Thị trường điều chỉnh mạnh, nhà đầu tư chứng khoán nên làm gì?
Theo chuyên gia chứng khoán trong điều kiện thị trường nhiễu loạn vì thông tin dịch bệnh như hiện nay thì có một số vấn đề nhà đầu tư cần tuân thủ để bảo vệ chính mình.
Xoay quanh diễn biến trên thị trường chứng khoán những phiên gần đây, BizLIVE đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI).
Phiên giao dịch ngày 20/8 là phiên hội tụ nhiều yếu tố khiến thanh khoản bủng nổ. Thứ nhất là trạng thái tâm lý của bên bán bị tác động tiêu cực ngay từ đầu phiên với các tin đồn (fake news) được lan truyền ngay từ đầu phiên sáng về việc TP.HCM sắp ban bố tình trạng khẩn cấp và chuẩn bị phong tỏa toàn thành phố, Hà Nội sẽ cấm đi lại trong 7 ngày... Thời gian gần đây tình hình dịch tại các tỉnh phía Nam vẫn diễn biến phức tạp nên khi xuất hiện những tin đồn như trên sẽ tạo tâm lý hoang mang cho nhà đầu tư và trong phiên 20/8 bên bán có nhiều thời điểm là bán tháo trong hoảng loạn, giống với các đợt bán tháo vì tin xấu dịch bệnh trước đây.
Thứ hai là ở phía bên mua, lực cầu mua cũng rất sẵn sàng mua vào khi mặt bằng giá cổ phiếu giảm về mức thấp, đặc biệt ở thời điểm cuối phiên, khi nhiều cổ phiếu giảm về gần mức giá sàn sức mua tốt đã giúp nhiều cổ phiếu hồi phục mạnh trở lại so với mức thấp trong phiên, về chỉ số chung VN-Index cũng đóng cửa chỉ còn giảm 45 điểm so với mức giảm sâu nhất là hơn 57 điểm trong phiên.
Thứ ba, hệ thống công nghệ của HOSE đã thông suốt giúp các giao dịch mua bán không bị hạn chế về số lượng lệnh như trước đây, cung cầu đều được thỏa mãn nên đã đưa thanh khoản chung lên mức kỷ lục.
Rõ ràng, với 1 phiên giảm mạnh về điểm số và tăng cao về thanh khoản cho thấy một trạng thái kỹ thuật xấu nếu như trong điều kiện thị trường bình thường. Tuy nhiên đây là phiên tâm lý người bán có phần hoảng loạn bởi fake news và điểm nhấn của phiên giao dịch này là lực cầu mạnh cuối phiên giúp cho thị trường không xảy ra hiện tượng giá cổ phiếu sàn hàng loạt (trắng bên mua) như những lần nhà đầu tư hoảng loạn vì tin dịch trước đây.
Có thể nhìn đây là một điểm tích cực trong một phiên giao dịch siêu thanh khoản, điều này trực tiếp cho thấy thị trường chứng khoán Việt đang thu hút được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư so với các kênh đầu tư khác đang chịu tác động tiêu cực từ dịch COVID-19, một lượng tiền lớn đang vận động trong thị trường.
Với những gì đang diễn ra, cùng với tình hình dịch bệnh đang phức tạp ảnh hưởng chung tới nền kinh tế và doanh nghiệp, nhiều khả năng trong tuần này thị trường sẽ có diễn biến giằng co với tâm lý chung của nhà đầu tư là thận trọng.
Một điểm đáng lưu ý là những thông tin chính thống liên quan đến các biện pháp tăng cường chống dịch tại TP.HCM cũng đã rõ ràng với hàng loạt giải pháp được đưa ra hợp lý, trong đó quân đội sẽ trực tiếp tham gia điều phối và cùng nhiều lực lượng phòng chống COVID-19 tại địa phương để hỗ trợ vận chuyển lương thực và hỗ trợ y tế cho TP.HCM trong thời gian tới để đảm bảo giãn cách theo Chỉ thị 16.
Tôi cho rằng đây là các biện pháp sẽ giúp TP.HCM có thể đạt được mục tiêu kiểm soát dịch tới ngày 15/9, với nhà đầu tư chứng khoản, việc Việt Nam nói chung và các tỉnh miền Nam nói riêng sớm kiểm soát được dịch bệnh sẽ là một thông tin tích cực trong những tuần đầu tháng 9.
Theo tôi được biết, trước phiên 20/8 tình hình margin trên thị trường cũng ở mức cao so với lịch sử, tuy nhiên so với năng lực cung cấp dịch vụ tài chính của các CTCK hiện nay cũng chưa phải căng thẳng. Sau phiên giảm mạnh ngày 20/8 áp lực margin đã giảm đi đáng kể với hoạt động bán tháo và chủ động cắt giảm danh mục của nhiều nhà đầu tư.
Về cơ bản, phiên giảm mạnh 20/8 không xuất phát từ trạng thái margin cao trên thị trường, mà chủ yếu là tâm lý hoảng loạn của nhà đầu tư trước tình hình dịch bệnh phức tạp và nhiều thông tin đồn tiêu cực không đúng thực tế đã làm nhà đầu tư quá bi quan mà bán ra theo hiệu ứng domino.
Trong điều kiện thị trường nhiễu loạn vì thông tin dịch bệnh như hiện nay, nhà đầu tư cần tuân thủ một số vấn đề để bảo vệ chính mình: Không sử dụng margin khi thị trường diễn biến khó lường và hạn chế các hoạt động trading ngắn hạn mà không chú trọng đến việc lựa chọn doanh nghiệp tốt về cơ bản.
Với nhà đầu tư đang có vị thế tiền mặt có thể coi những đợt sụt giảm này là cơ hội, ưu tiên cho phương pháp đầu tư trung và dài hạn, lựa chọn cổ phiếu cơ bản tốt, tiềm năng tăng trưởng cao và có thể chọn các nhịp thị trường giảm mạnh để có thể mua được ở mức giá thấp.
Với các nhà đầu tư vẫn còn nắm giữ cổ phiếu, việc quản trị rủi ro danh mục là quan trọng, đưa margin về mức thấp và cơ cấu danh mục theo hướng ưu tiên các cổ phiếu cơ bản tốt để chờ thị trường ổn định hồi phục trở lại. Tránh việc bán tháo bằng mọi giá trước những thông tin tiêu cực không có căn cứ.
Từ năm 2020 cho tới nay, hầu hết các đợt bán tháo vì thông tin dịch bệnh COVID-19 sau đó thị trường sẽ sớm cân bằng và hồi phục trở lại khi những tín hiệu tích cực từ việc kiểm soát dịch bệnh được thể hiện. Khi đó các cổ phiếu có cơ bản tốt, tăng trưởng doanh thu lợi nhuận cao đều hồi phục mạnh với sự trở lại của dòng tiền.
Đương nhiên trong thực tế những doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh khiến doanh thu lợi nhuận sụt giảm sẽ có khoảng thời gian phải chấp nhận thực tế là dòng tiền sẽ chưa trở lại trong ngắn hạn, khi đó sự hồi phục của các doanh nghiệp này như thế nào trong tương lai sẽ có thể thu hút dong tiền của nhà đầu tư. Hầu hết những thông tin hay tác động tiêu cực nhất của đợt dịch này sẽ thể hiện trong quý 3 và một phần đã phản ánh vào TTCK thời gian gần đây.
Cảm ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận