Thế khó của nhiều doanh nghiệp nhỏ nếu tẩy chay quảng cáo Facebook
94% nguồn thu quảng cáo của Facebook, tương ứng gần 66 tỉ USD, đến từ khoảng 8 triệu khách hàng trên toàn cầu mà đa phần là các doanh nghiệp vừa và nhỏ...
Chiến dịch #stophateforprofit (ngưng kiếm lời trên những nội dung thù địch) được phát động nhằm kêu gọi các doanh nghiệp tẩy chay quảng cáo trên nền tảng Facebook nhằm gây sức ép buộc mạng xã hội này phải ngừng cho đăng tải các nội dung gây thù địch và phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên, hưởng ứng #stophateforprofit hiện đa phần là các thương hiệu lớn.
Từ con số ban đầu chỉ có khoảng 100 thương hiệu tham gia với hầu hết là các doanh nghiệp lớn của Mỹ và các thương hiệu toàn cầu như Unilever, Coca-Cola, Verizon, Starbucks, Honda, Ford, The North Face…, đến nay con số đã lên đến hơn 800 thương hiệu hưởng ứng. Chiến dịch tẩy chay #stophateforprofit đã có lúc khiến cho giá cổ phiếu của Facebook trên sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ) rơi thẳng đứng 8% trong một phiên.
Theo con số thống kê, 100 thương hiệu lớn tham gia chiến dịch tẩy chay chỉ đóng góp khoảng 6% trong tổng doanh thu quảng cáo của Facebook trong năm 2019, tương ứng với khoảng 4,2 tỉ USD.
Tuy nhiên, với những nhóm khách hàng này, việc tẩy chay quảng cáo trên Facebook là câu chuyện không hề đơn giản. Bởi quảng cáo trên Facebook đối với họ là một nhu cầu rất cần thiết gắn chặt với khả năng bán được hàng, duy trì doanh thu.Còn lại 94% nguồn thu quảng cáo của Facebook, tương ứng gần 66 tỉ USD, đến từ khoảng 8 triệu khách hàng trên toàn cầu mà đa phần là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ, các hộ kinh doanh gia đình, những shop bán hàng online…
Anh Tuấn, chủ tiệm bán chăn, ga, gối, nệm từng mở shop trên đường Quang Trung (Phường 10, Gò Vấp) cho biết: “Đã không quảng cáo trên Facebook thì thôi, còn quảng cáo quen rồi mà dừng thì khách hàng cũng dừng theo”.
Lí giải về vấn đề này, chị Vy Yến - hiện chuyên bán yến sào online và cũng từng làm việc trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến cho Google – cho biết, mỗi trang Facebook cá nhân hay trang fanpage bán hàng trên Facebook chỉ được mạng xã hội này ấn định tỉ lệ tiếp cận tự nhiên (reach) nhất định đối với những người trong danh sách bạn bè, theo dõi.
Tuy nhiên, danh sách này không phải lúc nào cũng có nhu cầu tìm hiểu thông tin về hàng hóa hay sản phẩm dịch vụ của chủ shop đăng tải lên trang. Để mở rộng đối tượng khách hàng và bán được hàng, chủ cửa hàng offline hoặc chủ shop online phải quảng cáo trên Facebook để tăng lượt tiếp cận và cơ hội bán hàng, mở rộng đối tượng, tập khách hàng tiềm năng.
Theo chị Yến, nhiều hộ kinh doanh gia đình có qui mô vừa, hay những chủ shop online sở hữu nhiều trang bán hàng, thường phải duy trì khoản ngân sách quảng cáo Facebook từ 10-30 triệu đồng. Đối với những người mới chập chững vào nghề bán hàng online với qui mô nhỏ, mỗi ngày cũng phải tốn từ 100-200 ngàn đồng để quảng cáo Facebook, vừa thăm dò việc bán hàng.
Ngay sát cửa hàng nệm của anh Tuấn là một shop chuyên bán quần áo, giày dép, túi xách, mỗi tháng cũng tốn trên dưới 20 triệu đồng quảng cáo Facebook. Còn quảng cáo thì khách đến nườm nượp, thậm chí đến mức không còn chỗ để xe máy. Nhưng những thời điểm chiến dịch quảng cáo Facebook đã kết thúc, khách cũng bỗng dưng vắng hẳn.
Theo một bài viết trên trang aimacademy.vn chuyên về truyền thông và marketing, những doanh nghiệp nhỏ chưa có tiếng tăm thì vẫn không buông quảng cáo Facebook ra được. Ngừng quảng cáo thì hoạt động kinh doanh lập tức bị ảnh hưởng.
Đó là lý do trong danh sách #stophateforprofit hầu như là những cái tên lớn. Vì vậy chiến dịch #stophateforprofit không phải doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh, chủ shop online nào cũng có thể tham gia được.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận