Thị trường bất động sản mất kiểm soát bởi môi giới?
Môi giới bất động sản luôn là chủ đề nóng gây suốt hàng thập kỷ qua, khi đi bất cứ nơi đâu cũng gặp một bộ phần môi giới - là một trong những tác nhân gây ảnh hưởng nặng nề đến thị trường bất động sản, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường kinh doanh của những nhà đầu tư và người môi giới chuyên nghiệp… Bởi lẽ đó, việc ngăn chặn những đối tượng “nghiệp dư” này cần phải quyết liệt hơn nữa.
Giá đất tiếp tục lập đỉnh mới
Trong quý I/2022, khi dịch bệnh đã dần ổn định, nhiều địa phương trên cả nước đã bắt đầu nhộn nhịp trở lại với phân khúc bất động sản đất nền. Tình trạng môi giới đất đai tại các địa phương bày trò, dàn dựng kịch bản làm nóng thị trường, tạo ra sốt đất ảo không đúng với giá trị thực tế.
Thế nhưng, tình trạng “bình mới rượu cũ” vẫn thu hút khá nhiều nhà đầu tư mơ hồ, hám lợi đã đặt niềm tin vào những môi giới chưa chuẩn mực một cách mù quáng. Một số nơi đã và đang trong tình trạng đó như: Bình Phước, Quảng Trị, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Buôn Mê Thuật…
Bùng nổ giao dịch đất nền mạnh nhất trong những tháng cuối năm 2021 đầu 2022 là các tỉnh phía Bắc với tâm điểm là: Hà Nội, Hà Nam, Bắc Giang và Hưng Yên. Theo số liệu từ batdongsan.com.vn, lượt tìm kiếm đất nền và đất nền dự án tại các địa phương này đều tăng hơn 2 con số. Cụ thể, nhu cầu tìm mua đất nền ở Hà Nội tăng 19% so với cùng kỳ 2020 trong khi Hà Nam tăng đến hơn 36% so với tháng 11/2021. Hòa Bình, Hưng Yên và Bắc Giang cũng ghi nhận lượt quan tâm tìm mua đất nền tăng 18-22% trong khi các điểm nóng từ giai đoạn trước là Bắc Ninh, Hải Dương cũng tiếp tục tăng thêm 8-13% so với 1 tháng trước đó.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết: Thời gian gần đây giá cả bất động sản liên tục thay đổi, đảo chiều, tạo ra áp lực rất lớn cho thị trường. Đất đai một số nơi “nhảy múa”, tăng vọt.
Trong đó, phải kể đến một lực lượng môi giới nhất định đã tham gia góp tay tạo nên những cơn sốt, đưa đất đai thành hàng hóa đầu cơ chứ không phải mục đích phục vụ kinh tế cho địa phương. Vì thế cần có giải pháp bình ổn thị trường, điều tiết bằng chính sách.
Theo ông Phạm Lâm - Phó Chủ tịch Hiệp hội môi giới bất động sản Việt Nam, hiện có khoảng 300.000 người tham gia thực hiện các nghiệp vụ môi giới bất động sản trên toàn Việt Nam. Thế nhưng, số lượng thực tế còn nhiều hơn vì “ai cũng có thể làm môi giới bất động sản”. Thống kê cho thấy, hàng năm trung bình cả thị trường sơ cấp và thứ cấp có trên 100.000 giao dịch. Một số địa phương, 1 tháng có tới vài ngàn giao dịch và lực lượng môi giới đóng vai trò quan trọng giúp các giao dịch bất động sản diễn ra.
“Các môi giới, không phải ai cũng có đủ bằng cấp, nắm chắc nghiệp vụ hay hiểu rõ pháp luật. Hiện tại, quy mô, số lượng môi giới tăng lên nhưng chất lượng thực tế chưa thực sự tốt. Việc học nghề chỉ mang tính đối phó với cơ quan quản lý. Đã đến lúc cần có quy chuẩn rõ ràng về môi giới về cá nhân hay tổ chức”, ông Lâm cho hay.
Xây dựng chế tài, tăng cường quản lý đối với hoạt động môi giới bất động sản
Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, nhà môi giới là chủ thể rất quan trọng và để phát huy được vai trò thì cần phải có kiến thức pháp luật, được học và cấp chứng chỉ.
Hiện nay, thị trường bất động sản vẫn thiếu thông tin nên có trình trạng môi giới đẩy giá cao. Để tăng cường quản lý Nhà nước trong hoạt động xây dựng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng).
Nghị định 16 quy định xử phạt kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản với một số nội dung như: Không có chứng chỉ hành nghề, không có quy chế hoạt động sàn giao dịch, thu các loại phí kinh doanh dịch vụ mà pháp luật không quy định, rao bán bất động sản không đủ điều kiện, không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ hồ sơ, thông tin về bất động sản... Các vi phạm về quản lý, sử dụng, kê khai thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản có mức xử phạt từ 60 – 80 triệu đồng.
Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, Nghị định 16 quy định chủ đầu tư phải đăng ký số lượng sản phẩm, tình trạng giao dịch và công bố trên website... nếu không sẽ xử phạt. Đồng thời, chủ đầu tư cũng phải cung cấp đầy đủ thông tin sản phẩm cho nhà môi giới.
Bên cạnh đó, Nghị định 16 đã quy định xử phạt mạnh tay vi phạm trong hoạt động môi giới, vì thế các đơn vị sàn môi giới phải nắm bắt được quy định của pháp luật. Nếu không, ngoài việc bị xử phạt hành chính, các hợp đồng giao dịch với khách hàng sẽ bị huỷ, dừng hoạt động sàn, tiền sẽ bị tịch thu.
“Hiện Bộ Xây dựng đang nghiên cứu thể chế hóa hoạt động kinh doanh bất động sản vào Luật Kinh doanh bất động sản với hướng xác định vai trò, chủ thể nhà môi giới trong thị trường, có cần quy định việc đào tạo kỹ năng hành nghề môi giới hay không, quy định trách nhiệm và đạo đức hành nghề của nghề môi giới, mối quan hệ giữa nhà môi giới với các chủ thể khác", ông Nguyễn Mạnh Khởi cho biết thêm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận