24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thố Tử Ngọc
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Thêm áp lực lên đầu tư công

Cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước vẫn tiếp tục chậm trễ sẽ gây áp lực lên kế hoạch đầu tư công.

Đánh giá của Bộ Tài chính về tình hình cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) năm vừa qua và quý I/2024 cho thấy nhiều vấn đề tồn tại.

Theo đó, đã có 84 doanh nghiệp được duyệt đề án cơ cấu lại doanh nghiệp theo Quyết định 360 năm 2022 của Thủ tướng, gồm 21 trường hợp thuộc Trung ương và 63 trường hợp thuộc địa phương.

Về cổ phần hóa, thời gian 2023 đến hết quý I vừa qua, chưa có doanh nghiệp nào được phê duyệt phương án cổ phần hóa, dù kế hoạch sắp xếp lại DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025 đã được Thủ tướng phê duyệt tại các quyết định liên quan.

Cùng thời gian này, mới thực hiện thoái vốn nhà nước tại 9 doanh nghiệp và thu về 160 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, giai đoạn vừa qua tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN còn chậm, không đạt kế hoạch Thủ tướng giao. Nguyên nhân chủ yếu phát sinh trong quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện.

Về việc lập kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, Thủ tướng đã ban hành tại hai quyết định vào các năm 2022, 2024.

Theo đó, giai đoạn 2022 - 2025 cổ phần hóa 30 doanh nghiệp, trong đó có một số tên tuổi lớn như HUD, Agribank, Tổng công ty thương mại Sài Gòn, Tổng công ty công nghiệp Sài Gòn, Tổng công ty Bến Thành, Tổng công ty địa ốc Sài Gòn, Tổng công ty xây dựng Sài Gòn.

Đồng thời, thoái vốn nhà nước đầu tư tại 146 doanh nghiệp, trong số này ghi nhận một số trường hợp có phần vốn nhà nước cần phải thoái lớn như Tổng công ty cơ khí xây dựng - Coma, Tổng công ty lắp máy Việt Nam – Lilama, Tổng công ty Viglacera. Tuy nhiên thực tế các đơn vị chưa thực hiện được kế hoạch đề ra.

Bên cạnh đó, việc phê duyệt phương án cổ phần hóa, thoái vốn chậm, xử lý các tồn tại về tài chính, sắp xếp các cơ sở nhà đất theo pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công còn kéo dài.

Đặc biệt, theo Bộ Tài chính dự báo, số tiền thu được từ bán vốn nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 sẽ không đáp ứng được kế hoạch Quốc hội đề ra.

Cụ thể, tiền thu thực tế từ bán vốn nhà nước giai đoạn 2021 - 2023 khoảng 14.610 tỷ đồng. Dự kiến số thu giai đoạn 2024 - 2025 khoảng 47.960 tỷ đồng. Trong khi đó, theo Nghị quyết 23/2021 của Quốc hội thì kế hoạch chi từ nguồn bán vốn giai đoạn 2021 - 2025 lên tới khoảng 248 nghìn tỷ đồng.

Từ đây, theo tính toán của Bộ Tài chính, trong trường hợp thực tế thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước không đạt theo kế hoạch đề ra, sẽ phải giảm kế hoạch đầu tư công hoặc phấn đấu tăng thu các nguồn khác (nếu có) để xử lý.

Trước thực trạng này, bộ kiến nghị giải pháp báo cáo Quốc hội điều chỉnh kế hoạch thu từ cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2021 - 2025.

Cách đây khoảng một năm, Ủy ban tài chính ngân sách của Quốc hội cũng đã nhận định, thời điểm hiện nay không thuận lợi và không phải thời điểm lý tưởng để thực hiện thoái vốn nên cần đánh giá thận trọng công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp để đảm bảo không thất thoát, mất vốn, tài sản nhà nước.

Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng đã chỉ ra các vướng mắc trong thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn DNNN giai đoạn 2022 - 2023.

Điển hình là việc các địa phương chậm phê duyệt phương án sử dụng đất, nhất là với các doanh nghiệp có đất tại nhiều địa phương. Các quy định về cổ phần hóa DNNN chưa bao hàm hết các tình huống phát sinh như: xác định giá trị doanh nghiệp về đất đai, tài sản.

Ngoài ra còn có lý do một số doanh nghiệp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, âm vốn chủ sở hữu, nợ bảo hiểm xã hội như Công ty TNHH MTV thiết bị giáo dục nghề nghiệp, Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Agrexport.

Nút thắt đất đai cũng là nguyên nhân cản trở quá trình thoái vốn đối với hàng loạt trường hợp trong số 36 doanh nghiệp chưa hoàn thành theo tiến độ được duyệt.

Theo Quyết định 1479 của Thủ tướng, giai đoạn 2022 - 2023 các bộ, địa phương phải hoàn thành thoái vốn tại 53 doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến hết năm 2023, còn 36 trường hợp chưa đạt tiến độ.

Trong số này, một số doanh nghiệp gặp khó, vướng mắc liên quan đất đai như Công ty CP xử lý chất thải Phú Thọ, Công ty CP Môi trường đô thị Hạ Long Quảng Ninh, Công ty CP quản lý đường thủy Quảng Ninh hoặc xác định giá khởi điểm.

Theo đó, các cơ quan đại diện chủ sở hữu kiến nghị chuyển sang giai đoạn sau hoặc tạm dừng việc thoái vốn như: Tổng công ty Viglacera, Công ty liên doanh hữu hạn Hải Thành, Công ty CP Đường bộ 1.

Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng đưa ra một số kiến nghị với Thủ tướng như chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc, quyết liệt thực hiện để hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2021 - 2025 theo quy định, đặc biệt một số địa phương có nhiều DNNN cần cổ phần hóa, thoái vốn như Hà Nội hay TP.HCM.

Đối với các doanh nghiệp thuộc danh sách thoái vốn giai đoạn 2022 - 2023 chưa hoàn thành, cần làm rõ khó khăn, vướng mắc và tiếp tục thực hiện theo kế hoạch.

Trường hợp các bộ, địa phương không thể thực hiện thoái vốn và đề xuất chuyển giao các doanh nghiệp về SCIC thì cần báo cáo cụ thể để Thủ tướng xem xét.

Điển hình một số trường hợp đã thoái vốn nhưng không thành công gồm: Công ty CP Xây dựng Bình Phước (đã tổ chức bán đấu giá nhiều lần nhưng không thành công, kiến nghị chuyển sang SCIC), Công ty CP đường bộ Hải Phòng (bán được 8,4% vốn điều lệ, tỷ lệ vốn nhà nước còn lại sau thoái là 56,6%).

Một số doanh nghiệp đã được duyệt thoái vốn 2022-2023 nhưng chưa hoàn thành: Tổng công ty Viglacera (kiến nghị lùi sang 2024-2025 do vướng mắc đến xác định giá trị cổ phần), 4 doanh nghiệp do UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đại diện chủ sở hữu, 6 doanh nghiệp do UBND TP.Hải Phòng đại diện chủ sở hữu, 4 trường hợp do UBND tỉnh Quảng Nam đại diện chủ sở hữu.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả