Thấy gì từ trường hợp VsetGroup?
Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa thông báo xử phạt 600 triệu đồng và buộc doanh nghiệp này thu hồi trái phiếu đã chào bán; hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua trái phiếu hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng tiền lãi. Theo đó,VsetGroup có tối đa 15 ngày kể từ khi nhận được yêu cầu của nhà đầu tư để thực hiện (nhà đầu tư có tối đa 60 ngày để gởi yêu cầu, tính từ khi quyết định có hiệu lực).
Những dấu hiệu bất thường
Thời gian qua VsetGroup đã có những vi phạm trong chào bán trái phiếu ra công chúng. Gần 2 năm nay (từ 01/01/2020-27/10/2021), qua các website như vset-group.vn, daututietkiem.net,lienminhdautu247.com…cùng với đăng bài quảng cáo trên một số phương tiện truyền thông, VsetGroup đã tiếp cận nhiều nhà đầu tư và ký 678 hợp đồng chào bán trái phiếu, thu về 208.6 tỷ đồng.
Điều đáng nói, theo UBCKNN, nguồn tiền thu được từ phát hành trái phiếu đã bị các cá nhân trong VsetGroup rút ra khỏi tài khoản của công ty và không được nhập quỹ đầy đủ, cũng không được theo dõi trên sổ sách kế toán. Do đó, UBCKNN nghi ngờ hoạt động chào bán trái phiếu của VsetGroup có dấu hiệu bất thường, tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư. Cho nên UBCKNN đang phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an để xử lý vụ việc liên quan tới VsetGroup.
Những gì xảy ra ở VsetGroup là nghiêm trọng, cho thấy nhiều vấn đề. Về lý thuyết, Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu riêng lẻ đã có sự dễ dàng hơn. Thay vì yêu cầu bên bảo lãnh ngân hàng như Nghị định 168/2018, Nghị định mới cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ được bảo lãnh bởi bên bảo lãnh doanh nghiệp. Nghị định 153/2020 cũng không yêu cầu doanh nghiệp phải có ít nhất 1 năm hoạt động.
Dù vậy, Nghị định 153/2020 cũng nêu ra những tiêu chí ràng buộc như: Công ty hoạt động hợp pháp; đã thanh toán xong nợ (của lần phát hành trái phiếu trước đó hoặc nợ đến hạn trong 3 năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu); đạt các tỉ lệ an toàn tài chính, an toàn hoạt động; doanh nghiệp phải có báo cáo tài chính năm liền kề được kiểm toán bởi đơn vị được cho phép; có phương án phát hành trái phiếu doanh nghiệp được phê duyệt và chấp thuận theo quy định.
Đối chiếu vào trường hợp VsetGroup thì công ty đã vi phạm quy định khá trầm trọng : Không nộp hồ sơ đăng ký phát hành trái phiếu với UBCKNN; Không công bố thông tin trước đợt chào bán; Không có hồ sơ, tài liệu liên quan đến báo cáo sử dụng vốn huy động; Không thực hiện đăng ký, lưu ký trái phiếu; Không theo dõi, cập nhật thông tin về đợt phát hành trái phiếu vào trong báo cáo tài chính 2020 cũng như 6 tháng 2021…
VsetGroup lại có quá trình tăng vốn điều lệ thần tốc, từ 5 tỷ đồng (2014-2015) lên 150 tỷ đồng (2019) và nhảy vọt 500 tỷ đồng vào đầu năm 2021 thông qua phát hành thêm 35 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu. Tính ra, VsetGroup đã tăng vốn gấp 312 lần chỉ sau 7 năm thành lập.
Ông Trương Ngọc Anh (giữ chức Chủ tịch) nắm 70% cổ phần, bà Nguyễn Ngọc Mỹ Linh ( Tổng giám đốc), nắm giữ 20% vốn cổ phần và ông Nguyễn Văn Châu nắm giữ 10% cổ phần.
Cùng với màn tăng vốn,VsetGroup liên tiếp lấn sân sang các mảng kinh doanh mới. Theo các thông tin từ VsetGroup thì Công ty sắp triển khai những dự án khá hoành tráng: Hệ thống giáo dục VsetEdu, Thực phẩm VsetEco;Tài chính VsetCredit; Hệ thống y tế Vsmec; Chuỗi nhà hàng Happy Day; Chuỗi khách sạn VsetHotel; Đồ nội thất Vset Fur; Hệ thống vàng bạc trang sức VJS .. Giai đoạn 2020-2021, Công ty đã triển khai một số dự án như vận tải Gia Khang, Siêu thị cây xanh (VsetGreen), Siêu thị giày Vsman, ô tô Vset Thống Phát, hệ thống làm đẹp Vissa Beauty..nhưng các dự án này gần như chưa ai biết. Riêng mục tiêu sau năm 2025 triển khai 10 dự án đầu tư và đạt 4,000-5,000 tỷ đồng doanh thu từ mức 410 tỷ đồng doanh thu năm 2020… chưa thấy cơ sở thuyết phục về tính khả thi.
Tuy VsetGroup đầy bí ẩn, còn nhiều nghi vấn nhưng nhiều người đã không biết hoặc xem nhẹ các thông tin cần biết. Ngoài ra, có lẽ vì choáng ngợp bởi mức lãi suất hấp dẫn (cố định 12%/năm + lãi thưởng 4.8-6.8%/năm) cùng nhiều quyền lợi khác như gói bảo hiểm, giảm giá khi sử dụng dịch vụ của VsetGroup… nên nhiều người đã quên mất các rủi ro để lao vào đầu tư.
Trái phiếu doanh nghiệp: Không dành cho tất cả
Cho đến thời điểm này, VsetGroup chưa cung cấp các hợp đồng ký bán trái phiếu nhưng theo Nghị định 153/2020, đó phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp, có hiểu biết thông tin và tự chịu trách nhiệm. Nghĩa là nhà đầu tư phải am tường và bản lĩnh trong đầu tư cũng như tự gánh lấy các hậu quả nếu có khi tham gia sân chơi này.
Đây có lẽ là lý do vì sao, khi có ý kiến khuyên nhà đầu tư nên xem xét đầu tư trái phiếu doanh nghiệp thay vì gửi tiết kiệm thì tiến sĩ Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế lại có góc nhìn khác. Ông Đinh Thế Hiển cho rằng, đầu tư trái phiếu đòi hỏi những hiểu biết nhất định và có những rủi ro không phải ai cũng đủ khả năng biết rõ. Nếu mức lãi từ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp chỉ nhỉnh hơn đôi chút so với gửi tiết kiệm thì không đáng để nhà đầu tư nhảy vào kênh trái phiếu doanh nghiệp.
Thực tế, trái phiếu doanh nghiệp không phải là cuộc chơi cho tất cả mọi người. Thời gian qua, sân chơi này có những hạt sạn khá lớn khi nhiều doanh nghiệp tuy vốn sở hữu nhỏ, kinh doanh thua lỗ nhưng vẫn phát hành trái phiếu với khối lượng lớn, đưa đến nhiều rủi ro không chỉ cho người mua trái phiếu mà cho cả hệ thống tài chính tiền tệ.
Theo thống kê từ Bộ Tài Chính, trong 300 doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ của 11 tháng 2021 (chiếm tới 94.5% tổng trái phiếu doanh nghiệp phát hành), chỉ 2/3 có tài sản đảm bảo. Ngay các đơn vị phát hành trái phiếu có tài sản đảm bảo thì với tài sản vẫn chủ yếu là bất động sản, chứng khoán, chương trình, dự án... Khi thị trường biến động, hoặc doanh nghiệp gặp khó khăn, rủi ro doanh nghiệp không trả được nợ cũng dễ xảy ra. “Lúc đó tài sản đảm bảo không còn ý nghĩa và nhà đầu tư có thể sẽ bị mất tiền", ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân hàng, Bộ Tài chính cho biết trong một trả lời báo chí.
Cũng cần lưu ý rằng, mua trái phiếu có ngân hàng bảo lãnh phát hành cũng không có gì là an toàn bởi bảo lãnh phát hành chỉ là một dịch vụ và ngân hàng không có trách nhiệm thẩm định, đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Nếu nhà đầu tư mua trái phiếu của doanh nghiệp có bảo lãnh thanh toán, tính an toàn sẽ cao hơn. Bù lại, theo các chuyên gia, mức lãi suất không thể hấp dẫn như trái phiếu không có bảo lãnh.
Ngoài ra, trái phiếu doanh nghiệp bản chất là vay nợ từ người mua trái phiếu nên doanh nghiệp sẽ chủ động trong kế hoạch sử dụng vốn, trả nợ, trả lãi mà không chịu sự giám sát nào từ ngân hàng. Do đó, nếu mua trái phiếu của doanh nghiệp chưa niêm yết, không bị buộc phải công bố thông tin thì ngay cả nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng khó nắm được tình hình tài chính công ty đó.
Hiện tại, Chính phủ Việt Nam đang có những tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra và hướng tới chấn chỉnh lại hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ ở doanh nghiệp, để tạo lập một thị trường trái phiếu doanh nghiệp chuẩn mực, đúng đắn, chuyên nghiệp. Đó sẽ là một thị trường trái phiếu doanh nghiệp thanh lọc hơn, với các tiêu chuẩn về xếp hạng tín nhiệm, về tài sản bảo đảm và cả bảo lãnh thanh toán... được đặt lên hàng đầu, như yếu tố gia tăng độ tin cậy cho một trong những kênh huy động vốn quan trọng của thị trường.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận