Tìm mã CK, công ty, tin tức


Đọc nhiều
Bình luận nhiều
Sáng 13/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIV của Đảng, chủ trì phiên họp thứ tư, tập trung thảo luận về các định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.
Phiên họp có sự tham dự của các Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương, lãnh đạo địa phương là thành viên Tiểu ban cùng Thường trực Tổ biên tập của Tiểu ban.
Tại cuộc họp, Tiểu ban tập trung thảo luận về các nội dung bổ sung, cập nhật, hoàn thiện dự thảo Báo cáo Kinh tế - Xã hội sau Hội nghị Trung ương 10. Báo cáo này đã được Hội nghị Trung ương 10 vào tháng 9/2024 cho ý kiến và tiếp tục được rà soát, chỉnh sửa theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại hai cuộc họp với Thường trực Tiểu ban vào ngày 27/2 và 6/3/2025.
Từ Hội nghị Trung ương 10 đến nay, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận quan trọng như Nghị quyết 57-NQ/TW, Kết luận 123-KL/TW, Kết luận 127-KL/TW… Trên cơ sở đó, ngày 11/3/2025, Thường trực Tiểu ban Kinh tế - Xã hội đã họp để đánh giá, xem xét hoạt động của Tiểu ban và nội dung dự thảo Báo cáo.
Tiếp thu ý kiến từ Trung ương, chỉ đạo của Tổng Bí thư, cùng với kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp ngày 11/3/2025, Tổ Biên tập Tiểu ban đã bổ sung, hoàn thiện dự thảo Báo cáo.
Thủ tướng: Cải cách thể chế là "đột phá của đột phá", kinh tế tư nhân là động lực
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Tiểu ban, nhấn mạnh quá trình rà soát, cập nhật dự thảo Báo cáo đã điều chỉnh nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, kết quả phát triển kinh tế - xã hội được cập nhật với số liệu cụ thể, chính xác hơn; phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu tăng trưởng cũng có sự điều chỉnh, với mục tiêu GDP đạt 8% vào năm 2025 và tiếp tục tăng trưởng ở mức hai con số trong những năm tiếp theo.
Thủ tướng yêu cầu các thành viên Tiểu ban thảo luận sâu, đánh giá đúng tình hình, đề xuất các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp khả thi, hiệu quả, đặc biệt là hướng đến hai mục tiêu 100 năm. Hình thức trình bày báo cáo cần súc tích, rõ ràng, dễ hiểu, dễ làm, dễ giám sát.
Nâng cao tính chiến đấu, bảo đảm tính thực tiễn và khả thi
Kết luận phiên họp, Thủ tướng giao Thường trực Tổ Biên tập tiếp thu đầy đủ các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Báo cáo trình Bộ Chính trị và Hội nghị Trung ương trong thời gian tới. Ông nhấn mạnh việc cập nhật bối cảnh quốc tế và trong nước, nhất là các diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế - xã hội.
Báo cáo phải phản ánh đúng thực trạng, không tô hồng, không bôi đen, dựa trên số liệu thống kê chính xác. Đồng thời, cần chỉ rõ những điểm nghẽn, hạn chế trong phát triển, nhất là các vấn đề về thể chế còn chồng chéo, thủ tục hành chính rườm rà, tư duy xây dựng pháp luật chưa thực sự tạo điều kiện cho phát triển.
Các nhiệm vụ và giải pháp phải có trọng tâm, trọng điểm, mang tính chiến lược, đồng thời gắn với các chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể. Việc triển khai phải theo nguyên tắc "5 rõ" (rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm), đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, giữa Quốc hội và Chính phủ.
Tập trung vào ba đột phá chiến lược
Thủ tướng nhấn mạnh, dự thảo Báo cáo cần làm rõ ba đột phá chiến lược: thể chế, hạ tầng và nhân lực, trong đó cải cách thể chế là "đột phá của đột phá". Cụ thể:
Về thể chế, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực và nâng cao năng lực thực thi. Đồng thời, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, giải phóng sức sản xuất.
Về hạ tầng, Trung ương sẽ tập trung phát triển hạ tầng chiến lược, hạ tầng quốc gia, liên vùng, trong khi địa phương có trách nhiệm chủ động triển khai các dự án hạ tầng cụ thể.
Về nhân lực, cần chính sách thu hút và giữ chân nhân tài, cải thiện điều kiện làm việc, tạo môi trường nghiên cứu khoa học thuận lợi. Đặc biệt, phải thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, đảm bảo ngân sách dành cho khoa học - công nghệ đạt từ 3-5% tổng chi ngân sách.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu xây dựng "một cửa quốc gia" về xúc tiến và thu hút đầu tư, giúp nhà đầu tư không phải làm việc với nhiều cơ quan riêng lẻ. Đồng thời, cần đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động tối đa nguồn lực từ khu vực tư nhân, đảm bảo đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, hình thức.
Thủ tướng nhấn mạnh: "Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực đến từ sự đổi mới, sức mạnh nằm ở nhân dân." Vì vậy, việc xây dựng chính sách phải bảo đảm hiệu quả thực tế, hướng đến phát triển bền vững và lâu dài.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường