Thị trường giảm sâu, lãnh đạo loạt doanh nghiệp chi trăm tỷ 'cứu giá' cổ phiếu
Việc doanh nghiệp hay chính lãnh đạo công ty mua vào cổ phiếu được coi là biện pháp để củng cố niềm tin cho cổ đông, giới đầu tư, nhất là trong giai đoạn thị giá liên tục giảm sâu do ngoại cảnh tác động.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận nhiều mã cổ phiếu mất giá trên 20% chỉ trong 3 tháng đầu năm, đơn cử như MCH giảm 20%; PAN giảm 24% và hiện đang giao dịch ở mức 17.100 đồng/cổ phiếu; FMC giảm hơn 28%, về mức thấp nhất trong hơn 1 năm trở lại đây và đang giao dịch quanh mức 19.000 đồng/cổ phiếu; HDC giảm hơn 35%; DPG giảm 37%; VRC giảm đến 70%... Chưa kể, còn nhiều mã thậm chí đã “phá đáy” khi giao dịch ở vùng giá thấp nhất kể từ khi niêm yết.
Trước tình hình nói trên, nhiều doanh nghiệp phải tìm đến những biện pháp để củng cố niềm tin cho nhà đầu tư, trong đó dễ thấy nhất là mua cổ phiếu quỹ.
Mới đây nhất (ngày 13/3/2020), CTCP Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC) đã thông qua phương án mua tối đa 2 triệu cổ phiếu quỹ theo giá thị trường bằng nguồn tiền từ thặng dư vốn cổ phần. Giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận.
Trên thị trường cổ phiếu FMC đang giảm mạnh về đáy của hơn 1 năm trở lại đây. Chốt phiên 13/3, FMC đạt 19.000 đồng/cổ phiếu, giảm 28% so với thời điểm đầu năm 2020. Tạm tính theo mức giá 19.000 đồng/ cổ phiếu, FMC dự kiến chi khoảng 38 tỷ đồng để mua hết 2 triệu cổ phiếu quỹ.
Trước đó, một loạt doanh nghiệp cũng thông qua phương án mua cổ phiếu quỹ như:
Công ty TNHH Masan Consumer Holdings đã đăng kí mua 1,3 triệu cổ phiếu MCH của CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer - (UpCom: MCH) theo phương thức thỏa thuận từ 17/3 đến 31/3, nhằm tăng tỷ lệ sở hữu tại công ty con.
Trong trường hợp giao dịch thành công, Masan Consumer Holdings sẽ nắm giữ gần 670 triệu cổ phiếu, tương đương 95% vốn điều lệ MCH. Được biết, Masan Consumer Holdings trước đó từ ngày 4/3 đến 13/3 đã mua 1 triệu cổ phiếu MCH theo phương thức thỏa thuận.
Hiện tại, cổ phiếu MCH trên thị trường đang giảm giá mạnh. Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/3, MCH đạt 58.000 đồng/cổ phiếu, giảm 20% so với thời điểm đầu năm. Tạm tính theo mức giá này, Masan Consumer Holdings dự kiến cần chi 38.918 tỷ đồng cho 2 giao dịch trên.
CTCP Tập đoàn PAN (PAN Group – HOSE: PAN) với phương án mua lại tối đa 21,6 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 10% tổng số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành trong quý I hoặc quý II. Nguồn tiền mua lại cổ phiếu dự kiến lấy từ thặng dư vốn cổ phần và/hoặc các quỹ thuộc vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính được kiểm toán/soát xét tại thời điểm gần nhất khi thực hiện giao dịch.
Cổ phiếu PAN cũng giảm 24% kể từ đầu năm 2020 đến nay, hiện giao dịch quanh mức 17.100 đồng/cổ phiếu. Nếu tạm tính theo mức giá này, PAN Group sẽ chi khoảng 370 tỷ đồng để mua đủ 21,6 triệu cổ phiếu quỹ như dự tính.
Một số cái tên khác, như: CTCP Đạt Phương (HOSE: DPG) đăng ký mua lại 1,5 triệu cổ phiếu quỹ từ ngày 18/3 đến ngày 17/4; CTCP PVI (HNX: PVI) thông qua chủ trương mua 11,5 triệu cổ phiếu quỹ; CTCP Đầu tư Phát triển Cường Thuận Idico (HOSE: CTI) thông qua phương án mua 15,7 triệu cổ phiếu quỹ; Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) công bố kế hoạch mua lại tối đa 10 triệu cổ phiếu quỹ dự kiến vào quý I hoặc quý II/2020;...
Ngoài ra, các doanh nghiệp thuộc nhóm bất động sản cũng đồng loạt lên phương án mua cổ phiếu quỹ.
Cụ thể, CTCP Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (HODECO - HOSE: HDC) thông qua phương án mua lại 2 triệu cổ phiếu quỹ ngay trong quý II. Cổ phiếu HDC cũng giảm đến 35% trong chưa đầy 3 tháng đầu năm 2020;
CTCP Bất động sản và Đầu tư VRC (HOSE: VRC) thông qua mua lại tối đa 10 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 20% tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Cổ phiếu VRC giảm đến 70% từ đầu năm 2020 đến nay.
Điểm chung của hầu hết các doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ là do tình trạng thị giá đang sụt giảm mạnh. Phương án này nhằm giúp doanh nghiệp gia tăng giá trị cho cổ đông, bình ổn giá thị trường, tạo niềm tin và cam kết cho các cổ đông.
Trong một vài trường hợp, chính lãnh đạo doanh nghiệp sẽ chi tiền mua vào cổ phiếu.
Đơn cử, ông Trần Vũ Minh, con trai ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) đăng ký mua 20 triệu cổ phiếu HPG. Giao dịch dự kiến được thực hiện từ 17/3 đến 16/4 thông qua phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.
Ông Minh đăng ký giao dịch trên trong bối cảnh giá cổ phiếu HPG xuống thấp nhất hơn 2 năm khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/3 tại 19.050 đồng/ cổ phiếu, giảm hơn 18% so với thời điểm cuối năm 2019. Với mặt bằng giá hiện tại, ông Minh dự kiến chi 381 tỷ đồng để mua hết 20 triệu cổ phiếu HPG.
Trường hợp thực hiện thành công giao dịch, gia đình ông Trần Đình Long và tổ chức có liên quan (Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Đại Phong do ông Trần Vũ Minh làm Giám đốc) sẽ nâng sở hữu từ 903,85 triệu cổ phiếu lên thành 923,85 triệu cổ phiếu (tương đương 33,46% vốn điều lệ).
Trường hợp khác là bà Trần Thị Thoản - Phó Tổng Giám đốc thường trực CTCP Nhựa An Phát Xanh (mã AAA) vừa công bố thông tin mua vào 5 triệu cổ phiếu AAA nhằm mục đích đầu tư tài chính dài hạn. Giao dịch được thực hiện theo hình thức khớp lệnh và thỏa thuận trong khoảng thời gian từ ngày 18/3 đến 16/4.
Nắm bắt việc nhu cầu mua cổ phiếu quỹ của doanh nghiệp, cũng như một số lãnh đạo đăng ký mua cổ phiếu tạo niềm tin cho cổ đông, ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định, cơ quan sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp một cách tối đa bằng cách xử lý hồ sơ mua cổ phiếu quỹ của doanh nghiệp chỉ trong vòng 1 ngày, thay vì xử lý trong vòng 7 ngày như quy định tại Thông tư 162/2015/TT-BTC.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận