Thị trường khó đoán, nên tìm đến cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng nào để phòng thủ?
Để tồn tại trong giai đoạn thị trường chứng khoán khó khăn, đặc biệt là khi lạm phát dâng lên, nhiều nhà đầu tư lựa chọn phương án phòng thủ bằng cách mua các cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng có lợi thế cạnh tranh cao kèm định giá hấp dẫn.
Trong một tuyên bố gần đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Việt Nam từ 6,2% xuống còn 5,8%. Đáng chú ý, đại diện IMF dự báo lạm phát của Việt Nam sẽ tăng lên trước khi dần trở lại dưới mức 4%.
Phía IMF khuyến cáo các chính sách của Việt Nam cần được tính toán, phối hợp và truyền thông một cách cẩn trọng để quản lý những rủi ro tiêu cực và giảm bớt sự đánh đổi chính sách, đặc biệt là sự đánh đổi giữa tăng trưởng và lạm phát.
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, theo đại diện IMF, chính sách tiền tệ của Việt Nam cần tập trung vào ổn định giá cả. Theo đó, nên cân nhắc vị thế chính sách tiền tệ thắt chặt hơn nếu áp lực lạm phát gia tăng. Các chính sách tài khóa cần linh hoạt và nhắm trúng đối tượng hơn nếu áp lực lạm phát tăng lên.
Trong bối cảnh áp lực lạm phát dần dâng cao, nhất là trong năm 2023, thị trường chứng khoán nhiều khả năng sẽ tiếp tục đối mặt áp lực không nhỏ. Để tồn tại trong giai đoạn thị trường chứng khoán khó khăn, đặc biệt là khi lạm phát dâng lên, nhiều nhà đầu tư lựa chọn phương án phòng thủ bằng cách mua các cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng có lợi thế cạnh tranh cao kèm định giá hấp dẫn.
Một trong những thước đo lợi thế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng là biên lợi nhuận gộp, trong khi thước đo định giá thường dùng là tỷ lệ P/E.
Cổ phiếu nào có định giá hấp dẫn?
Có thể thấy, cổ phiếu MCH của Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (UPCoM: MCH) là một trong số các cổ phiếu được định giá hấp dẫn. Trong quý III vừa qua, công ty ghi nhận 7.088 tỷ đồng doanh thu và 1.419 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, khá tương đương với cùng kỳ năm trước.
Hiện tại, giá cổ phiếu MCH đang đạt 70.000 đồng/cổ phiếu, mức hệ số giá trên thu nhập mỗi cổ phiếu (P/E) đạt 8,93 lần, đây là một mức tương đối thấp so với mức trung bình của ngành. Càng hấp dẫn hơn khi mức biên lợi nhuận gộp trong 4 quý gần nhất của MCH đang ở mức khá cao so với mức trung bình ngành, đạt 41,75%.
Thêm vào đó, cổ tức thực tế của MCH cũng khá cao, thường ở mức 4.500 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ lệ cổ tức so với thị giá khoảng 6,4%/năm.
Tính đến hết ngày 30/9/2022, tổng dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn của MCH đến cuối quý III đạt hơn 5.200 tỷ đồng và dư vay nợ thuê tài chính dài hạn 873 tỷ đồng, giảm lần lượt 2.200 tỷ đồng và gần 200 tỷ đồng so với đầu năm.
Tiếp sau, Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (UPCoM: QNS) ghi nhận mức biên lợi nhuận gộp trong năm vừa qua khá cao so với mặt bằng chung trong ngành, đạt 41,74%. Cổ phiếu QNS hiện đang được giao dịch ở mức P/E đạt 10,17 lần, đây cũng có thể coi là một mức định giá hấp dẫn.
Luỹ kế 9 tháng năm nay, QNS ghi nhận 6.313 tỷ đồng doanh thu, tăng 9,14% với 858 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm nhẹ 1,37% so với cùng kỳ năm trước. Tính riêng quý III, mức doanh thu của công ty đã tăng 8,7% nhưng mức lợi nhuận sau thuế đã giảm 9,05% so với quý III năm 2021, đạt 316,6 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, cổ phiếu MCM của Công ty Cổ phần Giống Bò sữa Mộc Châu (UPCoM: MCM) cũng đang được định giá khá thấp so với mức biên lợi nhuận gộp đạt được. Kết phiên 24/11, giá cổ phiếu BHN đạt 45.400 đồng/cổ phiếu với mức P/E khá thấp, đạt 11,53 lần. kèm biên lợi nhuận gộp 32,4%.
Về tình hình kinh doanh, mặc dù MCM hiện chỉ chiếm khoảng 6% tổng doanh thu và 4% lợi nhuận ròng của Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk, HoSE: VNM), nhưng MCM được VDSC kỳ vọng sẽ là một trong những động lực tăng trưởng chính của Vinamilk trong năm năm tới.
Luỹ kế kể từ đầu năm, công ty ghi nhận 2.346 tỷ đồng doanh thu và 274 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng lần lượt 6,31% và 18,39% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, cũng cần kể đến một công ty thành viên của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HoSE: SAB) là Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Trung (HoSE: SMB). Luỹ kế 9 tháng năm nay, SMB ghi nhận 1.030 tỷ đồng doanh thu và 154 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng mạnh lần lượt 26,27% và 57,58% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 4 quý vừa qua, SMB ghi nhận mức biên lợi nhuận gộp 28,4%, không phải là mức cao. Tuy nhiên cổ phiếu này đang được giao dịch ở mức P/E rất thấp, đạt 5,75 lần.
Loạt "ông lớn" có biên lợi nhuận cao nhưng định giá cao
Cổ phiếu SAB của Sabeco đang được giao dịch với mức P/E đạt 21,07 lần, khá cao so với mức trung bình ngành. Mức biên lợi nhuận gộp của SAB trong 4 quý gần nhất đạt 30,77%.
Mức định giá của SAB được củng cố bởi tình hình kinh doanh hồi phục trong năm nay. Trong quý III vừa qua, công ty ghi nhận 8.635 tỷ đồng doanh thu và 1.395 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp lần lượt 2 lần và 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Kể từ đầu năm, mức doanh thu và lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 24.950 và 4.424 tỷ đồng.
Một "gã khổng lồ" khác là cổ phiếu VNM của Vinamilk đang có mức P/E khá cao, đạt 19,19 lần, với mức biên lợi nhuận gộp ấn tượng, đạt 40,81%.
9 tháng năm 2022, công ty ghi nhận 44.900 tỷ đồng doanh thu, đi ngang so với cùng kỳ và 6.700 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 20,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện cổ phiếu VNM còn đang được SSI khuyến nghị tích lũy trong dài hạn. Theo SSI, VNM là một cổ phiếu phòng thủ, giá cổ phiếu ít biến động hơn so với thị trường chung. Trong bối cảnh thị trường bán tháo, VNM có thể thu hút dòng vốn từ hoạt động tái cơ cấu danh mục, khi dòng vốn này có xu hướng chuyển từ cổ phiếu mang tính chu kỳ sang cổ phiếu phòng thủ.
BHN và VOC: Định giá cao và biên lợi nhuận gộp kém hấp dẫn
Một “ông lớn” khác trong ngành là cổ phiếu BHN của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, HoSE: BHN) đang có mức P/E cao, đạt 23,77 lần.
Mức định giá của cổ phiếu BHN một phần được củng cố bởi tình hình kinh doanh được cải thiện của công ty trong năm 2022. Cụ thể, luỹ kế từ đầu năm, BHN ghi nhận mức doanh thu đạt 5.929 tỷ đồng, tăng 18,41% và mức lợi nhuận sau thuế đạt 475 tỷ đồng, tăng mạnh gần 30%.
Tuy vậy, biên lợi nhuận gộp của BHN thấp hơn đa số các doanh nghiệp lớn cùng ngành, đạt gần 27% trong 4 quý gần nhất.
Với cổ phiếu VOC của Tổng công ty Công Nghiệp Dầu Thực Vật Việt Nam (Vocarimex, UPCoM: VOC), cổ phiếu này đang được giao dịch ở mức P/E khá cao là 24,26 lần. Tuy nhiên, công ty lại chỉ 6,57 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý III/2022. Trong đó, phần đa lợi nhuận của công ty đến từ hoạt động tài chính và mức lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh đạt âm 15 tỷ đồng. Trong 4 quý gần nhất, mức biên lợi nhuận gộp của VOC rất thấp, chỉ đạt 2%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận