nhờ dòng dầu thô từ Nga. Nhưng lợi ích từ mua năng lượng giá rẻ từ Nga ít khi được phân tích nhiều trên báo Trung Quốc, bởi nó cũng là một vấn đề nhạy cảm.
Trung Quốc định hình liên minh năng lượng mới
Những nhà quan sát thị trường nhận định rằng, trong những biến động trên thị trường năng lượng toàn cầu năm 2022, thì Mỹ và Trung Quốc là những nước hưởng lợi nhiều nhất. Tháng 9/2022, Mỹ xuất khẩu mức kỷ lục 6,4 triệu thùng sản phẩm dầu tinh luyện/ngày, tăng 1 triệu thùng/ngày so với năm ngoái. Trong năm 2022, EU nhập khẩu thêm 60% khí đốt hóa lỏng LNG của Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc mua được năng lượng từ Nga với giá chiết khấu. Nhưng Trung Quốc còn đi xa hơn.
Trong bối cảnh bản đồ năng lượng thế giới dịch chuyển, Trung Quốc đặt mục tiêu định hình một trật tự năng lượng mới bằng việc gắn đồng Nhân dân tệ trong giao dịch năng lượng với Nga và trong giao dịch với khu vực Trung Đông.
Cuộc gặp của nhà lãnh đạo Trung Quốc với Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh và Saudi Arabia vào tháng 12 năm ngoái đã đánh dấu sự chấp nhận rộng rãi hơn đối với petroyuan (các nước mua dầu mỏ sẽ dùng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc để trả cho các nước xuất khẩu dầu).
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: "Trung Quốc sẽ tiếp tục nhập khẩu một lượng lớn dầu từ các nước vùng Vịnh và mở rộng nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng. Trung Quốc cũng sẽ tận dụng tối đa sàn giao dịch năng lượng quốc tế Thượng Hải như một nền tảng để thực hiện thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ trong giao dịch dầu khí".
Saudi Arabia xuất khẩu 7,3 triệu thùng dầu mỗi ngày, Trung Quốc mua 25% lượng dầu xuất khẩu của nước này. Nếu lượng dầu đó được mua bằng Nhân dân tệ, đồng tiền của Trung Quốc đương nhiên sẽ có vị thế khác.
Bà Tang Tianbo - Viện Nghiên cứu Trung Đông, Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc: "Hợp tác kinh tế đã đặt nền móng vững chắc cho quan hệ hai nước phát triển nhanh chóng. Saudi Arabia rất quan trọng đối với an ninh năng lượng của Trung Quốc và Trung Quốc cung cấp cho nước này một thị trường ổn định để xuất khẩu dầu mỏ. Ngay từ đầu, đó là một mối quan hệ đôi bên cùng có lợi".
Trung Quốc, nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, rất quan tâm đến việc thiết lập các hợp đồng dầu mỏ giao dịch bằng Nhân dân tệ. Không chỉ vậy, Bắc Kinh còn nung nấu kế hoạch giới thiệu chuẩn dầu riêng của mình - chuẩn dầu Thượng Hải, để cạnh tranh với các chuẩn dầu Brent và WTI. Theo các chuyên gia, để làm được điều đó, Trung Quốc trước tiên sẽ cần thuyết phục các nhà sản xuất dầu lớn và người tiêu dùng sử dụng đồng Nhân dân tệ và đầu tư vào chuẩn dầu Thượng Hải.
Điều đó có cơ sở khi các quốc gia Nga, Iran và Venezuela chiếm 40% trữ lượng dầu của OPEC+ và tất cả họ đang bán dầu cho Trung Quốc với mức chiết khấu cao, trong khi các nước vùng Vịnh chiếm 40% trữ lượng, 20% còn lại nằm ở các khu vực mà Nga và Trung Quốc có thể tạo ảnh hưởng.
Trung Quốc thận trọng trong chiến lược mới
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đặt ra mục tiêu là từ 3 đến 5 năm tới, Trung Quốc và các quốc gia Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh GCC sẽ xây dựng xong nền tảng trao đổi dầu mỏ và khí đốt tự nhiên Thượng Hải và thanh toán bằng Nhân dân tệ trong giao dịch. Động thái này được các nước phương Tây theo dõi sát sao và họ còn cho rằng, bước đi của Trung Quốc sẽ khiến thế giới dịch chuyển nhanh hơn sang một trật tự đa cực, được xây dựng không phải bởi khối G7 hiện nay mà bởi 'G7 của phương Đông' trong đó trụ cột là Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và các nước khác thuộc khối BRICS. Nếu tiếp tục đà này, kỷ nguyên mà đồng USD giữ vị trí thống trị trong hệ thống thanh toán quốc tế sẽ dần bị hạn chế.
Petroyuan hay Petrorenminbi được truyền thông phương Tây đưa đậm bởi lâu nay đồng USD thống trị trong các hợp đồng thanh toán. Trước hết, cần nhiều bước nữa để đưa thỏa thuận giữa các bên vào thực tế thực hiện. Thật ra những cuộc đàm phán thanh toán đồng Nhân dân tệ được Trung Quốc và Saudi Arabia bàn hơn 5 năm nay nhưng chưa đi tới đâu. Với những lĩnh vực khá nhạy cảm, liên quan đến những mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc, truyền thông Trung Quốc thường thận trọng.
Các chuyên gia cho rằng, đồng Nhân dân tệ đang được trao đổi trong thương mại, dầu khí với Nga tăng mạnh bởi mâu thuẫn với Mỹ và phương Tây buộc Nga phải làm làm thế. Còn với Trung Quốc, các nước Trung Đông không trong tình thế như vậy nên Trung Đông tìm cách cân bằng trong quan hệ với Mỹ với Trung Quốc. Ngoài ra, bán dầu lấy USD cũng dễ dàng trong đầu tư, thanh toán với các nước nên các nước cũng cân nhắc. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng trong thời gian ngắn đồng Nhân dân tệ khó thay đổi vị thế đồng USD.
Nhưng do nhu cầu Trung Quốc sử dụng dầu khí đốt tăng nhanh nhất thế giới nên những hợp đồng mua dầu khí thanh toán bằng Nhân dân tệ sẽ nhiều hơn là điều khó tránh khỏi. Cũng có ý kiến cho rằng khi Trung Quốc - Nga hợp tác chặt dùng Nhân dân tệ thanh toán dầu khí, nhiên liệu cũng khiến các nước Trung Đông cân nhắc thay đổi đa dạng thanh toán để giảm rủi ro - không bỏ trứng vào một giỏ.
Giới chuyên gia nhìn nhận như thế nào về chiến lược của Trung Quốc?
Ý tưởng về "đồng NDT dầu mỏ" đã có từ năm 2018. Đây được coi là ý tưởng có tham vọng cạnh tranh với "đồng USD dầu mỏ", được hình thành từ những năm 1970.
Việc hình thành một đồng NDT dầu mỏ là điều dễ hiểu, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Mỹ từng là khách hàng mua dầu lớn nhất của Saudi Arabia với 2 triệu thùng/ngày vào những năm 90. Nhưng đến tháng 12/2021, sụt xuống chỉ còn 500 ngàn thùng. Cùng lúc đó, Trung Quốc vươn lên là nền kinh tế thứ hai và cần lượng dầu lớn. Trong năm 2021, nước này nhập của Saudi Arabia hơn 1,7 triệu thùng/ngày. Vì thế, việc hai bên chấp nhận trao đổi bằng đồng tiền của nhau chỉ là chuyện thuận mua - vừa bán.
Song hiện nay, theo đánh giá của các chuyên gia phố Wall, thì sự chuyển đổi nhanh từ nhận đồng USD sang đồng NDT của Trung Quốc không hề dễ dàng cho Saudi Arabia. Thứ nhất, đồng riyal của nước này vẫn đang neo giá vào đồng USD. Vì thế chuyển đổi hàng triệu thùng dầu giao dịch từ USD sang NDT có thể khiến Saudi Arabia mất dần công cụ điều chỉnh tỷ giá nội tệ, làm rung lắc nền kinh tế.
Thứ hai, nếu nắm giữ nhiều trái phiếu kho bạc Mỹ, mà lại không nắm giữ nhiều đồng USD nữa sẽ khiến Saudi Arabia không tối đa hóa được lợi nhuận.
Và nếu chỉ mua - bán dầu bằng 1 đồng tiền, nền kinh tế Saudi Arabia có nguy cơ phụ thuộc lớn vào giá trị của đồng tiền nước khác. Đây là điều chắc chắn họ không muốn.
Vì thế, có thể thời gian tới, Saudi Arabia có thể sẽ chấp nhận một phần giao dịch bằng đồng NDT. Còn chuyển đổi hết từ đồng USD sang NDT là một câu chuyện dài.
Thị trường Trung Đông hào hứng với kế hoạch tham vọng của Trung Quốc
Saudi Arabia và các nước vùng Vịnh vẫn còn gắn nhiều lợi ích cốt lõi của mình với Mỹ. Vậy nên sẽ không có chuyện các nước này rồi đây sẽ quay lưng lại với đồng USD để chuyển sang giao dịch dầu mỏ tất cả bằng đồng NDT. Nhưng cũng cần lưu ý rằng trong OPEC+ hiện nay thì 40% sản lượng là đang đến từ Nga, Venezuela và Iran. Đây đều là các nước đang chịu cấm vận của Mỹ. Với những nước này thì việc từ bỏ USD trong các giao dịch dầu mỏ hẳn không còn gì mong muốn hơn. Đó là lý do vì sao Trung Đông cho rằng để tiến tới giao dịch dầu mỏ bằng đồng Nhân dân tệ có thể còn là một quá trình, nhưng nó đang là một xu hướng không thể bỏ qua.
Và nếu đồng Nhân dân tệ được sử dụng trong các giao dịch dầu mỏ, dù một phần, thì đó cũng sẽ là một bước ngoặt đối với nền kinh tế thế giới. Với góc nhìn của Trung Đông thì không còn phải bàn cãi gì, đồng USD có được vị thế như ngày hôm nay một phần rất lớn là từ việc nó được sử dụng trong các giao dịch dầu mỏ. Mỗi năm, các giao dịch cho dầu mỏ lên tới 14 nghìn tỷ USD. Các quốc gia phải tích trữ đồng USD, bắt nguồn từ một yêu cầu không nhỏ để sử dụng cho các giao dịch dầu mỏ.
Vì sao đồng "USD dầu mỏ" lung lay?
Trên thị trường hiện nay, gần 80% giao dịch trên thị trường dầu mỏ toàn cầu tiếp tục được thực hiện bằng USD. Nhưng các nhà nghiên cứu chiến lược thường nhìn xa hơn, khi cho rằng, không nên coi nhẹ cơ hội của đồng NDT. Khi Trung Quốc tiếp tục là nhà nhập khẩu năng lượng lớn nhất hành tinh, khi Nga và các nước không thân thiện với Mỹ là Venezuela và Iran vẫn giữ van của 40% năng lượng toàn cầu, khi các nước này liên kết với nhau và thanh toán bằng đồng NDT, cùng với liên minh Trung Quốc - vùng Vịnh, thì sự thống trị của đồng USD trong giao dịch năng lượng đứng trước thách thức lớn chứ.
Kể từ năm 1974 tới nay, Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu mỏ số 1 thế giới, chỉ chấp nhận duy nhất USD trong giao dịch bán dầu. Điều này xuất phát từ một thỏa thuận ký kết với chính quyền Tổng thống Nixon năm 1973 để đổi lấy nhiều lợi ích từ Washington, bao gồm cả sự đảm bảo an ninh.
Khái niệm đồng Petrodollar ra đời và trở thành thông lệ quốc tế. Đến nay, đồng tiền của Mỹ được phổ biến ở gần 2/3 kinh tế thế giới và cũng là loại tiền tệ dự trữ tại các ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, năm 2022 và từ năm 2023 có thể là năm đánh dấu một sự thay đổi lớn khi Trung Quốc cùng với các đồng minh như Nga thúc đẩy vai trò của đồng NDT trong giao dịch năng lượng.
Thực tế, mong muốn thay đổi đồng tiền trong giao dịch dầu mỏ của một số nước không mới. Nhiều năm qua, thế giới đã chứng kiến một số nỗ lực "thoát USD" khá rõ ràng. Đầu tháng 6/2021, Nga tuyên bố sẽ thay thế khoảng 40 tỉ USD trong Quỹ Thịnh vượng quốc gia của họ bằng Nhân dân tệ, euro và vàng. Nga và Trung Quốc tại hội nghị BRICS năm ngoái đã tính đến chuyện xây dựng một hệ thống tài chính độc lập riêng. Trung Quốc nhiều năm trước đã mua dầu mỏ và khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Iran, Venezuela, Nga và một phần châu Phi bằng đồng tiền của mình.
Các bước hướng tới việc loại bỏ đồng USD trong giao dịch năng lượng đã tăng cường sau các biện pháp trừng phạt sâu rộng mà các quốc gia phương Tây áp đặt đối với Nga nhằm đáp trả hoạt động quân sự ở Ukraine. Dự trữ ngoại hối bằng USD đã trở nên rủi ro trong cuộc chiến trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga, khiến việc sử dụng đồng tiền này trở nên không an toàn đối với các nhà xuất khẩu và nhập khẩu dầu, khí đốt và các hàng hóa lớn khác.
Có một xu thế khác có thể sẽ tác động tới USD dầu mỏ, đó là việc nhiều nước đang giảm phát thải khí nhà kính để chống biến đổi khí hậu. Khi nhiều nước chuyển sang xe điện và dùng nhiều hơn điện gió, điện mặt trời, nguồn thu từ dầu mỏ và khí đốt sẽ giảm, theo đó USD dầu mỏ có thể mất đi ít nhiều vị thế của nó nếu so với hiện nay.
Với lợi thế về dầu khí đá phiến, Mỹ đã không phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Đông, trong khi Trung Quốc nổi lên là nhà nhập khẩu lớn nhất dầu của Trung Đông. Về phía Saudi Arabia, họ từng tuyên bố, đây không phải là các mối quan hệ đối nghịch hay phải chọn bên. Họ chỉ đang chủ động đa dạng hóa và tối ưu hóa các mối quan hệ. Và sự thật là họ đang chuyển hướng hợp tác thương mại dần sang châu Á, không chỉ riêng với Trung Quốc.
Về phần mình, rõ ràng Mỹ không thể không quan tâm khi mối quan hệ Trung Quốc - Saudi Arabia ngày càng ấm không chỉ trong dầu lửa, mà còn cả đầu tư và quốc phòng.
Tuy nhiên, Mỹ cũng hiểu rằng, dù có nhiều bất đồng với Saudi Arabia nhưng đây vẫn là mối quan hệ truyền thống, khó thay thế. Quan hệ hai nước không chỉ có câu chuyện mua bán dầu, mà còn nhiều khía cạnh kinh tế, thương mại khác và đặc biệt là sự phụ thuộc về quốc phòng và an ninh của Saudi Arabia với Mỹ thông qua Hiệp ước Quincy đã được hai bên ký cách đây gần 80 năm. Còn phía Trung Quốc, họ cũng hoàn toàn hiểu rõ điều này.
Vấn đề an ninh năng lượng luôn đi kèm với các vấn đề địa chính trị. Hiện giờ, vấn khó để làm suy yếu địa vị của đồng USD trong giao dịch dầu mỏ. Cả Trung Đông và Trung Quốc đều muốn hành động một cách thận trọng vì cả hai bên đều gắn lợi ích sâu rộng với nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, không thể phủ nhận vai trò đang lên của đồng NDT trong giao dịch năng lượng toàn cầu.
Giá dầu có thể lên đến hơn 100 USD/thùng
Dầu đang trong xu thế giảm trước những nỗi lo về nền kinh tế Trung Quốc và nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin ở Trung Đông đang cho rằng 75 USD/thùng là giới hạn mà Saudi Arabia có thể chấp nhận và họ sẽ làm mọi cách để giá dầu không xuống dưới mốc này. Tuy nhiên, nhìn vào quá trình thích ứng với COVID-19 của các quốc gia thời gian vừa qua, các dự báo cho rằng việc tái mở cửa của nền kinh tế Trung Quốc sẽ đi vào ổn định vào giữa năm, khi đó thì nhu cầu dầu sẽ có sự gia tăng đáng kể. Cơ quan Năng lượng Quốc tế IAE hiện vẫn dự báo nhu cầu dầu của thế giới trong năm 2013 sẽ tăng thêm 1,7 triệu thùng/ngày so với năm ngoái. Còn một số tổ chức nghiên cứu thị trường thì cho rằng nếu nền kinh tế thế giới không rơi vào suy thoái thì giá dầu sẽ đạt 110 USD/thùng vào giữa năm nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận