Thị phần “core” chứng khoán đang ra sao?
“Core” chứng khoán là bộ phận có quan hệ mật thiết với hoạt động của thị trường chứng khoán. Tuy vậy, thị trường lại không có nhiều thông tin về những đơn vị cung cấp dịch vụ này.
Hệ thống giao dịch là trung tâm của mọi nền tảng chứng khoán trực tuyến, đóng vai trò cốt lõi trong chiến lược phát triển sản phẩm và nâng cao trải nghiệm khách hàng của mọi công ty chứng khoán (CTCK).
Từ những năm 2009, khi công nghệ giao dịch trực tuyến trở nên thông dụng và phù hợp với số đông, thì các CTCK cũng nhanh chóng áp dụng, từ đó việc giao dịch trực tuyến chiếm đại đa số và dần dần vắng bóng khách hàng đến đặt lệnh theo phương thức phổ thông.
Để có thể vận hành hệ thống giao dịch, CTCK phải sử dụng “core” chứng khoán từ các đơn vị cung cấp phần mềm. Các công ty cung cấp “core” chứng khoán cung cấp nhiều sản phẩm như hệ thống giao dịch chứng khoán cho thị trường cơ sở, phái sinh, hệ thống giao dịch cao tần (HFT) cho CTCK, hệ thống kết nối trực tuyến tới trung tâm lưu ký chứng khoán, giao dịch bằng robot, tạo tài khoản định danh điện tử (eKYC)…
CTCK sử dụng sử dụng “core” chứng khoán từ các đơn vị cung cấp phần mềm
Cùng với sự phát triển của công nghệ, nhu cầu tiện ích khi đầu tư chứng khoán ngày càng gia tăng. CTCK phải giải được bài toán trải nghiệm liền mạch cho các sản phẩm đầu tư (chứng khoán, trái phiếu, khuyến nghị đầu tư tự động…), cung cấp đầy đủ các tiện ích giao dịch, đặt lệnh nhanh trên bảng giá, đồ thị kỹ thuật, bộ lệnh điều kiện, cùng các tiện ích giao dịch tiền, báo cáo, thông tin tra cứu, mở tài khoản eKYC… “Core” chứng khoán là mảnh đất màu mỡ cho các công ty cung cấp giải pháp công nghệ.
Theo thông tin người viết có được, hiện có 14 công ty cung cấp “core” cho 58 CTCK. Nhóm CTCK này chiếm gần 90% tổng tài sản của toàn nhóm CTCK (tháng 9/2023). 2 đơn vị cung cấp nổi trội nhất thị trường là FSS và Altisss. Cụ thể, 23/58 CTCK đang sử dụng “core” của FSS và 10/58 CTCK sử dụng “core” của Altisss.
Nói thêm về 2 ông lớn thị phần trên, FSS thành lập ngày 18/03/2008. Tới tháng 11/2023, FSS có vốn 30 tỷ đồng.
Altisss thành lập năm 2016, với vốn điều lệ ban đầu 2 tỷ đồng. Đến năm 2021, Công ty tăng vốn lên 10 tỷ đồng.
Trên thị trường, một số đơn vị khác cung cấp “core” chứng khoán cho 3 - 4 CTCK như AFE, DTND, Freewill, Goline, Lotte HPT, Navisoft, TTL.
Thống kê về các đơn vị cung cấp core chứng khoán
Người viết tổng hợp
Thị trường “core” chứng khoán đang nằm phần lớn trong tay của các đơn vị nội địa như FSS, Altiss, DTND, Navisoft, Unikgate, Gosmac, Innotech, Navisoft, RPSoft. Ngoài ra còn có các đơn vị cung cấp “core” ngoại từ Hồng Kông (AFE, TTL), Thái Lan (Freewill), Hàn Quốc (Lotte HPT)…
Thực tế, nhiều CTCK đã chủ động dùng “core” do doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam cung cấp để chủ động trong quản lý, điều chỉnh, nâng cấp. Mỗi CTCK có một hệ thống giao dịch khác nhau để kết nối với Sở Giao dịch Chứng khoán; do đó, tùy vào tính chất sản phẩm của CTCK và tiềm lực tài chính mà CTCK sẽ có cách lựa chọn đơn vị cung cấp “core” khác nhau.
Xu hướng giao dịch chứng khoán bằng phần mềm công nghệ trong tương lai sẽ rất phát triển. Bản thân các CTCK sẽ có sự cạnh tranh mạnh mẽ về công nghệ, phần mềm để phục vụ khách hàng tốt hơn, nếu không muốn đứng ngoài cuộc chơi.
Sắp tới đây, hệ thống KRX vận hành sẽ thay đổi toàn diện nền tảng công nghệ thông tin của thị trường chứng khoán. Nhóm CTCK được đặt trước yêu cầu giải bài toán kết nối với hệ thống giao dịch mới. CTCK nào không có hệ thống giao dịch tương thích để kết nối với KRX có nguy cơ bị bỏ lại phía sau.
Ở phía cung cấp dịch vụ, đơn vị cung cấp “core” chứng khoán cũng phải thích nghi với nền tảng công nghệ thông tin hoàn toàn mới. Hệ thống KRX sẽ là một phép thử mới với các công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho CTCK. Liệu bản đồ thị phần “core” chứng khoán có được vẽ lại?
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận