Thị trường hàng hóa tuần từ 10-17/9: Các mặt hàng năng lượng tiếp tục đi lên, kim loại đồng loạt giảm
Kết thúc tuần giao dịch từ 10-17/9, thị trường hàng hóa thế giới tiếp tục chứng kiến sự đi lên của giá mặt hàng năng lượng, trái lại mặt hàng kim loại đồng loạt giảm giá, trong khi các mặt hàng nông sản và nguyên liệu công nghiệp diễn biến trái chiều.
Năng lượng: Giá dầu tăng tuần thứ 4 liên tục, khí LNG và than cũng tăng cao
Theo đó, kết thúc phiên này, dầu thô Brent giảm 33 US cent xuống 75,34 USD/thùng và dầu thô Tây Texas (WTI) giảm 64 US cent xuống 71,97 USD/thùng. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá 2 loại dầu vẫn tăng hơn 3% và tuần tăng thứ 4 liên tiếp.
Nishant Bhushan - nhà phân tích thị trường dầu thô của Công ty Tư vấn Rystad Energy cho rằng, nguyên nhân chính giúp giá dầu tăng trong tuần qua là do nguồn cung bị gián đoạn và lượng dự trữ giảm. Do vậy, việc sản lượng dầu của Mỹ đang phục hồi sau giai đoạn đình trệ vì các cơn bão khả năng sẽ khiến giá dầu giảm về mức thấp hơn trong thời gian tới.
Báo cáo mới nhất của Công ty Dịch vụ Baker Hughes Co cho biết, các công ty năng lượng Mỹ tuần qua đã bổ sung thêm giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên, đưa tổng số giàn khoan tại Mỹ tăng tuần thứ hai liên tiếp.
Tính chung, tổng số lượng giàn khoan dầu và khí đốt, một chỉ báo ban đầu về sản lượng tương lai tại Mỹ, đã tăng thêm 9 giàn lên mức 512 giàn tính đến ngày 17/9/2021 - mức cao nhất kể từ tháng 4/2020 đến nay.
Bên cạnh giá dầu, giá khí tự nhiên (LNG) cũng lập lại mức cao trong bối cảnh tồn kho khan hiếm tại các kho chứa khí LNG của khu vực châu Âu. Mặt khác, do giá khí LNG ở châu Á hấp dẫn hơn khiến các nhà cung cấp LNG tăng cường vận chuyển đến khu vực này, tạo ra sự thiếu hụt nguồn cung trên thị trường khí LNG châu Âu.
Theo đó, giá LNG kỳ hạn tháng 10/2021 tăng 3,48% lên 5.1405 USD/thùng, thúc đẩy bởi nhu cầu gia tăng tại châu Âu và châu Á.
Giá than Nam Phi đã tăng lên mức 157 USD/tấn khi vấn đề cung cấp nguyên liệu qua tuyến đường sắt nối các tỉnh sản xuất than và cảng Richards Bay tại Nam Phi gặp vấn đề, bên cạnh hoạt động giao dịch tăng từ các nước châu Á - Thái Bình Dương.
Giá than 5.500 kcal/kg sản xuất trong nước tại cảng Qinhuangdao đã tăng hơn 190 USD/tấn trong bối cảnh nguồn cung trên thị trường nội địa Trung Quốc hạn chế. Vào ngày 10/9/2021, Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã họp với các nhà sản xuất than lớn và các công ty năng lượng để thúc đẩy nguồn cung, ổn định giá cả trong những tháng tới. Chính phủ Trung Quốc đã hạn chế giao thông đường sắt và khai thác than ở tỉnh Thiểm Tây do Đại hội Thể thao quốc gia Trung Quốc lần thứ 14 (từ 15-27/9/2021).
Báo giá than của Úc tăng trên 180 USD/tấn. Hoạt động giao dịch tăng của người tiêu dùng châu Á, tăng cường dự trữ trước mùa đông, đã tác động tích cực đến các chỉ số giá than Úc.
Tình trạng khẩn cấp được đưa ra ở Indonesia từ 4-17/9/2021 do mưa lớn và lũ lụt dẫn đến việc tăng giá than 5.900 kcal/kg của Indonesia lên mức 135 USD/tấn.
Nguồn cung than cốc hạn chế của các nước khai thác than chủ chốt cũng như giá cao tại thị trường nội địa Trung Quốc, buộc các nhà máy thép Trung Quốc phải mua nguyên liệu của Úc từ các thương nhân châu Á, làm tăng chỉ số than của Úc đạt 350 USD/tấn.
Kim loại: Đồng loạt giảm giá
Cụ thể, kết thúc phiên này, tại sàn giao dịch COMEX (Mỹ), giá vàng giao ngay tăng 0,7% lên 1.765,73 USD/ounce; giá vàng giao kỳ hạn tăng 0,6% lên 1.766,30 USD/ounce. Tuy nhiên, việc USD dao động gần mức cao nhất trong gần 3 tuần vào ngày 17/9 khiến giá vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ những đồng tiền khác và giảm 1,2% trong tuần qua.
Suki Cooper - nhà phân tích thị trường kim loại quý tại Ngân hàng Standard Chartered (Vương quốc Anh) nhận định, mặc dù một thông báo cắt giảm dần các chính sách hỗ trợ sẽ khó xảy ra cho đến cuộc họp tháng 11/2021, song cuộc họp tháng Chín nhiều khả năng sẽ đưa ra các dự báo của các quan chức Fed - còn gọi là “chỉ dấu hướng dẫn”, về khả năng cơ quan này sẽ thực hiện 2 lần tăng lãi suất cho năm 2024, tương tự như dự kiến của năm 2023.
Bên cạnh đó, số liệu lạm phát có thể củng cố quan điểm rằng, Fed có thể chậm lại trong việc rút các biện pháp hỗ trợ kinh tế và giữ lãi suất ở mức thấp. Lãi suất giảm sẽ hạ thấp chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng thỏi - loại tài sản/kênh đầu tư không có lãi suất.
Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ, bởi lãi suất hạ sẽ khiến USD yếu đi, song lại gia tăng đáng kể sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng.
Tương tự vàng, giá bạch kim giảm gần 3% về 930,6 USD/ounce, thậm chí giá bạc còn giảm mạnh hơn ở mức 6,5% xuống 22,34 USD/ounce.
Ngoài sức ép từ “đồng bạc xanh”, giá bạch kim tiếp tục giảm do cuộc khủng hoảng chip trên toàn cầu, buộc các nhà sản xuất ô tô trên toàn cầu cắt giảm sản lượng và làm suy yếu nhu cầu tiêu thụ cho kim loại này.
Tương tự, giá nhôm giảm 0,3% xuống 2.883,50 USD/tấn ở phiên 17/9, sau khi chạm mức 3.000 USD/tấn trong phiên giao dịch đầu tuần qua. Tổng lượng nhôm tồn kho tại các kho London tăng 19.250 tấn lên hơn 1,3 triệu tấn. Trong khi đó, hợp đồng nhôm giảm khoảng 20 USD/tấn so với hợp đồng giao 3 tháng, mức cao nhất kể từ ngày 7/7/2021 cho thấy nguồn cung tương đối ổn định.
Trong khi đó, giá kẽm không có nhiều biến động, được duy trì ở mức 3.076,50 USD/tấn; giá chì tăng 1,2% lên 2.207 USD/tấn; giá thiếc giảm 0,3% về mức 33.155 USD/tấn và nikel giảm 3,1% xuống 19.380 USD.
Đáng chú ý, giá nikel trên sàn London có thời điểm tăng lên mức 20.705 USD/tấn - cao nhất kể từ tháng 5/2014, trước khi giảm 0,2% về mức 19.360 USD/tấn khi kết phiên. Lý do nickel chạm mức giá cao nhất trong gần 7,5 năm qua là do lượng tồn trữ ở mức thấp, trong khi nhu cầu tăng mạnh hơn so với dự kiến và nguồn cung không tăng. Cùng với đó, Indonesia đang xem xét áp thuế xuất khẩu nickel cũng thúc đẩy giá tăng. Lượng nickel lưu kho trên sàn London kể từ tháng 4/2021 đến nay đã giảm 35% xuống 171.714 tấn.
Tiêu thụ các sản phẩm thép chủ yếu bao gồm thép cây và thép cuộn cán nóng trong tuần qua tính đến ngày 16/9/2021 giảm 5% xuống 10,17 triệu tấn, theo Công ty Tư vấn Mysteel.
Nông sản: Giá đậu tương giảm, ngô và lúa mì giữ đà tăng
Kết thúc phiên 17/9, giá đậu tương, ngô và lúa mì tại Chicago đều giảm sau khi tăng trong đầu phiên giao dịch, chịu áp lực bởi vụ thu hoạch bội thu tại Mỹ và xuất khẩu hạn chế do bão đổ bộ.
Cụ thể, trên sàn Chicago, giá đậu tương giảm 12 US cent xuống 12,84 USD/bushel và cả tuần giảm 2-1/2 US cent.
Trong khi đó, giá dầu đậu tương tăng nhẹ nhờ ảnh hưởng từ đà tăng của dầu cọ do những số liệu xuất khẩu tích cực hơn trong tháng 8/2021 của Malaysia. Tuy nhiên, mức tăng bị hạn chế do triển vọng nhu cầu nhập khẩu từ Ấn Độ sẽ giảm đáng kể do giá dầu thực vật tăng cao, thúc đẩy sản xuất nội địa. Trong bối cảnh giá dầu và giá đậu tương chỉ thay đổi nhẹ so với tuần trước, giá khô đậu tương kết tuần qua cũng giảm không đáng kể.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thông báo Trung Quốc đã đặt hàng 132.000 tấn đậu tương Mỹ trong ngày 17/9/2021. Vào cuối tuần này, Mỹ sẽ tiến hành thu hoạch khoảng 25-30% vụ ngô và năng suất dự kiến sẽ thấp hơn.
Trong bối cảnh nguồn dự trữ lúa mỳ thế giới thắt chặt, năng suất ngô thấp hơn và nhu cầu đậu tương Mỹ từ Trung Quốc tăng lên, Công ty Nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago (Mỹ) kỳ vọng xu hướng này sẽ không kéo dài. Ngoài ra, dự báo thời tiết ở phần lớn khu vực Trung Tây Mỹ sẽ khô hơn, việc thu hoạch có thể diễn ra suôn sẻ vào tuần đầu tiên của tháng 10/2021.
Nguyên liệu công nghiệp: Giá đường giảm, cao su tăng, cà phê diễn biến trái chiều
Trong phiên 17/9, giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2021 trên sàn ICE giảm 0,31 US cent (-1,6%) xuống 19,18 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 12/2021 trên sàn London giảm 8,1 USD (-1,6%) xuống 504,8 USD/tấn. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá đường vẫn tăng nhẹ.
Giá cà phê arabica giảm trở lại ở phiên 17/9 do Brazil đã có mưa đầu mùa, trong khi giá cà phê robusta lại tăng vọt, ghi nhận mức cao nhất trong vòng 4 năm do nhu cầu tăng và xuất khẩu từ Việt Nam bị gián đoạn khiến nguồn cung thắt chặt.
Theo đó, kết thúc phiên này, giá cà phê arabica giao ngay tháng 12/2021 trên sàn ICE US - New York giảm 1,75 xu Mỹ, xuống 186,40 xu Mỹ/lb. Ngược lại, giá cà phê robusta giao ngay tháng 11/2021 trên sàn ICE Europe - London tăng thêm 44 USD, lên 2.151 USD/tấn.
Giá cao su tại Nhật Bản tăng do kỳ vọng gói kích thích mới từ thủ tướng tiếp theo của Nhật Bản và sự hỗ trợ từ ngân hàng trung ương nước này, song mối lo ngại nhu cầu tại nước mua hàng đầu Trung Quốc chậm lại đã hạn chế đà tăng.
Theo đó, phiên 17/9, giá cao su kỳ hạn tháng 2/2022 trên sàn Osaka tăng 1,6 JPY lên 204 JPY (1,9 USD)/kg và cả tuần tăng 0,9%. Trong khi đó, giá cao su kỳ hạn tháng 10/2021 trên sàn SICOM giảm 0,5% xuống 163,8 US cent/kg.
Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua
(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận