menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thu Miên

Thấy gì sau 8 tháng thực thi "siêu" hiệp định RCEP?

Theo báo cáo mới nhất của ngân hàng HSBC, RCEP sẽ thúc đẩy tăng trưởng thương mại, tăng thu nhập và nâng tỷ trọng GDP toàn cầu của các thành viên lên gần 33%.

Ngân hàng HSBC vừa phát hành báo cáo “Thực thi Hiệp định đối tác kinh tế toàn khu vực (RCEP): Nhìn lại quá trình thực thi trong bối cảnh thách thức thương mại”, nhằm đánh giá lại quá trình thực hiện hiệp định tại các quốc gia thành viên sau 8 tháng kể từ ngày 1/1/2022 khi RCEP có hiệu lực, cũng như những kết quả đạt được tới nay.

Từ những tắc nghẽn kéo dài trong chuỗi cung ứng cho đến việc nền kinh tế toàn cầu đi xuống, thương mại đang gặp khó trên khắp châu Á. Tuy nhiên, điểm tích cực dài hạn chính là thương mại khu vực đang khởi sắc. Phần lớn là nhờ RCEP đã khởi động vào đầu năm nay với sự tham gia của 15 nền kinh tế thành viên tại khu vực châu Á, và sắp tới sẽ có thêm nhiều thành viên mới.

90% thuế quan được loại bỏ khi tham gia RCEP

Hiệp định RCEP có hiệu lực vào ngày 1/1/2022. Hiệp định bao gồm sự tham gia của các nước Australia, Trung Quốc đại lục, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và 10 nước thành viên khối ASEAN, mặc dù không phải tất cả các nền kinh tế đã phê duyệt hiệp định.

Phạm vi của RCEP không rộng lớn như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một hiệp định thương mại tự do đã có trong khu vực trước đó, đặc biệt trong các lĩnh vực lao động và môi trường. Tuy nhiên, RCEP có độ bao phủ phù hợp với các quy tắc và thủ tục giao thương, loại bỏ thuế quan đối với hơn 90% hàng hóa.

Đặc biệt, với số lượng lớn các quốc gia tham gia, các quy tắc xuất xứ hàng hóa mở rộng của RCEP cho phép các doanh nghiệp địa phương có thể hưởng lợi từ việc xuất khẩu miễn thuế trong khối, miễn là một số nguyên vật liệu đầu vào của họ (thường khoảng 40%) có nguồn gốc từ các thành viên RCEP khác.

Thấy gì sau 8 tháng thực thi "siêu" hiệp định RCEP?

Lợi thế trực tiếp lớn nhất của việc tham gia RCEP là thuế quan đối với hơn 90% hàng hóa sẽ được loại bỏ, trong khi các quy tắc xuất xứ hàng hóa mở rộng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm nguồn cung ứng đầu vào từ trong khối. Ngoài ra, chương trình toàn diện này sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực đầu tư, sở hữu trí tuệ và thương mại điện tử.

Tận dụng ưu đãi thuế quan

Sau tám tháng thực thi hiệp định RCEP, HSBC nhận thấy rằng một số quốc gia đã tận dụng hiệp định này để tăng cường quan hệ thương mại trong khu vực. Ví dụ, Malaysia (đã phê duyệt hiệp định vào giữa tháng 3) đang làm việc với tỉnh Trùng Khánh của Trung Quốc để xem xét khởi động các dự án đầu tư liên quan đến xe điện (EV).

Trong khi đó, nhờ RCEP, Nhật Bản, một trong những nhà sản xuất ô tô lớn nhất ở châu Á, lần đầu tiên tham gia thỏa thuận thương mại với Trung Quốc và Hàn Quốc. Điều quan trọng là tại thời điểm lạm phát tăng nhanh như hiện nay, các ưu đãi thuế quan sẽ giúp các nhà sản xuất tại các thị trường RCEP có được nguồn cung đầu vào với chi phí thấp hơn, tăng cường khả năng cạnh tranh toàn cầu của họ. Do đó, hiệp định cũng sẽ là chìa khóa để thúc đẩy dòng vốn FDI vào khu vực, cho dù từ các nền kinh tế thành viên hay từ bên ngoài.

Kể từ khi có hiệu lực vào đầu năm, một số doanh nghiệp đã nhanh chóng tận dụng lợi thế của hiệp định mới. Theo Hội đồng Xúc tiến Thương mại Quốc tế Trung Quốc (CCPIT), có 43.600 giấy chứng nhận xuất xứ RCEP được cấp từ tháng 1 đến tháng 5/2022, trị giá đến 2,08 tỷ USD. Việc áp dụng các ưu đãi thương mại RCEP sẽ gia tăng nếu thỏa thuận tiếp tục được thực thi và tự do hóa thương mại được thực hiện nhiều hơn nữa.

Ngoài việc tận dụng các ưu đãi thuế quan, còn có những lợi ích khác. Đối với Nhật Bản, việc đăng ký tham gia RCEP mang ý nghĩa đây là lần đầu tiên nước này tham gia một hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc. Nhờ RCEP, nhà sản xuất ô tô Trung Quốc Guangxi Auto đã nhanh chóng đạt được thỏa thuận với công ty khởi nghiệp xe điện ASF của Nhật Bản, sản xuất một dòng xe điện thương mại nhỏ ở Trung Quốc để bán tại Nhật Bản. Hai công ty dự định hợp tác phát triển các nguyên mẫu theo thỏa thuận được ký kết tại Diễn đàn Lãnh đạo Doanh nghiệp RCEP vào đầu năm nay.

Thấy gì sau 8 tháng thực thi "siêu" hiệp định RCEP?
Nhờ RCEP, nhà sản xuất ô tô Trung Quốc Guangxi Auto nhanh chóng đạt được thỏa thuận với công ty khởi nghiệp xe điện ASF của Nhật Bản. Ảnh minh hoạ.

Một tuyến đường biển cao tốc giữa Thanh Đảo của Trung Quốc và Osaka của Nhật Bản cũng được khánh thành vào tháng 6/2022, sau khi Thanh Đảo và Dongchen Line Co ký kết một thỏa thuận hợp tác chiến lược khi RCEP có hiệu lực. Trên tuyến đường này, tàu thuyền có thể lên hàng trực tiếp với thiết bị chất hàng (ví dụ: xe tải) và hàng hóa, với hải trình cắt giảm từ hai đến ba ngày xuống chỉ còn 36 giờ.

Kỳ vọng GDP của thành viên RCEP đạt 32,9%

Theo HSBC, các dự đoán cho thấy một số thị trường như Nhật Bản hay Hàn Quốc sẽ đạt được bước nhảy vọt lớn nhất về mặt xuất khẩu vào năm 2030. Điều này chủ yếu là vì đây là lần đầu tiên Nhật tham gia vào một hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc. Xuất khẩu được miễn thuế của Nhật tới Trung Quốc và từ Trung Quốc sang Nhật, từ mức 25% và 57%, vào ngày RCEP có hiệu lực, sẽ có khả năng tăng lên 86% và 88%.

Hơn nữa, RCEP là hiệp định thương mại tự do đầu tiên có cả Trung Quốc, Nhật và Hàn Quốc tham gia. Đây là ba trong số những nền kinh tế kỹ thuật tiên tiến ở Đông Á. Tự do hóa thương mại cũng sẽ tạo ra một cú hích năng suất cho châu Á và thúc đẩy nhiều dòng vốn FDI hơn. Ước tính của Ngân hàng Thế giới cho thấy chỉ riêng “những cú hích” năng suất đã có thể tăng thu nhập thực tế thêm 5% dự kiến vào năm 2035 ở các nền kinh tế như Thái Lan, Việt Nam và Malaysia.

Thấy gì sau 8 tháng thực thi "siêu" hiệp định RCEP?
Ảnh hưởng của cú hích năng suất đối với thương mại của từng nền kinh tế, % thay đổi vào năm 2035 so với kịch bản bình thường.

RCEP không chỉ giúp thúc đẩy xuất khẩu, mà còn có những ảnh hưởng tích cực gián tiếp khác đến thu nhập của một quốc gia, nhờ vào chiều sâu của hiệp định. Hiệp định thương mại tự do mở ra nhiều cơ hội đầu tư trong khối RCEP, và cũng có thể thúc đẩy đầu tư trực tiếp từ các công ty có trụ sở bên ngoài khu vực muốn tận dụng hiệp định này. Theo IMF, về mặt nguyên tắc, tự do hóa FDI, dù được thúc đẩy bởi RCEP hay là do đơn phương, đều có thể giúp thu nhập thực tế từ thương mại tăng hơn 15% đối với Philippines, Malaysia và Thái Lan.

Theo một báo cáo do chuyên gia cấp cao Peter A. Petri thuộc Viện Brookings và Giáo sư Kinh tế quốc tế Michael Plummer thuộc trường Đại học Johns Hopkins, xét về mọi mặt, tự do hóa FDI có thể giúp thu nhập thực tế của tất cả các nước thành viên RCEP tăng đến 0,53%.

Gia tăng thương mại và dòng vốn FDI do vậy cũng sẽ nâng cao năng suất hơn. Chi phí nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào sẽ giảm, nhờ thế sẽ đẩy mạnh sản xuất địa phương. Do đó, HSBC mong đợi sẽ có sự thay đổi trong tính cạnh tranh giữa các lĩnh vực khác nhau.

Một cách tự nhiên, nguồn lực và vốn sẽ được dùng cho ngành có tính cạnh tranh cao nhất. Thêm nữa, việc dỡ bỏ các rào cản với đầu tư nước ngoài có thể thúc đẩy sự phân bổ nguồn lực và công nghệ tốt hơn. Kết quả là điều này sẽ tạo nên một “cú hích” năng suất ở nhiều lĩnh vực, trong khi đẩy mạnh sự chuyển dịch nguồn lực khỏi những ngành không còn tính cạnh tranh nữa.

HSBC cho rằng lợi ích không được phân chia đồng đều giữa các thành viên và lĩnh vực. Vài thị trường, như Việt Nam và Malaysia, sẽ có khả năng đạt được mức tăng thu nhập thực tế lên đến gần 5% vào năm 2035 nhờ cú hích năng suất. Những quốc gia phát triển như Nhật Bản sẽ có mức tăng năng suất thấp hơn, nhưng vẫn được hưởng lợi nhờ tăng cường tích hợp chuỗi cung ứng và hỗ trợ khả năng cạnh tranh của các công ty địa phương.

RCEP sẽ thúc đẩy tăng trưởng thương mại trong khu vực. Thị phần thương mại của các thành viên RCEP đã tăng trong nhiều năm qua. Vậy nên, HSBC kỳ vọng sự gia nhập của Hồng Kông sẽ thúc đẩy hơn nữa thu nhập thực tế tại các nền kinh tế châu Á.

Tổng hợp GDP thực tế của các nền kinh tế đã tham gia hiệp định, dự kiến vào năm 2030, không tính đến cú hích năng suất tiềm năng do RCEP tạo nên, HSBC tiếp tục kỳ vọng tỉ trọng GDP toàn cầu của các thị trường thành viên RCEP sẽ đạt 32,9%, tăng từ mức 31,7% của năm 2021.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại