24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hoàng Quang Anh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Thấy gì từ sự sụp đổ của FTX gây chấn động thế giới tiền ảo?

Sau bong bóng tài sản sinh lời khủng khiếp vào năm 2021, ngành công nghiệp tiền điện tử đã trải qua những đợt đảo chiều khắc nghiệt trong năm 2022. Một chuỗi các sự kiện sụp đổ nổi tiếng từ Terra-Luna, Three Arrows Capital, Celsius Network, đến Voyager Digital khiến các nhà đầu tư mất cả tài sản, giá giảm mạnh và thị trường sụp đổ lòng tin. - CafeLand.Vn

Nhưng sự sụp đổ đột ngột của sàn FTX khiến hầu hết mọi người phải bất ngờ. Từ vụ sụp đổ này cho thấy nhiều góc khuất sau các sàn giao dịch tiền mã hóa và sự phát triển của thế giới các dự án liên quan đến crypto, blockchain và các cryptocurrency.

Người đứng sau FTX Sam Bankman-Fried là ai?

Sam Bankman-Fried, 30 tuổi, con trai của hai giáo sư luật thuộc Đại học Stanford (Mỹ), là nhà sáng lập và giám đốc điều hành của sàn giao dịch tiền điện tử FTX. Trong kỳ bầu cử này, Bankman-Fried còn là nhà tài trợ lớn thứ hai của Đảng dân chủ và là lực lượng vận động hành lang lớn ở Washington về quy định tiền điện tử. Bankman-Fried tốt nghiệp Viện công nghệ Massachusetts (MIT), làm việc tại công ty thương mại định lượng uy tín Jane Street Capital và đã tham gia vào lĩnh vực tiền điện tử với một người bạn cùng lớp tại MIT là Gary Wang.

Trước khi xảy ra vụ việc đáng tiếc này, Bankman-Fried được ví như ông chủ ngân hàng huyền thoại JP Morgan vì đã giải cứu các sàn giao dịch gặp khó khăn khác. Bankman-Fried cũng ở hữu một sàn giao dịch điện tử khác mang tên Alameda Research.

Alameda Research về cơ bản là một nền tảng kinh doanh chênh lệch giá, mua bitcoin với giá thấp hơn từ một sàn giao dịch và bán nó với giá cao hơn tại một sàn giao dịch khác. Chênh lệch giá bitcoin ở Hàn Quốc so với phần còn lại của thế giới đã cho phép Bankman-Fried và Wang thu được lợi nhuận khổng lồ.

Vào tháng 4/2019, Bankman-Fried và Wang - cùng với U.C. Nishad Singh tốt nghiệp Đại học Berkeley - đã thành lập FTX.com, một sàn giao dịch tiền điện tử quốc tế được quảng cáo là “cung cấp cho khách hàng các tính năng giao dịch sáng tạo, nền tảng đáp ứng nhanh và trải nghiệm đáng tin cậy”.

Khi bitcoin và tài sản tiền điện tử trở thành tâm điểm chú ý vào năm 2021, Bankman-Fried đã tự định vị mình là một tỷ phú trí thức đại chúng. Bankman-Fried được chụp ảnh để quảng bá hình ảnh trong trang phục quần đùi, áo phông hoặc áo hoodie và giày không buộc dây. Bankman-Fried tiếp thị bản thân với các nhà đầu tư mạo hiểm như một thiên tài lập dị, ngoài tầm hiểu biết của họ. Làm thế nào mà chàng trai chỉ mới 29 tuổi này đạt được đỉnh cao nhanh như vậy? Bí mật của Bankman-Fried là gì?

Thấy gì từ sự sụp đổ của FTX gây chấn động thế giới tiền ảo?

Bankman-Fried

FTX tiếp thị mạnh mẽ cho công chúng ở Mỹ bằng cách phương thức như tài trợ cho các chương trình thể thao, quảng cáo cho sự kiện bóng bầu dục lớn nhất nước Mỹ Super Bowl, thậm chí là quảng cáo bánh quy may mắn. Bankman-Fried đã chi hàng chục triệu USD cho các ứng cử viên trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ. Anh ta thậm chí đã đến Washington, quảng bá tầm nhìn của mình về quy định tiền điện tử, để tạo ra một môi trường nơi anh có thể tiếp thị FTX cho các nhà đầu tư tổ chức lớn.

FTX đã nhanh chóng trở thành một trong những sàn giao dịch lớn nhất thế giới, cùng với Binance. Một vòng gọi vốn đầu năm 2022 đã định giá công ty lên tới 32 tỉ USD. Có thể nói, FTX là đứa con cưng của phố Wall với nhiều công ty tài chính lớn, bao gồm công ty đầu tư mạo hiểm Sequoia Capital.

Vì sao một trong những sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới lại sụp đổ?

FTX được quảng bá hình ảnh là một tổ chức tài chính đáng tin cậy được điều hành bởi một thiên tài năng động, theo khuôn mẫu của Steve Jobs hoặc Elon Musk. Thế nhưng, trên thực tế, tổ chức này đã hoạt động ngoài mọi quy định và chỉ là một cái vỏ rỗng sau sự sụp đổ của thị trường tiền điện tử. Mục nhập danh sách tỷ phú của Forbes dành cho Bankman-Fried đã cảnh báo rằng phần lớn tài sản của ông là “một nửa FTX và một phần FTT – token được sử dụng trong sàn FTX”.

FTT là một token được tạo cho các nhà giao dịch trên FTX – rất giống điểm thẻ khách hàng thân thiết của siêu thị. Nhưng FTT cũng là một tài sản tiền điện tử, được giao dịch bên ngoài FTX. FTT có giá trị theo thị trường và mọi người giao dịch dựa trên token này, trong đó có cả công ty khác của Bankman-Fried là Alameda.

Vào ngày 2/11, một bảng cân đối kế toán của Alameda bị rò rỉ cho thấy rằng các tài sản được xác nhận quyền sở hữu của công ty này về cơ bản bao gồm các token FTT. Alameda đã vay từ các công ty tiền điện tử khác bằng cách sử dụng điểm thẻ khách hàng thân thiết FTX-Alameda này. Alameda sở hữu FTT vì FTX cần bảo lãnh cho Alameda sau sự sụp đổ của Terra-Luna và gửi các token FTT do chính họ tạo ra, tuyên bố rằng đây là những tài sản có giá trị.

Hai công ty đóng các vai trò khác nhau, FTX cung cấp dịch vụ giao dịch, cho phép khách hàng nộp tiền và mua hơn 300 token khác nhau, sử dụng các khoản vay lớn để đặt cược lớn và rủi ro. Ngược lại, Alameda phần lớn hoạt động một cách âm thầm. Alameda chỉ có khoảng 30 nhân sự nhưng mang về 1 tỉ USD lợi nhuận trong năm ngoái. Sự kết hợp giữa một công ty đầu tư và một sàn giao dịch là một phi vụ kinh doanh đầy rủi ro. Để đảm bảo an toàn cho tiền của khách hàng, hai pháp nhân này thường hoạt động độc lập ở các thị trường được quản lý chặt chẽ. Trong khi đó trên thị trường tiền kỹ thuật số điều này không tồn tại.

Thấy gì từ sự sụp đổ của FTX gây chấn động thế giới tiền ảo?

Trên thực tế, thị trường tiền mã hoá rất phát triển trong vài năm gần đây nhưng lại chưa được nhiều quốc gia công nhận và kiểm soát.

Một người từng nhận được tiền đầu tư từ Alameda Ventures (công ty đầu tư mạo hiểm của Alameda) cho biết thực tế lại nhận được đầu tư từ FTX. Mối liên hệ với Alameda được xem là thứ đã đưa “đế chế” FTX của Bankman-Fried vào chảo lửa.

Một số báo cáo nói rằng bảng cân đối tài chính của Alameda cho thấy dư nợ lớn đối với FTX thông qua đồng token của FTX là FTT đã khiến các nhà đầu tư cảm thấy bất an. Sự hoảng loạn dâng lên đỉnh điểm khi Changpeng Zhao (CZ), CEO của Binance, chia sẻ trên Twitter về việc Binance đã bán hết số FTT nắm giữ, trị giá hơn 500 triệu USD. Hôm 8/11/2022, Zhao đưa ra đề nghị mua lại FTX để cứu lấy sàn giao dịch này song “quay xe” chỉ 1 ngày sau đó. Binance đã xem xét sổ sách của FTX và thấy rằng ít nhất 6 tỉ USD đã bị thiếu.

Mặc dù các vấn đề của FTX chỉ được biết đến rộng rãi vài ngày trước khi đệ đơn phá sản, nhưng hành động của Bankman-Fried đã khiến nhiều nhân viên cảm thấy lo lắng suốt nhiều tuần. Bên trong FTX, Bankman-Fried không gặp các nhân viên cao cấp vốn báo cáo trực tiếp cho ông trong ít nhất 1 tháng.

Một cách đột ngột, FTX đưa ra đề nghị chi trả bằng cổ phần FTX, vốn gần như không có giá trị lúc này. Dấu hiệu của khủng hoảng thanh khoản thậm chí xuất hiện sớm hơn trước đó khi một số nhà đầu tư hay quỹ phòng vệ bắt đầu rút hàng triệu USD khỏi FTX. Một dấu hiệu báo động báo khác là các khoản rút tiền vốn chỉ mất vài giây để thực hiện thì nay cần đến vài giờ. Dù vậy, vẫn có nhiều cổ đông lớn chưa nắm được tình hình. Nhiều nhà đầu tư thừa nhận họ chỉ biết tới các vấn đề của FTX cho tới gần ngày phá sản.

Khi token FTT bước vào giai đoạn giảm 80% giá trị chỉ trong 24 giờ, Sequoia Capital, một trong những nhà đầu tư nổi tiếng nhất của FTX, tuyên bố xoá bỏ giá trị khoản đầu tư vào FTX trên Twitter. Khách hàng, nhân viên FTX nói rằng nội bộ công ty cũng có sự hỗn loạn, cáo buộc cá nhân về gian lận chứng khoán và gian lận chuyển khoản, rửa tiền, và âm mưu trốn tránh các quy định tài chính. Alameda Research, một công ty thương mại do Bankman-Fried thành lập, đã bí mật vay và giao dịch hàng tỷ USD từ các khách hàng của FTX.

Thị trường tiền điện tử cho rằng rắc rối ở Alameda đồng nghĩa với rắc rối ở FTX và các khách hàng đã rút tiền điện tử ra nhanh nhất có thể. Tuy nhiên, FTX đã đóng lệnh rút tiền vào ngày 6/11/2022. Bahamas, nơi FTX được thành lập, đã đóng băng tài sản của FTX ngày 8/11/2022. Vào ngày 9/11/2022, FTX tuyên bố nộp đơn phá sản theo Chương 11 tại Mỹ cùng với Alameda và các công ty liên kết khác. FTX cho biết Bankman-Fried đã từ chức giám đốc điều hành nhưng sẽ “ở lại để hỗ trợ quá trình chuyển đổi có trật tự”.

Như một dự báo về cái chết của tiền điện tử?

Các chuyên gia cho biết sự sụp đổ của FTX, vốn tự coi mình là “con cưng” đáng tin cậy của tiền điện tử, đã dấy lên những lo ngại lớn về một ngành công nghiệp không được kiểm soát. Reena Aggarwal, Giám đốc Trung tâm Chính sách và Thị trường Tài chính Psaros của Đại học Georgetown, cho biết biến động này sẽ khiến các nhà đầu tư bán lẻ đặt niềm tin vào FTX và thị trường điện tử lo lắng và không khỏi e sợ là họ sẽ mất tiền.

Sự kiện này được ví như “Sự sụp đổ của Lehman Brothers” trong ngành công nghiệp tiền điện tử. Lehman Brothers là một tập đoàn chứng khoán – ngân hàng lớn thứ 4 nước Mỹ, được thành lập vào năm 1850 bởi ba anh em Henry, Emanuel và Mayer Lehman.

Vào ngày 15/9/2008, Lehman Brothers đệ đơn xin phá sản, và là công ty lớn nhất lịch sử đệ đơn phá sản (với tài sản 639 tỉ USD và nợ 619 tỉ USD). Dữ kiện này cũng châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính vào năm 2008. Nhiều chuyên gia thậm chí còn đánh giá đây gần như là “ngày tận thế” của lĩnh vực này.

Tỷ phú nổi tiếng được yêu thích lâu năm ở Mỹ là Steve Jobs vốn được biết đến với tính cách lập dị, hiếu chiến và gai góc đã dành 10 năm để hoàn thành công việc một cách vững chắc từ cuối những năm 1990 và đến những năm 2000. Tương tự, Elon Musk cũng tiến lên phía trước, thúc đẩy sự phát triển của xe điện và quá trình chuyển đổi năng lượng.

Bankman-Fried cũng tự quảng cáo mình là một thiên tài lập dị với sự nhạy bén về tài chính vượt xa trí óc bình thường và sự hiểu biết sâu sắc về chính sách để đưa loại tài sản mới này vào tương lai. Trên thực tế, hình ảnh của Bankman-Fried đã làm xao nhãng những gì đang diễn ra bên trong FTX: lỗ hổng trên bảng cân đối kế toán ngày càng lớn, khi FTX và Alameda, cùng hoạt động như một ngân hàng ngầm, cố gắng bịt lỗ hổng bằng tiền của khách hàng. Bí mật của Bankman-Fried hóa ra lại là một trò chơi vỏ bọc tài chính.

Kẻ thua đậm nhất là ai?

Bankman-Fried và FTX có lẽ là kẻ thua đậm nhất trong sự kiện này. Sau một tuần xảy ra sự cố, Bankman-Fried đang huy động 8 tỉ USD để bảo lãnh cho công ty của mình, theo tờ Financial Times. FTX cũng bị Bộ Tư Pháp và các cơ quan quản lý liên bang điều tra, theo The Post.

Ngoài uy tín của ngành, những người thua cuộc lớn nhất thuộc về khách hàng của FTX. Trong hồ sơ xin phá sản, FTX nói có khoảng 100.000 chủ nợ, nhưng trên thực tế, con số này cao gấp 10 lần. CNBC dẫn lời các luật sư của FTX: "Chiếu theo luật phá sản của Mỹ, sàn tiền số FTX đang có hơn một triệu chủ nợ", nhưng danh sách chi tiết không thể lập được do số lượng quá lớn. Một số tên tuổi như tập đoàn SoftBank, quỹ đầu tư Temasek của chính phủ Singapore, công ty đầu tư mạo hiểm Sequoia... đã đầu tư hàng trăm triệu USD vào công ty của nhà sáng lập FTX Sam Bankman-Fried. Một phần trong số tiền đầu tư đã được Sam dùng để mua căn hộ và các bất động sản xa xỉ.

Trong một bức thư gửi đối tác, Sequoia cho biết đang đưa khoản đầu tư của mình xuống con số 0. FTX đã tạm ngưng hoạt động rút tiền khi khách hàng tìm cách rút tiền khỏi sàn giao dịch. Một số trong đó lo lắng rằng họ sẽ mất sạch số tiền đã đầu tư. Một tiền lệ gần đây trong ngân hàng Celsius Network, sau khi bị phá sản vào tháng 7/2022, nhiều khách hàng của họ vẫn không thể truy cập khoản tiền của mình.

Trên thực tế, thị trường tiền mã hóa rất phát triển trong vài năm gần đây nhưng lại chưa được nhiều quốc gia công nhận và kiểm soát. Điều này có nghĩa là các nhà đầu tư sẽ không nhận được sự bảo vệ khi có sự cố xảy ra. Chính vì vậy, nhiều người mong rằng vụ việc của FTX sẽ khiến các cơ quan quản lý phải hành động.

Sự sụp đổ gây sốc của sàn giao dịch tiền điện tử hàng đầu FTX đã khiến Quốc hội Mỹ gia tăng tính cấp bách trong việc điều tra chuyện gì đã xảy ra. Thông qua luật, Quốc hội Mỹ mong muốn và cố gắng ngăn chặn một số sự cố khác có nguy cơ ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn nhà đầu tư.

Dự luật Bảo vệ người tiêu dùng hàng hóa kỹ thuật số (Digital Commodities Consumer Protection Act - DCCPA), được giới thiệu vào tháng 8 vừa qua, đã mang đến cho Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai (Commodity Futures Trading Commission) nhiều quyền hơn để điều chỉnh các mặt hàng kỹ thuật số như FTX. Dự luật được đưa ra trước khi FTX sụp đổ đã khơi dậy những tranh luận mới về cách bảo vệ người tiêu dùng trong ngành công nghiệp tiền điện tử tương đối non trẻ.

Joe Silvia, luật sư tư vấn cho các tổ chức tài chính về các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp và quy định, nói với CNBC rằng nếu dự luật được thông qua thì nó có thể ngăn chặn tình trạng sụp đổ xảy ra ở FTX.

“Nếu có sự minh bạch thật sự mà luật pháp đạt đến, tôi hy vọng sẽ không một ai cố ý gửi tiền vào sàn giao dịch mà biết rằng sàn giao dịch đó đang lấy số tiền đó để sử dụng nó cho mục đích cá nhân và giao dịch nó với công ty chị em”, theo Silvia.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả