menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Thành Dũng

Thế giới trước nguy cơ khủng hoảng lương thực do xung đột Nga-Ukraine

Liên Hợp Quốc và giới chuyên gia cảnh báo, thế giới đang đến bên bờ một cuộc khủng hoảng lương thực có thể ảnh hưởng đến hàng triệu người.

Sau hai năm gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, an ninh lương thực toàn cầu lại đối mặt thêm thách thức do cuộc xung đột Nga- Ukraine. Giá một loạt mặt hàng thiết yếu như ngũ cốc, xăng dầu hay phân bón đồng loạt tăng giá và liên tiếp phá vỡ các kỷ lục. Liên Hợp Quốc và giới chuyên gia cảnh báo, thế giới đang đến bên bờ một cuộc khủng hoảng lương thực có thể ảnh hưởng đến hàng triệu người.

Giá khí đốt tự nhiên tăng cao kỷ lục đã buộc Yara International một trong những công ty sản xuất và kinh doanh phân bón hàng đầu thế giới phải cắt giảm sản xuất amoniac và ure ở châu Âu xuống còn 45% công suất. Việc cắt giảm hai thành phầm thiết yếu trong sản xuất nông nghiệp này dự báo sẽ tác động mạnh đến nguồn cung lương thực toàn cầu.

Theo Giám đốc điều hành Svein Tore Holsether, vấn đề không phải là liệu chúng ta có sắp hứng chịu một cuộc khủng hoảng lương thực hay không, mà đó là cuộc khủng hoảng sẽ lớn như thế nào.

Hai tuần sau khi xung đột Nga- Ukraine nổ ra, giá các sản phẩm nông nghiệp chủ chốt được sản xuất ở khu vực này đã tăng chóng mặt, đặc biệt là lúa mì, vốn không thể thiếu trong mỗi hộ gia đình. Nguồn cung từ Nga và Ucraina, chiếm tới gần 30% thương mại lúa mì toàn cầu, đang đứng trước rủi ro lớn do chiến sự leo thang. Giá lúa mì đã tăng cao nhất mọi thời đại vào đầu tuần này.

Trong khi đó, phân bón, mặt hàng thiết yếu để người nông dân đạt được mục tiêu năng suất, lại chưa bao giờ đắt đỏ như lúc này do nguồn cung từ Nga đang bị ngưng lại. Theo Chuyên gia Maximo Torero của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), thực trạng trên đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về an ninh lương thực toàn cầu. Không chỉ lúa mì hay phân bón, khí đốt tự nhiên, giá ngô, đậu nành và dầu thực vật cũng leo thang.

“Vấn đề lớn mà chúng ta phải đối mặt đó là giá phân bón đã tăng cao đáng kể trong tháng trước và có thể trở nên trầm trọng hơn do giá năng lượng không ngừng leo thang và ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. Đó là vấn đề trong ngắn hạn nhưng cũng là nguy cơ dài hạn vì có thể ảnh hưởng đến nguồn cung trong năm tới. Điều này thực sự tạo ra vấn đề đối với nguồn cung ngũ cốc và tất cả những loại thực phẩm cho thế giới trong năm tới", ông Torero nói.

Ngay cả các nước phương Tây có điều kiện tiếp cận nguồn cung nông sản tốt hơn cũng sẽ bị ảnh hưởng. Người tiêu dùng ở những quốc gia này đã phải chi hơn cho lương thực và thực phẩm vì giá cả tăng cao. Bất chấp cam kết của G7 làm những gì cần thiết để ngăn chặn và ứng phó với một cuộc khủng hoảng lương thực, nhiều quốc gia đang co cụm cho thị trường nội địa do lo ngại tình trạng thiếu lương thực. Mới đây nhất, Ai Cập đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu lúa mì, bột mì, đậu lăng và đậu nành trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về dự trữ lương thực ở quốc gia đông dân nhất thế giới Ả Rập.

Ngay cả trước khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, hệ thống lương thực toàn cầu đã trở nên căng thẳng. Chuỗi cung ứng không ổn định, cùng với thời tiết bất thường đã đẩy giá lương thực lên cao nhất trong một thập kỷ. Khả năng chi trả của người tiêu dùng cũng là một vấn đề lớn vì đại dịch COVID-19 đã khiến hàng triệu người mất việc làm.

Theo ước tính của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc, cuộc xung đột ở Ukraine có thể khiến giá lương thực và thực phẩm quốc tế tăng từ 8% đến 20%. Và bất kỳ sự gián đoạn nghiêm trọng nào đối với sản xuất và xuất khẩu từ Nga và Ukraine chắc chắn sẽ còn khiến giá cả leo thang và nghiêm trọng hơn là làm xói mòn an ninh lương thực cho hàng triệu người./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả