menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nam Hưng

Thêm room cho nới lỏng tiền tệ

Chính sách nới lỏng tiền tệ trong năm 2024 có nhiều không gian để thực hiện nhằm tăng đà phục hồi cho nền kinh tế.

2023 là một năm khó khăn chồng chất và dự báo 2024 cũng là một năm khó khăn khác mà nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt. Năm 2023 Việt Nam tung ra nhiều giải pháp hỗ trợ về mặt nới lỏng chính sách tiền tệ để tạo đà phục hồi cho nền kinh tế nhưng gặp hạn chế trước những bước đi thận trọng về tỉ giá và lạm phát. Sang năm 2024 xu hướng nới lỏng tiền tệ vẫn được tiếp tục nhằm sớm đạt các mục tiêu về tăng trưởng với nhiều yếu tố hỗ trợ hơn.

Áp lực tỉ giá hạ nhiệt

Điều này có thể thấy qua báo cáo thị trường tài chính tiền tệ của Công ty Chứng khoán MBS mới phát hành. Báo cáo ghi nhận Ngân hàng Nhà nước tiếp tục không thực hiện thêm giao dịch nào trên thị trường mở (OMO), đồng thời bơm trả lại hệ thống thanh khoản toàn bộ lượng tiền trước đó đã hút về. Sau 35 phiên phát hành liên tiếp với tổng quy mô 360.345 tỉ đồng, Ngân hàng Nhà nước đã dừng hoạt động chào bán tín phiếu từ ngày 9/11 và bơm trả lượng lớn thanh khoản cho hệ thống ngân hàng khi các lô tín phiếu cũ lần lượt đáo hạn. Lượng lớn tín phiếu đáo hạn đã góp phần hỗ trợ đà giảm của lãi suất liên ngân hàng trong những tuần cuối năm 2023.

Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng những tháng cuối năm 2023 giảm và gần như đi ngang. Đáng chú ý, các ngân hàng thương mại tiếp tục có đợt giảm lãi suất huy động khá mạnh, đã đưa lãi suất huy động cao nhất về quanh mốc 5%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng.

Trong khi đó, thặng dư thương mại 11 tháng năm 2023 đạt mức ấn tượng 25,8 tỉ USD, lượng kiều hối dự kiến đạt 14 tỉ USD trong năm 2023, FDI thực hiện đạt 20,2 tỉ USD... sẽ góp phần giảm áp lực lên tỉ giá cuối năm.

Thêm room cho nới lỏng tiền tệ

Ngoài ra, nền kinh tế còn nhiều tín hiệu tích cực khác như quy mô đầu tư công sẽ thấp đi, chỉ còn khoảng 29 tỉ USD, nhưng đây vẫn là một con số lớn. Bên cạnh đó, 2 động lực với nền kinh tế sẽ đến từ xuất khẩu phục hồi, đơn hàng quay trở lại sẽ khiến cho lao động khu công nghiệp quay trở lại, tạo cú hích cho tiêu dùng.

Qua đó, theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận thị trường và Chính sách vĩ mô, Công ty Chứng khoán VNDirect, có một số yếu tố hỗ trợ cho sự ổn định của tiền đồng, như thặng dư thương mại cao kỷ lục, thặng dư tài khoản vãng lai cao, FDI và kiều hối ổn định. Áp lực tỉ giá hạ nhiệt giúp Ngân hàng Nhà nước có thêm dư địa để duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm thúc đẩy nền kinh tế và không cần thiết phải sử dụng công cụ tín phiếu để hỗ trợ tiền đồng.

Dư địa tiền tệ mở rộng

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright, nhận định: “Đồng USD khó lên giá mạnh nữa, áp lực tỉ giá đối với VND không còn mạnh, tạo dư địa cho Ngân hàng Nhà nước có thể duy trì chính sách tiền tệ mở rộng, nhưng hiện đã hết dư địa giảm tiếp lãi suất, điều quan trọng là mặt bằng lãi suất hiện nay duy trì được trong năm 2024 đã là tích cực”.

Thêm room cho nới lỏng tiền tệ

Tỉ giá vốn là vấn đề khiến cho nhà điều hành phải lo lắng trong năm 2023 thì với bối cảnh nền kinh tế Mỹ và thế giới sẽ có nhiều không gian hơn cho Việt Nam kiểm soát tỉ giá. Đáng chú ý, tình hình kinh tế thế giới cũng cho thấy xu hướng sức ép lạm phát và tỉ giá đã giảm nhẹ. Chẳng hạn, khảo sát của Reuters với 85 nhà kinh tế cho thấy, chu kỳ tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã kết thúc.

Mặc dù lạm phát chưa về mức dưới 2% như các ngân hàng trung ương mong muốn, song về cơ bản đây sẽ là mức không còn làm cho các quốc gia lớn phải đau đầu. Các nhà kinh tế của Reuters cho rằng ECB có khả năng sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ, nhưng sớm nhất cũng phải là tháng 7/2024. “Chúng tôi dự báo lạm phát và lãi suất sẽ giảm trên diện rộng trong năm 2024 tại các nền kinh tế phát triển”, ông Michael Saunders, chuyên gia tại Oxford Economics, nhận định.

Theo đó, tại Việt Nam, tỉ giá năm 2024 không gây rào cản quá nhiều mà còn là động lực hỗ trợ cho nhà điều hành để sử dụng các công cụ nới lỏng. Về lãi suất, có thể đi ngang hoặc giảm nhẹ so với hiện tại nhưng cung tiền sẽ cao hơn, bởi vì thanh khoản được cải thiện khi Ngân hàng Nhà nước có thể mua thêm dự trữ ngoại hối. Theo Tiến sĩ Nguyễn Tú Anh, Ban Kinh tế Trung ương, năm qua, tăng cung tiền ở Việt Nam dường như ít tác động đến lạm phát.

Vì thế, có nhiều lý do để kỳ vọng chính sách tiền tệ của năm 2024 sẽ nới lỏng hơn so với những gì chứng kiến trong nửa cuối năm 2023. Tuy nhiên, chuyên gia của Đại học Fulbright vẫn có quan điểm thận trọng khi cho rằng: “Chính sách tiền tệ nới lỏng phải duy trì nhưng hoàn toàn có thể đảo chiều khi chịu áp lực 2 yếu tố là tỉ giá và lạm phát”. Bởi vì trong điều kiện bình thường, Ngân hàng Nhà nước sẽ cố gắng không tăng lãi suất điều hành, nhưng nếu xuất hiện sức ép thì buộc phải thay đổi để thích ứng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
7 Yêu thích
18 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại