24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Văn Anh Tuấn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Thép Pomina (POM) với gánh nặng nợ vay

Lợi nhuận tăng mạnh trong nửa đầu năm nay và dự án lò cao hoạt động hiệu quả, nhưng Công ty cổ phần Thép Pomina (Pomina - mã chứng khoán POM: HOSE) mới thực hiện được gần 1/3 kế hoạch lợi nhuận sau nửa đầu năm.

Thực hiện 1/3 kế hoạch lợi nhuận sau nửa đầu năm

Báo cáo tài chính của Công ty Pomina cho thấy những con số tích cực trong nửa đầu năm, với doanh thu thuần đạt 6.213 tỷ đồng, tăng 23,3% so với nửa đầu năm 2020; biên lợi nhuận gộp đạt 8,1% giúp lợi nhuận gộp thu về gấp 3,66 lần, đạt 504,6 tỷ đồng. Cùng với chi phí lãi vay giảm 26,6 tỷ đồng, Công ty đã đạt 195,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, đảo chiều so với mức lỗ 150,6 tỷ đồng nửa đầu năm ngoái, dù chi phí bán hàng, quản lý tăng trong nửa đầu năm nay.

Theo ông Đỗ Tiến Sĩ, Tổng giám đốc Pomina, việc dự án lò cao đi vào hoạt động mang lại hiệu quả, giúp giảm giá thành sản xuất và tiết giảm chi phí lãi vay là nguyên nhân chính giúp lợi nhuận của Công ty được cải thiện.

Tuy vậy, sự cải thiện kết quả kinh doanh của Pomina cũng còn đến từ việc giá thép tăng trong nửa đầu năm nay. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), riêng trong quý II/2021, giá thép xây dựng nội địa tăng bình quân 50% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 39% so với thời điểm cuối năm 2020.

Trong điều kiện kinh doanh thuận lợi, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức cuối tháng 6/2021, lãnh đạo Pomina đã trình và được cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với doanh thu thuần 12.000 tỷ đồng, tăng 22% so với thực hiện trong năm 2020 và lợi nhuận sau thuế tăng gần 38 lần, với 600 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm 2021, dù lợi nhuận của Công ty trong nửa đầu năm khá khả quan, nhưng mới thực hiện được gần 1/3 kế hoạch đề ra.

Trong nửa cuối năm 2021, triển vọng kinh doanh vẫn được đánh giá khả quan nhờ mặt bằng giá thép xây dựng ở mức cao hơn so với đầu năm cũng như cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, việc Bộ Tài chính vừa đề xuất sửa đổi mức thuế xuất nhập khẩu đối với một số mặt hàng thép được Khối Phân tích (CTCP Chứng khoán VNDIRECT) đánh giá là giúp các doanh nghiệp thép xây dựng, như Pomina, có thể được hưởng lợi.

Tuy vậy, với thị trường tiêu thụ tập trung chủ yếu ở miền Nam và các nhà máy sản xuất của Công ty nằm tại Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu - những địa phương áp dụng Chỉ thị 16 của Chính phủ để phòng chống dịch bệnh thời gian qua, nên kết quả kinh doanh của Pomina sẽ bị ảnh hưởng khá nặng nề.

Thép Pomina (POM) với gánh nặng nợ vay

Gánh nặng nợ vay gia tăng

Tính đến cuối quý II/2021, Pomina có quy mô tổng tài sản 13.328,7 tỷ đồng, tăng 23,7% so với đầu năm, chủ yếu do tiền, tương đương tiền và hàng tồn kho tăng mạnh.

Cụ thể, quy mô tồn kho của Công ty đến cuối kỳ đạt 3.908 tỷ đồng, tăng 73,4% so với đầu năm, chủ yếu do tăng giá trị tồn kho thành phẩm (tăng 1.280 tỷ đồng) và hàng mua đang trên đường (470 tỷ đồng).

Sự gia tăng hàng tồn kho sẽ là cơ sở quan trọng giúp triển vọng lợi nhuận của Công ty sáng hơn trong bối cảnh giá thép vẫn đang duy trì ở mức cao. Dẫu vậy, điều này cũng ẩn chứa nguy cơ phát sinh trích lập dự phòng lớn, nếu đà tăng của giá thép đảo chiều.

Đối với khoản tiền và tiền gửi các loại, giá trị đến cuối kỳ đạt 448 tỷ đồng, gấp 4,8 lần đầu năm. Tuy vậy, sự gia tăng số dư tiền của Pomina không đến từ thặng dư dòng tiền hoạt động kinh doanh, bởi trong nửa đầu năm nay, dòng tiền kinh doanh âm 69,7 tỷ đồng. Sự thiếu hụt này được bổ sung bằng việc tăng cường sử dụng nợ vay.

Tính đến ngày 30/06/2021, nợ phải trả của Pomina là 9.623 tỷ đồng, chiếm 72% tổng nguồn vốn, trong đó dư nợ vay là 7.663 tỷ đồng, tăng gần 750 tỷ đồng so với đầu năm. Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu khá cao, gấp 2,07 lần, trong đó, gần 80% dư nợ vay là nợ ngắn hạn.

Dư nợ lớn khiến chi phí lãi vay bào mòn đáng kể lợi nhuận. Chi phí lãi vay trong riêng nửa đầu năm nay là 183 tỷ đồng, tương đương 44,7% lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh. Cùng kỳ năm ngoái, lãi vay cao cũng là nguyên nhân chính khiến Pomina lâm vào thua lỗ. Trong bối cảnh dòng tiền kinh doanh còn yếu, tích lũy tiền thấp so với dư nợ, nợ vay lớn còn ẩn chứa rủi ro về khả năng thanh toán.

Trong báo cáo soát xét bán niên 2021, đơn vị kiểm toán của Pomina là Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam cũng đã nhấn mạnh khoản nợ phải trả ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn hơn 350,4 tỷ đồng tại thời điểm 30/6/2021. Điều này cho thấy yếu tố không chắc chắn, có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, lãnh đạo Công ty đã trình và được cổ đông thông qua kế hoạch phát hành tối đa 70 triệu cổ phiếu mới cho cổ đông hiện hữu trong năm 2021 hoặc 2022 với giá bán do Hội đồng Quản trị quyết định. Đợt tăng vốn, nếu hoàn tất, sẽ đem về cho Công ty khoảng 700 tỷ đồng, giúp tăng quy mô vốn chủ sở hữu, giảm tỷ lệ nợ vay.

Tuy vậy, với dư nợ lớn hiện nay, để cải thiện khả năng thanh toán, yếu tố quan trọng nhất được đánh giá là việc cải thiện dòng tiền kinh doanh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
2.40 (0.00%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả