Thế giới đánh giá tích cực triển vọng kinh tế Việt Nam
Mặc dù năm 2021 đầy biến động bởi dịch COVID-19, Việt Nam vẫn nằm trong số các quốc gia tăng trưởng tốt.
Theo Báo cáo Đầu tư thế giới năm 2021 của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển. Năm 2021, Việt Nam lần đầu tiên nằm trong nhóm 20 nước thu hút đầu tư nước ngoài FDI lớn hàng đầu thế giới.
Ngoài ra, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam đều liên tục đưa ra khảo sát cho thấy, gần 80% doanh nghiệp đã đánh giá rất tích cực hoặc tích cực về triển vọng trung và dài hạn của doanh nghiệp tại Việt Nam.
Ông Jacques Moriset, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam lý giải nguyên nhân: “2021 là một năm đầy khó khăn đối với Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam đã có sự phục hồi đáng ghi nhận trong những tháng cuối năm. Bước ngoặt này có được từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128, chỉ có thích ứng an toàn mới có thể phục hồi sản xuất, giảm tổn thương của nền kinh tế”.
Ngân hàng Standard Chartered cũng cho biết, trên 40% công ty quốc tế được khảo sát đang tìm hiểu hoạt động sản xuất tại Việt Nam hoặc có kế hoạch đặt trụ sở tại đây trong vòng 5 - 10 năm tới, khẳng định những biến động trước mắt do dịch bệnh không làm ảnh hưởng đến niềm tin dài hạn của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, xuất nhập khẩu là điểm sáng nhất khi tổng kim ngạch đạt hơn 668 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu tăng 19%; Nhập khẩu tăng 26,5% và cán cân thương mại quý IV đã đổi chiều từ nhập siêu sang xuất siêu, qua đó giúp cán cân thương mại hàng hóa cả nước thặng dư khoảng 4 tỷ USD.
Kết quả trên tiếp tục đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất siêu 6 năm liên tiếp. Điều này cộng với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước năm nay chỉ tăng 1,84% - mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện cho Chính phủ thực hiện nhiều chính sách tài chính, tài khóa trong hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Theo hãng thông tấn Bernama của Malaysia, Việt Nam đã hoàn thành một số chỉ tiêu kinh tế trong năm 2021 bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, trở thành một trong 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới về thương mại quốc tế.
Theo bài viết phân tích, Việt Nam đã chuyển chiến lược từ “Zero COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả đại dịch, giúp duy trì các hoạt động kinh tế.
Để có một nền tảng vĩ mô vững chắc, chính phủ đã đưa ra các hỗ trợ chưa từng có cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19, đồng thời thực hiện các điều chỉnh chính sách kịp thời.
Mỗi địa phương cũng áp dụng những cách thức riêng trong việc thực hiện các chính sách và chủ trương của chính phủ nhằm đạt được mục tiêu kép là chống đại dịch và phát triển kinh tế.
Tương tự, theo hãng tin Sputnik của Nga, mặc dù làn sóng COVID-19 mới đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống kinh tế xã hội Việt Nam song nhờ độ phủ tiêm chủng nhanh chóng cùng với các chính sách kịp thời, hiệu quả từ Chính phủ, kinh tế Việt Nam đang có những dấu hiệu phục hồi và sẽ lấy lại đà tăng trưởng mạnh vào năm 2022.
Tờ Momden Diplomacy có bài viết với tiêu đề “Chính sách kinh tế của Việt Nam và sự thích ứng với COVID-19”, trong đó nhận định, để phục hồi kinh tế, Việt Nam đã tìm cách mở rộng thị trường, tận dụng các Hiệp định thương mại tự do và thúc đẩy đầu tư vào những khu vực chịu nhiều thiệt hại do dịch bệnh. Với chính sách mở cửa kịp thời, mở rộng tiêm chủng để kiểm soát dịch bệnh, Việt Nam đã giảm được tình trạng gián đoạn lao động ảnh hưởng tới sản xuất và hỗ trợ được một phần các nhóm yếu thế trong xã hội.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận