menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vương Nguyên Vũ

Thế khó của bà Lagarde biến nhiệm vụ của Fed thành 'game dễ'

Kinh tế EU bị bủa vây bởi rủi ro một cuộc khủng hoảng nguồn cung năng lượng, bởi lạm phát trên đỉnh nhiều thập kỷ và có thể tiếp tục tăng cao, nhưng trên hết là một cuộc suy thoái toàn diện.

0,25% chính là sự khác biệt giữa hai phương án tăng lãi suất chủ đạo mà Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ đưa đưa lên bàn cân trong cuộc họp tuần này. Lựa chọn một trong hai đáp án tưởng chừng là nhiệm vụ dễ dàng, nhưng không nhiều người muốn thay thế bà Christine Lagarde, Chủ tịch ECB, thực hiện điều đó.

Lựa chọn giữa hai phương án tăng lãi suất 0,5% hoặc 0,75% chỉ là một trong rất nhiều thử thách mà nữ lãnh đạo và đồng nghiệp phải đối mặt trong bối cảnh nền kinh tế khu vực suy yếu và một cuộc xung đột nổ ra “ngay sát vách”.

big-hike-9063-1662457733.jpg data-natural-width640

Hơn 40 ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã tăng lãi suất ít nhất 0,75% trong năm nay. Tiếp theo là ECB?. Ảnh: Bloomberg.

Nền kinh tế bất ổn của liên minh châu Âu (EU) bị bủa vây bởi rủi ro một cuộc khủng hoảng nguồn cung năng lượng, bởi lạm phát trên đỉnh nhiều thập kỷ và có thể tiếp tục tăng cao, nhưng trên hết là một cuộc suy thoái toàn diện. Viễn cảnh những thách thức kể trên trở thành hiện thực thậm chí hiện lên rõ nét hơn trong ngày 2/9, khi công ty dầu mỏ Gazprom của Nga thông báo tạm dừng cung cấp khí đốt tới châu Âu qua đường ống Nord Stream 1 vô thời hạn.

Các quan chức ECB cũng đang tìm cách đảo ngược đà suy giảm của đồng euro, vốn chịu ảnh hưởng tiêu cực từ quá trình siết chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Họ ý thức được rằng bất cứ nỗ lực gia tăng chi phí vay nào cũng sẽ đe dọa tới sự ổn định chính sách tài khóa của một số thành viên, điển hình là Italia.

Trong khi nhiệm vụ của Chủ tịch Fed Jerome Powell chỉ là kéo giảm lạm phát tại nền kinh tế số một thế giới thì sứ mệnh đặt lên vai người đồng cấp Christine Lagarde khó khăn hơn rất nhiều.

“ECB đang đi trên rìa vực thẳm”, Emmanuel Cau, Giám đốc chiến lược chứng khoán tại Barclays Bank Plc chia sẻ với Bloomberg Television. “Fed muốn kéo giảm tăng trưởng kinh tế để hạ nhiệt lạm phát nhưng nhiệm vụ của ECB phức tạp hơn nhiều vì họ có rất ít giải pháp nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng năng lượng nổ ra”.

1x-161-6298-1662457734.jpg data-natural-width640

Hoạt động kinh tế Eurozone đang suy yếu. Ảnh: Bloomberg.

Lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) lập kỷ lục 9,1% trong tháng 8 và áp lực giá cả vẫn không ngừng tăng lên. Sau một mùa hè nắng nóng nghiêm trọng nhất kể từ thời Phục Hưng, châu Âu có nguy cơ đối diện với một mùa đông “băng giá” trong trường hợp Nga cắt đứt nguồn cung năng lượng.

“Nhiều doanh nghiệp tại Đức phải dừng hoạt động vì chi phí tăng cao”, theo Sarah Hewin, Giám đốc nghiên cứu thị trường Âu-Mỹ tại Standard Chartered Bank Plc. “Đối với ECB, sự lựa chọn giữa mục tiêu kéo giảm lạm phát và giữ nền kinh tế không rơi vào suy thoái chẳng hề dễ dàng”.

Trong khi kinh tế trưởng ECB Philip Lane cho biết sự đánh đổi chính là “cơn đau đầu dữ dội nhất” mà ngân hàng này phải đối mặt, một số thành viên khác lại ủng hộ phương án kéo giảm lạm phát một cách quyết liệt. Họ khuyến nghị ủy ban điều hành ECB tăng lãi suất thêm 0,75% thay vì lặp lại mức tăng 0,5% gần hai tháng trước đó.

Dữ liệu lạm phát tháng 8 đẩy quyết tâm đó lên cao hơn với việc Thống đốc Ngân hàng trung ương Đức hối thúc ECB tăng mạnh lãi suất. Robert Holzmann, Thống đốc ngân hàng trung ương Áo chia sẻ với Bloomberg rằng: “không có lý do gì ECB chùn chân trong cuộc họp sắp tới”.

Các chuyên gia kinh tế tới từ Goldman Sachs, JPMorgan Chase & Co và Bloomberg Economics cũng đã thay đổi dự báo trước đó theo hướng ECB sẽ tăng mạnh lãi suất. Hiện tại, chỉ một số ít các chuyên gia và định chế tài chính dự báo mức tăng lãi suất thấp hơn 0,75% trong đó có Reinhard Cluse tới từ UBS Group AG.

inflation-3402-1662457734.jpg data-natural-width640

Lạm phát tháng 8 tại khu vực eurozone cao nhất kể từ khi đồng Euro ra đời. Ảnh: Bloomberg.

0,75% là mức tăng lãi suất tương đương với quyết định mới nhất của Fed, tuy nhiên, bản chất các cú sốc mà châu Âu phải đối diện không giống nước Mỹ. Tại lục địa già, sự khan hiếm nguồn cung hàng hóa, đặc biệt là năng lượng, chính là vấn đề nan giải nhất trong khi bên kia bờ Đại Tây Dương, nhu cầu tiêu dùng tăng vọt là nguyên nhân đứng sau hiện tượng lạm phát chạm đỉnh nhiều năm.

Tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát do cầu kéo đơn giản hơn rất nhiều so với lạm phát do chi phí đẩy. Bên cạnh đó, việc Fed liên tục tăng lãi suất châm ngòi làn sóng nhà đầu tư mua vào đồng USD, kéo giá trị đồng euro về ngang giá thậm chí thấp hơn so với đồng bạc xanh. Hiện tượng này góp phần đẩy áp lực lạm phát tại lục địa già lên cao hơn do chi phí hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn.

Sự toàn vẹn của khu vực Eurozone cũng là một điều đáng được lưu tâm. Sự quan tâm đổ dồn về Italia với sự bất ổn lớn về chính trị và kinh tế với rủi ro đi theo vết xe đổ của Hy Lạp. Dù bà Lagarde có thể sử dụng công cụ phòng ngừa khủng hoảng mới được phát triển nhằm kiểm soát chi phí các khoản vay, nhưng “việc công cụ này được triển khai ra sao, và đặc biệt là việc ECB đánh giá các tác động thị trường như thế nào” vẫn là một câu hỏi lớn.

Quyết định sử dụng công cụ này hoặc mức tăng lãi suất sẽ được Hội đồng điều hành ECB, bao gồm 25 thành viên quyết định. Số thành viên của Hội đồng điều hành ECB cao gấp 2 lần so với Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC), đồng nghĩa với xác suất phân hóa quan điểm lớn hơn.

Nhưng, trớ trêu ở chỗ các giải pháp chính sách tiền tệ của ECB được đánh giá không mang lại nhiều hiệu quả. Thay vào đó, EU có thể chuyển hướng sang các hướng đi hiệu quả hơn như giới hạn trần chi phí năng lượng. Các bộ trưởng kinh tế và tài chính dự kiến nhóm họp trong ngày 9/9 tới đây với sự tham gia của bà Lagarde. Hội nghị bộ trưởng năng lượng cũng diễn ra cùng ngày hôm đó.

“Quyết định của EU về giá điện và khí tự nhiên có thể mang lại những tác động rõ rệt hơn đối với lạm phát trong vòng 6 tháng tới”, theo Holger Schmieding, Chuyên gia kinh tế tới từ Berenberg, London. “Chính sách lãi suất không hề hiệu quả. Trong thời kỳ ổn định, chắc chắn nó sẽ mang lại những thay đổi lớn. Nhưng ở thời điểm hiện tại, lãi suất không nên là công cụ chủ đạo”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại