Thị trường chứng khoán 2020: Nhắm tới dòng tiền từ nhà đầu tư ngoại
Nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính nhận định thị trường chứng khoán 2020 sẽ có nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với việc nhiều quỹ ETF nội địa, các bộ chỉ số đầu tư theo yêu cầu của khách hàng được thành lập và sẽ có một số thương vụ cổ phần hóa quy mô lớn được thực hiện nên kỳ vọng thị trường sẽ khởi sắc nhờ vốn ngoại.
Kỳ vọng dòng vốn ngoại
Ông Phạm Lưu Hưng, Phó giám đốc Trung tâm phân tích và tư vấn tài chính CTCK SSI (SSI), cho biết sắp tới, thị trường chứng khoán sẽ có ít nhất thêm 3 quỹ ETF (được hình thành từ việc hoán đổi danh mục chứng khoán cơ cấu lấy chứng chỉ quỹ) dựa trên chỉ số VN30, trong đó có quỹ do SSIAM thành lập.
Theo ông Hưng, đây là một trong những động lực tăng trưởng của thị trường, bởi chứng chỉ quỹ ETF là công cụ đầu tư hữu hiệu, nhận được sự quan tâm rất lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh tại Việt Nam, vấn đề room nước ngoài vẫn chưa thể mở hết. Việc đầu tư vào chứng chỉ quỹ ETF trong nước giúp các nhà đầu tư nước ngoài không phải trả thêm phí premium đối với các cổ phiếu hết room như FPT, MWG, MBB (hiện đang ở mức 7 - 40% so với thị giá). Nếu thành lập và triển khai, thì dòng tiền đổ vào quỹ sẽ rất lớn.
Ngoài ra, bộ chỉ số đầu tư theo yêu cầu của khách hàng được Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) ra mắt vào ngày 18/11 cũng đã góp phần thu hút thêm nhiều vốn ngoại, cụ thể là Vietnam Diamond Index (VN DIAMOND), Vietnam Financial Select Sector Index (VN FIN SELECT), Vietnam Leading Financial Index (VN FIN LEAD). Theo HOSE, đây là loại chỉ số mới trên thị trường được HOSE xây dựng theo yêu cầu của các quỹ đầu tư nhằm phát triển các sản phẩm dựa trên chỉ số, đáp ứng nhu cầu đầu tư đa dạng của thị trường. Vì thế, HOSE kỳ vọng sẽ đa dạng hóa sản phẩm và góp phần gia tăng thanh khoản cho thị trường.
Trong đó, chỉ số VN DIAMOND tập trung vào các cổ phiếu hết room với các điều kiện vốn hóa từ 2.000 tỷ đồng trở lên, giá trị giao dịch khớp lệnh lớn hơn hoặc bằng 5 tỷ đồng/phiên, tỷ lệ nắm giữ/giới hạn nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài (FOL) cao nhất, tỷ trọng tối đa với cổ phiếu đơn lẻ là 15% (với nhóm cổ phiếu cùng ngành là 40%). Cổ phiếu để được xem xét trở thành cổ phiếu thành phần cần đáp ứng điều kiện về giá trị vốn hóa, giá trị giao dịch và tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài.
Với VN FIN SELECT, chỉ số được xây dựng dựa trên Chỉ số ngành tài chính của HOSE - VNAllshare Financials Index và bổ sung quy định giới hạn tỷ trọng vốn hoá của cổ phiếu thành phần là 15%, nhưng vẫn có một số khác biệt về tiêu chí xem xét cổ phiếu thành phần của 2 chỉ số. Mặt khác, chỉ số cũng yêu cầu các cổ phiếu thành phần phải có giá trị vốn hóa tối thiểu 500 tỷ đồng và có giá trị giao dịch tối thiểu 1 tỷ đồng/phiên.
Tương tự, VN FIN LEAD cũng được xây dựng dựa trên Chỉ số ngành tài chính của HOSE như yêu cầu các cổ phiếu được xem xét khi có tỷ suất quay vòng tối thiểu 0,1% và giá trị giao dịch tối thiểu 10 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo ông Hưng, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết 2019 không cao nên cũng khó thu hút đầu tư. Có thể thấy, thị trường chứng khoán trong năm 2019 đã có sự sụt giảm so với năm 2018. Do đó, nếu trong năm 2020, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp này đạt khoảng 18% thì thanh khoản thị trường sẽ khởi sắc nếu có sự thay đổi về chính sách, luật doanh nghiệp và đầu tư.
Cụ thể, thanh khoản thị trường HOSE mặc dù duy trì ở mức ổn định với khối lượng giao dịch bình quân đạt 177,84 triệu chứng khoán, tương ứng với giá trị bình quân phiên đạt 4.808 tỷ đồng/ngày. Dòng vốn ngoại đầu tư vào thị trường trong năm 2019 cũng duy trì ở mức ổn định. Tổng giá trị giao dịch (mua và bán) của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 294.906 tỷ đồng, chiếm khoảng 16% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường mỗi chiều mua và bán. Nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng gần 7.513 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với cùng kỳ 2018 đã có sự suy giảm lần lượt 12,32% về khối lượng và 28,16% về giá trị.
Đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp
Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, cổ phần hóa và đổi mới doanh nghiệp nhà nước rất quan trọng đối với thị trường chứng khoán, nhất là khi năm 2019 không có đợt IPO lớn nào, chỉ có 3 công ty lớn là Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Viglacera....
Năm 2020 là thời gian cuối trong kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn của Chính phủ với hàng loạt doanh nghiệp lớn nằm trong danh sách thoái vốn và cổ phần hóa như Agribank, Vinachem, Mobifone, Viecm, Genco 1, Genco 2… ước tính tổng vốn hóa của doanh nghiệp lớn này ở mức khoảng 8 tỉ USD. Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), đây là áp lực rất lớn cho các doanh này. Bởi năm 2019, doanh nghiệp cổ phần hóa không nhiều, chưa đến 40/128 doanh nghiệp thuộc danh mục phải cổ phần hóa. Như vậy, tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp còn chậm (28%), không đạt được kế hoạch đề ra.
Nguyên nhân khiến cho tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm là do quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước cổ phần hóa làm kéo dài thời gian thực hiện cổ phần hóa. Đặc biệt là vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do ủy ban nhân dân địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định dẫn đến các doanh nghiệp phải điều chỉnh tiến độ cổ phần hóa.
Ngoài ra, tỷ lệ vốn nhà nước trong phương án cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn cao dẫn đến giảm sức hút đối với các nhà đầu tư mua cổ phần, ảnh hưởng đến thành công của việc cổ phần hóa. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường, chậm đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp sau cổ phần theo thông lệ và chuẩn mực của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán, cũng như hạn chế công tác giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động của các doanh nghiệp này.
Ngoài những nguyên nhân khách quan, thực tế cho thấy, thoái vốn, cổ phần hoá ì ạch thời gian qua còn xuất phát từ câu chuyện riêng tại mỗi doanh nghiệp, trong đó không thể không kể đến như trường hợp Mobifone do vướng vụ việc với AVG, nhiều cá nhân bị kỷ luật dẫn đến chậm trễ. Hay như trường hợp Tổng công ty Giấy thoái vốn khỏi Giấy Phương Nam, nhà máy chưa hoạt động, bán đấu giá “ế” nhiều lần, mức định giá không hề rẻ…
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, việc đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp này sẽ giúp tăng đáng kể vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam và đạt được mốc 100% GDP trong năm 2020. Thực tế cũng đã cho thấy, phần lớn doanh nghiệp Nhà nước đều có kết quả kinh doanh tích cực sau khi IPO.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận