Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn hút nhà đầu tư ngoại
Tuần qua (từ 15 - 19/8), là tuần thứ sáu liên tiếp tăng điểm của thị trường chứng khoán. Dù vậy, mức tăng khá nhẹ và thanh khoản trong tuần cũng suy giảm.
Đây là tuần thứ hai liên tiếp thanh khoản đi xuống, dù mức thanh khoản này vẫn cao hơn trung bình 20 tuần gần nhất, nhưng phần nào đó đã thể hiện việc dòng tiền đang có sự thận trọng hơn ở vùng giá hiện tại. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực là khối ngoại vẫn duy trì mua ròng trên cả hai sàn HOSE và HNX.
Dòng tiền suy giảm
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), trong tuần (từ 15 -19/8) đáo hạn hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tháng 8/2022, thị trường vẫn duy trì được đà tăng điểm, nhưng sự thận trọng của nhà đầu tư đã gia tăng so với thời gian trước đó.
Điều này thể hiện qua dòng tiền trong tuần qua có sự suy giảm nhẹ. Cũng như diễn biến của các nhóm ngành và các cổ phiếu chủ yếu vẫn là đi ngang và giằng co trong tuần qua với mức tăng cũng như mức giảm khá nhẹ.
Trên góc độ kỹ thuật, thị trường vẫn phân hóa mạnh trong vùng kháng cự trong khoảng 1.260 - 1.285 điểm, với quá trình rung lắc liên tục sẽ xảy ra để hấp thu áp lực cung vùng giá cao, cũng như thu hút lực cầu mới đối với các mã, nhóm ngành có tiềm năng tăng trưởng tốt; phù hợp với động thái tái cơ cấu danh mục của các nhà đầu tư.
Trên góc nhìn dài hạn, thị trường vẫn đang tích lũy trên nền định giá ở mức thấp so với trung bình 5 năm gần nhất. Nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng hợp lý và có thể xem xét chọn lọc giải ngân, tích lũy đối với những cổ phiếu có triển vọng tăng trưởng trong quý III/2022, báo cáo quý II/2022 duy trì kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực và đang thu hút dòng tiền ngắn hạn gia tăng, SHS nhận định.
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 6,85 điểm lên 1.269,18 điểm, trong khi HNX-Index giảm 5,48 điểm xuống 297,94 điểm.
Tuần giao dịch qua là tuần giao dịch khá khó khăn với thị trường chung, khi mà các chỉ số thị trường đều đã tiến vào các vùng kháng cự khiến cho áp lực bán luôn thường trực để thu hẹp lại mức tăng.
Trong tuần tăng điểm thứ sáu liên tiếp này của thị trường, dù là mức tăng khá nhẹ nhưng cũng đủ giúp gần như toàn bộ các nhóm ngành cổ phiếu kết tuần trong sắc xanh.
Tích cực nhất là nhóm cổ phiếu hàng tiêu dùng với mức tăng 2,8% giá trị vốn hóa. Mức tăng này có được là nhờ sự tích cực của trụ cột trong ngành là SAB tăng 7,1%, MSN tăng 4,5%, VNM tăng 3,1%...
Đứng thứ hai là nhóm ngành dầu khí với mức tăng 2,4% giá trị vốn hóa. Các trụ cột trong ngành dầu khí như PVD tăng 4,8%, PVS tăng 3,1%, PVB tăng 1,9% và PLX tăng 1,8%...
Các nhóm ngành còn lại đều có mức tăng nhẹ, có thể kể đến như tiện ích cộng đồng và nhóm công nghiệp đều tăng 0,1% giá trị vốn hóa, nhóm ngân hàng cùng dược phẩm và y tế đều tăng 0,3%, dịch vụ tiêu dùng tăng 0,5%, công nghệ thông tin tăng 0,7%.
Trong tuần qua, chỉ có duy nhất nhóm nguyên vật liệu giảm, chủ yếu do sự giảm giá của các cổ phiếu như HPG giảm 0,8%, NKG giảm 1,8%, HSG giảm 6%...
Khối ngoại tiếp tục mua ròng trên thị trường trong tuần qua, với giá trị ròng đạt 615,71 tỷ đồng trên hai sàn.
Xét theo khối lượng ròng, SSI là mã được mua ròng nhiều nhất với 25,4 triệu cổ phiếu. Tiếp theo là STB với 13,2 triệu cổ phiếu và CTG với 7,5 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, KBC là mã chứng khoán bị bán ròng nhiều nhất với 7,4 triệu cổ phiếu.
Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai VN30 đang thấp hơn so với chỉ số cơ sở VN30 từ 14 đến 28 điểm cho thấy các nhà giao dịch tiếp tục nghiêng về khả năng thị trường có thể sớm điều chỉnh trở lại.
Dưới góc nhìn của Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), thị trường đã có dấu hiệu điều chỉnh trong những phiên gần đây khi tín hiệu từ nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.
Chỉ số VN-Index tuy giảm phiên thứ 2 liên tiếp nhưng vẫn tăng một mạch 6 tuần liền. Do vậy, nếu tham chiếu chỉ số chung sẽ không phản ảnh đúng diễn biến ở chỉ số.
Độ rộng thị trường 3 phiên liên tiếp đều nghiêng về bên bán, điều đó cho thấy dù chỉ số tăng hoặc điều chỉnh nhẹ nhưng giá cổ phiếu giảm nhiều hơn trên diện rộng.
"Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index đang có tín hiệu điều chỉnh kỹ thuật. Do vậy, nhà đầu tư có thể chốt dần ở các cổ phiếu đã tăng mạnh và cơ cấu danh nhóm cổ phiếu chưa tăng nhiều", MBS nhận định.
Công ty Cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) nhận định, sau khi chạm mốc 1.283 điểm, VN-Index đã giảm khá nhanh sau đó và đối mặt với rủi ro bắt đầu nhịp điều chỉnh ngắn hạn. Xu hướng ngắn hạn hiện tại đang ở trạng thái đi ngang, nhưng công ty chứng khoán này lưu ý mốc hỗ trợ cho trạng thái này là 1.265 điểm. Trong khi đó, xu hướng trung hạn của thị trường vẫn khả quan với trạng thái tăng và mốc hỗ trợ là ngưỡng 1.250 điểm.
Chứng khoán Mỹ dứt mạch tăng
Nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam có xu hướng thận trọng hơn là điều dễ hiểu, khi mà thị trường chứng khoán thế giới không mấy tích cực. Đáng chú ý, chứng khoán Mỹ chấm dứt chuỗi tăng điểm kéo dài 4 tuần liên tiếp.
Thực tế, giới đầu tư vẫn lo lắng về tình hình lạm phát, cùng các động thái đối phó tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Phiên cuối tuần qua, trên thị trường Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,9% xuống 33.706,74 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 cũng giảm 1,3% xuống 4.228,48 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng mất 2% xuống 12.705,22 điểm.
Các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm trong phiên ngày thứ Sáu, khi lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng vọt và giới đầu tư đánh giá triển vọng Fed tiếp tục mạnh tay điều chỉnh lãi suất nhằm đối phó với lạm phát cao.
Theo ông Keith Lerner, đồng Giám đốc đầu tư của công ty tư vấn tài chính Truist Advisory Services, sau đợt tăng ấn tượng của thị trường chứng khoán Mỹ gần đây cũng như việc Fed trong quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ, đây là thời điểm thích hợp để các nhà đầu tư cắt giảm lượng cổ phiếu họ đang nắm giữ.
Ông Lerner cho hay, các mức định giá cổ phiếu đã được nâng lên quá cao sau đợt phục hồi gần nhất. Chuyên gia này đánh giá, phạm vi giao dịch trong khoảng từ 4.200 - 4.300 điểm cho S&P 500 không mấy thuận lợi khi nhìn từ góc độ chấp nhận rủi ro cao đổi lấy lợi nhuận lớn.
Trong khi đó, lạm phát ở châu Âu là một lời nhắc nhở rằng nhiệm vụ của các ngân hàng trung ương toàn cầu vẫn chưa hoàn thành. Ông Lerner viện dẫn sự gia tăng mạnh mẽ trong giá sản xuất của Đức cũng ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư Mỹ giữa lúc lạm phát cao thúc đẩy lãi suất tăng.
Một yếu tố khác cũng tác động tới tâm lý nhà đầu tư là những lo lắng không dứt về nền kinh tế Trung Quốc. Đặc biệt khi ngân hàng Goldman Sachs và Nomura cắt giảm triển vọng tăng trưởng của nước này một lần nữa, sau một đợt số liệu kinh tế không tốt như hy vọng và nước này vẫn quay cuồng với các đợt phong tỏa phòng dịch COVID-19.
Hai ngân hàng trên đưa ra thông báo hạ triển vọng kinh tế Trung Quốc sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) hôm 15/8 bất ngờ cắt giảm lãi suất. Sau đó một ngày, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường kêu gọi sáu tỉnh quan trọng - chiếm khoảng 40% nền kinh tế - thúc đẩy các chính sách hỗ trợ tăng trưởng ở nước này.
Nhìn chung, những đồn đoán về xu hướng chính sách của Fed vẫn là yếu tố chi phối chính trên thị trường chứng khoán Mỹ trong tuần qua.
Với mức giảm khá mạnh trong phiên 19/8, tính chung trong cả tuần qua chỉ số Dow Jones đã giảm 0,2% trong khi S&P 500 mất 1,2% và Nasdaq sụt tới 2,6%.
Theo dữ liệu tổng hợp bởi Dow Jones Market Data, S&P 500 và Nasdaq đều dứt chuỗi tăng 4 tuần liên tiếp, trong khi cả ba điểm chuẩn chính đều có mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 1/7.
Mức giảm theo tuần trên đánh dấu sự chững lại của đợt tăng gần đây trên thị trường chứng khoán Mỹ. Hiện các nhà đầu tư đang đánh giá khả năng Fed nâng lãi suất chuẩn thêm 75 điểm cơ bản tại cuộc họp vào tháng Chín tới.
Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis, ông James Bullard hôm thứ Năm đã nói với báo giới rằng, ông đang nghiêng về phía mức tăng 75 điểm cơ bản tại cuộc họp tiếp theo.
Sang sáng thứ Sáu, Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond, ông Tom Barkin nhắc lại rằng Fed sẽ làm những gì cần thiết để đẩy lạm phát trở lại ngưỡng mục tiêu 2%, đồng thời khẳng định những nỗ lực của ngân hàng trung ương này sẽ không mang tới nhiều tác động tiêu cực.
Tuần tới, các nhà đầu tư sẽ chuyển trọng tâm sang những gì Chủ tịch Jerome Powell sẽ phát biểu trong hội nghị chuyên đề kinh tế hàng năm của Fed ở Jackson Hole, Wyoming.
Các quan chức Fed đã cố gắng nhấn mạnh rằng ngân hàng trung ương này vẫn cần hành động nhiều hơn để giảm lạm phát.
Tại hội nghị chuyên đề vào tuần tới ở Jackson Hole, Wyoming, giới chức Fed có thể một lần nữa "làm nguội" những kỳ vọng về một sự xoay trục sang hướng ôn hòa hơn - yếu tố đã giúp chứng khoán Mỹ tăng điểm trong giai đoạn gần đây.
Tại châu Á, các thị trường chứng khoán biến động trong phiên giao dịch chiều 19/8 khi các nhà đầu tư cố gắng đánh giá kế hoạch nâng lãi suất của Fed để chống lạm phát, với số liệu và nhiều ý kiến trái chiều.
Trong phiên này chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đi ngang ở mức 28,930,33 điểm, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 0,1% lên 19.773,03 điểm, chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 0,6% xuống 3.3258,08 điểm. Thị trường chứng khoán Đài Bắc, Manila, Sydney và Jakarta cũng tăng điểm, trong khi Singapore, Seoul, Wellington, Mumbai và Bangkok đều giảm điểm.
Chuyên gia Edward Moya của trung tâm OANDA cảnh báo rằng thị trường sẽ còn chao đảo trong một thời gian. Ông cho biết ,giá cổ phiếu rất có thể sẽ khó đoán định trong phần còn lại của mùa Hè khi Phố Wall vẫn chưa chắc chắn về kế hoạch nâng lãi suất của Fed vào tháng 9/2022.
Các nhà giao dịch châu Á cũng thận trọng trong các giao dịch và họ sẽ tiếp tục chú ý đến diễn biến của cuộc xung đột ở Ukraine.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận