Thêm room tín dụng, ngân hàng tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh
Động thái điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thêm 1,5 - 2% của Ngân hàng Nhà nước cho toàn hệ thống được đánh giá là kịp thời và phù hợp, nhất là trong bối cảnh không ít doanh nghiệp đang
Như vậy, thay vì định hướng ở mức 14% đề ra hồi đầu năm, tăng trưởng tín dụng năm nay có thể lên tới 16%.
Nhiều ngân hàng được cấp thêm hạn mức tín dụng đã ngay lập tức triển khai các kế hoạch tập trung vốn phân bổ vào các lĩnh vực ưu tiên và ngành nghề thiết yếu của nền kinh tế.
Tập trung vốn vào lĩnh vực ưu tiên
Với quyết định nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống thêm 1,5 - 2%, ước tính sẽ có khoảng 350.000 - 400.000 tỷ đồng vốn tín dụng được đưa ra thị trường trong 3 tuần cuối năm, tạo dư địa khá lớn cho các ngân hàng thương mại cung ứng vốn cho các doanh nghiệp, khách hàng và cả nền kinh tế.
Là một trong những ngân hàng được duyệt cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng (room) trong đợt cuối năm, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) đã chủ trương sử dụng toàn bộ hạn mức này để cho vay sản xuất kinh doanh và triển khai gói cho vay ưu đãi với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng Giám đốc ngân hàng ABBank cho biết: "ABBank đã triển khai ngay gói cho vay ưu đãi quy mô 350 tỷ đồng dành cho cả khách hàng doanh nghiệp và cá nhân; trong đó, 200 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân và 150 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp".
Cập nhật đến thời điểm hiện tại, ABBank đã dùng 130 tỷ đồng để điều chỉnh ngay lãi suất cho vay xuống mức 5,5%/năm cho khách hàng cá nhân hiện hữu đáp ứng được các điều kiện cho vay như lịch sử tín dụng tốt và nhất là khách hàng trong các ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên như phát triển nông nghiệp nông thôn, sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu hay công nghiệp phụ trợ, ứng dụng công nghệ cao...
Đồng thời, bà Hương cho biết ABBank đã dùng 80 tỷ đồng để áp dụng lãi suất ưu đãi 5,5%/năm cho nhóm khách hàng cá nhân sẽ thực hiện giải ngân mới, đáp ứng được các tiêu chí về lịch sử quan hệ tín dụng tốt và thuộc các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ.
"Còn đối với khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, ABBank đã triển khai gói vay ưu đãi và truyền thông đến cả hệ thống, xây dựng xong mã sản phẩm trên hệ thống để sẵn sàng phục vụ khách hàng", Phó Tổng Giám đốc ABBank nói thêm.
Còn tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Phó Tổng Giám đốc Trần Long cũng khẳng định với room tín dụng được nới thêm trong đợt cuối năm, BIDV hướng dòng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên theo đúng chủ trương, định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, nhất là đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa, lĩnh vực xuất nhập khẩu, lĩnh vực thiết yếu như xăng dầu...
Dù việc nới room tín dụng được Ngân hàng Nhà nước quán triệt là tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng theo đúng chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời, thực hiện nghiêm quản trị rủi ro đối với các ngành như bất động sản nhưng vẫn có một phần vốn được dành cho lĩnh vực này.
Theo đại diện lãnh đạo Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), giai đoạn vừa qua, chứng kiến sự trầm lắng của thị trường bất động sản, ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước nới hạn mức tín dụng thêm 1,5-2%, hầu hết các chuyên gia đều đánh giá việc nới room tín dụng sẽ có ý nghĩa tích cực tới thị trường bất động sản, đặc biệt là các dự án nhà ở, sắp bàn giao đến khách hàng.
"Do đó, việc ban hành quyết định giảm lãi suất, đặc biệt là vay mua bất động sản ở thời điểm này của OCB cũng được kỳ vọng như một trong những “nút gỡ” thực tế giúp cho các khách hàng có nhu cầu mua nhà, đất thực hiện được kế hoạch của mình, từ đó thị trường bất động sản cũng sẽ “ấm” lên trong giai đoạn cuối năm", lãnh đạo OCB chia sẻ.
Lan rộng làn sóng giảm lãi suất
Thực hiện kịp thời các chủ trương của Ngân hàng Nhà nước nhằm cung ứng vốn, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng dịp cuối năm, góp phần duy trì và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nhiều ngân hàng đã ngay lập tức điều chỉnh giảm lãi suất cho vay và làn sóng này ngày một lan rộng.
Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) vừa công bố giảm lãi suất cho vay từ 1,5 - 2,5%/năm nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó. Đối với khách hàng cá nhân, Nam A Bank giảm lãi suất từ 1,8 - 2,7%/năm cho một số gói sản phẩm cho vay trung và dài hạn và giảm 1,5%/năm cho khoản vay ngắn hạn ở kỳ đầu tiên.
Theo đại diện ngân hàng này, để liên tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, giúp khách hàng ổn định cuộc sống, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, Nam A Bank đã chú trọng đầu tư và phát triển công nghệ hiện đại, từ quản trị điều hành đến sản phẩm dịch vụ nhằm tiết giảm chi phí hoạt động, vận hành xanh, góp phần bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững.
Hay tại Ngân hàng TMCP Phương Đông, một gói tín dụng dự kiến hơn 2.000 tỷ đồng cho vay lãi suất ưu đãi cũng vừa được công bố. Theo đó, từ tháng 12/2022 đến hết 31/3/2023, những khách hàng cá nhân vay với mục đích sản xuất kinh doanh, bổ sung vốn lưu động, trồng trọt, chăn nuôi, sẽ được áp dụng lãi suất ưu đãi ở mức 8,99%/năm. Riêng đối với khách hàng có nhu cầu vay mua nhà, đất đã có giấy chứng nhận, OCB hỗ trợ với lãi suất ưu đãi 11,99%/năm.
Trước đó, tính đến ngày 15/12, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết đã có 16 tổ chức tín dụng đăng ký, cam kết giảm lãi suất cho vay với số tiền khoảng 3.500 tỷ đồng và cá biệt có đơn vị giảm lãi suất cho vay tới 3,5%/năm.
Trong đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là ngân hàng đầu tiên công bố giảm đồng loạt lãi suất cho vay tới 1%/năm với các khoản vay bằng đồng Việt Nam cho khách hàng hiện hữu. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng chủ động giảm 20% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ bằng đồng Việt Nam tại thời điểm 30/11/2022. Đối với dư nợ phát sinh từ 1/12/2022 đến 31/12/2022, Agribank giảm tối đa 20% so với mặt bằng lãi suất đang áp dụng với từng đối tượng, lĩnh vực.
Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank) giảm mạnh lãi suất cho vay lên đến 3,5%/năm đối với hơn 43.000 khách hàng ở nhiều lĩnh vực kinh doanh. Còn tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), chương trình hỗ trợ giảm lãi suất từ 1,5 - 2%/năm cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp cũng được triển khai...
Tuy vậy, việc tiếp cận dòng vốn của doanh nghiệp vẫn còn gặp khó. Ông Trịnh Văn Hảo, Đại diện Công ty CP Everimmo cho biết, năm 2022, doanh nghiệp đã gặp nhiều khó khăn liên quan đến dòng vốn. Tuy Nhà nước đã có nhiều giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ như Everimmo vẫn khó tiếp cận được vốn vay.
Chia sẻ quanh vấn đề trên, ông Nguyễn Phúc Hưng, Trưởng ban Hỗ trợ nguồn vốn, Hiệp hội Doanh nghiệp phụ trợ Hà Nội cho rằng, để giải quyết vấn đề về nguồn vốn, nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm chi phí, cắt giảm một số hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, chuyển hướng sang một số mảng kinh doanh mới để có thêm dòng tiền.
Trước thực tế này, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực khuyến cáo các doanh nghiệp cần tính toán để đa dạng nguồn vốn, phát triển cả những kênh huy động vốn khác để hỗ trợ cho doanh nghiệp như phát hành trái phiếu doanh nghiệp bởi đây là kênh dẫn vốn quan trọng từ thị trường trung, dài hạn cho nền kinh tế. Song song với đó, doanh nghiệp cũng cần kiểm soát rủi ro nhất là rủi ro về tỷ giá, lãi suất và nợ lẫn nhau…
Dự báo về những biến động trong thời gian tới, Phó Tổng Giám đốc ABBank nhận định, các cân đối vĩ mô của Việt Nam hiện đang thực hiện theo đúng mức kiểm soát mục tiêu. Do đó, áp lực tăng lãi suất để giữ ổn định giá trị đòng tiền không quá cao như thời gian qua.
"Tôi cho rằng mức lãi suất hiện nay có thể được duy trì và giảm từ quý III/2023 theo đúng định hướng, cũng như chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, thể hiện ở những cam kết về hạ chi phí, kiểm soát lãi suất đầu vào từ mức tương đối cao hiện nay, từ đó có thể hạ và điều chỉnh lãi suất cho vay khách hàng trong năm 2023", bà Nguyễn Thị Hương cho hay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận