Thất thường thị trường trái cây trong nước
Xuất khẩu trái cây những tháng đầu năm tăng trưởng vượt bậc, thế nhưng ở thị trường trong nước, giá các mặt hàng này lại xuống thấp so với mọi năm
Ghi nhận tại thị trường TP HCM, giá vải Tây Nguyên chỉ 25.000 - 35.000 đồng/kg, giá măng cụt 35.000 - 60.000 đồng/kg, chôm chôm đầu mùa 25.000 - 30.000 đồng/kg, ổi nữ hoàng dưới 7.000 - 8.000 đồng/kg… thấp hơn mọi năm 20% - 30%. Trước đó, xoài cát Hòa Lộc, cam sành miền Tây rơi vào cảnh giá rẻ chưa từng có.
Trái cây vào mùa, sức mua yếu
Ông Nguyễn Văn Mười, Phó trưởng Cơ quan phụ trách phía Nam Hội Làm vườn Việt Nam (VACVINA), cho rằng thời điểm này đang vào mùa trái cây nên mặt bằng giá xuống thấp. Nhưng năm nay, giá cả thấp còn do sức mua trên thị trường rất yếu, phản ánh sự khó khăn của nền kinh tế. "Trái cây là mặt hàng ăn chơi nên khi kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thường cắt giảm. Do đó, trái cây muốn bán được phải giảm giá" - ông Mười nói.
Thơm đang dội mùa, giá bán lẻ chỉ có 15.000 đồng/2 quả to .Ảnh: AN NA
Vì rất nhiều mặt hàng đồng loạt vào vụ thu hoạch như: măng cụt, xoài, mít, chanh leo, chôm chôm, quả vải, thơm… nên các nhà máy chế biến thu mua không hết, dù giá rẻ. Do đó, giải pháp là phải sản xuất rải vụ để tránh thu hoạch đồng loạt. Nhưng cách này cũng không dễ vì cần nhiều vốn để xử lý ra quả trái vụ, chỉ những nhà vườn có diện tích lớn, nhiều kinh nghiệm mới dám thực hiện.
Theo ông Mười, thời điểm hiện tại chỉ có sầu riêng giá cao do nhu cầu của thị trường Trung Quốc còn lớn. Bản thân ông mỗi ngày nhận được khoảng chục cuộc điện thoại nhờ kết nối nguồn hàng sầu riêng đạt chuẩn xuất khẩu Trung Quốc nhưng không còn nhiều.
Ông Nguyễn Bình Phương, Phó Giám đốc Công ty CP Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức, thông tin từ đầu năm đến nay đã có nhiều mặt hàng dội chợ. Từ cam sành, xoài cát Hòa Lộc giá rẻ chưa từng có đến măng cụt, vải Tây Nguyên giá đều thấp hơn các năm. Nguyên nhân là do năm nay các vùng trồng đều được mùa trong khi sức mua rất yếu. Dù vậy, lượng hàng về chợ không tăng do thương nhân chủ động điều tiết nguồn hàng, tránh giá giảm sâu. Lượng hàng không qua chợ đầu mối thì về thẳng các điểm kinh doanh hoặc được bán ở vỉa hè, xe đẩy.
Trong khi đó, dưới góc độ nhà xuất khẩu, ông Nguyễn Quang Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ (tỉnh Long An), cho rằng giá nhiều loại trái cây thấp vì không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Ông dẫn chứng mặt hàng sầu riêng Monthong đủ chuẩn xuất khẩu hiện giá lên đến 100.000 đồng/kg nhưng hàng dạt chỉ 40.000 đồng/kg. Các nhà xuất khẩu phải tìm mua sầu riêng từ rất nhiều nhà vườn để đủ một container. "Nhiều nhà vườn than giá thấp, chỉ 50.000 đồng/kg mua "xô" vì họ bán vườn từ lúc còn non, nếu giá xuống họ có lợi, còn giá lên thì họ thiệt. Điều này là tất yếu trong kinh doanh và không phản ánh giá thị trường" - ông Hòa phân tích.
Muốn giá cao phải đạt chuẩn xuất khẩu
Ông Nguyễn Văn Thực, Giám đốc HTX Hòa Lộc (Cái Bè, Tiền Giang), cho biết tại Hòa Lộc có 200 ha xoài cát, trong đó có 20 ha được chứng nhận VietGAP, năng suất 200 tấn/vụ nhưng năm nay không xuất khẩu được trái nào. "Công ty xuất khẩu lâu nay ra giá chỉ 35.000 đồng/kg nhưng phải chọn trái đủ tiêu chuẩn, từ 100 kg chỉ chọn ra được 40 kg để xuất khẩu. HTX yêu cầu phải 55.000 đồng/kg thì người trồng mới có lãi chút đỉnh nhưng họ không đồng ý. Do đó, nhà vườn phải tìm mối khác nhưng chỉ được khoảng 7 tấn để đóng gói bán lẻ ra nước ngoài, số còn lại bán trong nước nên giá bị đẩy xuống thê thảm" - ông Thực chia sẻ.
Cũng theo ông Thực, giá xoài cát Hòa Lộc năm nay giảm mạnh còn do giống xoài này được trồng nhiều ở khắp nơi như Đồng Tháp, Hậu Giang, các tỉnh miền Đông nên nguồn cung trở nên thừa. Do đó, giá xoài cát những năm tới sẽ tiếp tục thấp, khó trở lại mức cao như trước.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xoài cát Hòa Lộc rớt giá còn do thị trường xuất khẩu mặt hàng này không tốt, khá hẹp, chủ yếu là Việt kiều mua về dùng. Trong khi năm nay kinh tế khó khăn, người Việt ở nước ngoài cũng hạn chế mua vì giá bán khá cao. Kể cả thương lái Trung Quốc cũng chê xoài cát Hòa Lộc bởi giá bán cao quá, không cạnh tranh nổi với xoài Campuchia. Vì vậy, các thương lái Trung Quốc đã ký hợp đồng nhập khẩu xoài keo của Campuchia với số lượng lên đến 500.000 tấn nhờ có mức giá thấp, chỉ 5.000 - 10.000 đồng/kg.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu rau quả 5 tháng đầu năm có kết quả tích cực với kim ngạch gần 2 tỉ USD, tăng tới 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Nguyên cho biết kết quả này chủ yếu nhờ phía Trung Quốc tăng mua các mặt hàng sầu riêng, chuối, mít, thanh long… "Những mặt hàng xuất khẩu tốt thì giá cao. Với mặt hàng sầu riêng, Việt Nam cần đàm phán để có thêm nhiều mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói được Trung Quốc chấp thuận để ổn định đầu ra vì diện tích sầu riêng của Việt Nam đang tăng nhanh" - ông Nguyên nói.
Theo TS Lê Minh Hùng, Giám đốc Phân viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, trước đây rau quả xuất khẩu nhiều sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, yêu cầu đơn giản nhưng nay xuất khẩu chính ngạch, yêu cầu cao. Do đó, muốn xuất khẩu được giá tốt, các nhà vườn phải thay đổi canh tác theo yêu cầu thị trường. Ngoài ra, công nghệ bảo quản sau thu hoạch của Việt Nam cũng cần được cải thiện để giúp trái cây Việt Nam có thể tiếp cận những thị trường xa, bán được giá cao.
"Chúng tôi đang đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp phép lưu hành nhiều chế phẩm sinh học để bảo quản rau quả, hỗ trợ các đơn vị xuất khẩu" - TS Lê Minh Hùng nói.
Mãng cầu xiêm ngược dòng
Mãng cầu xiêm là loại trái cây hiếm hoi tăng giá trong năm nay nhờ cơn sốt "trà mãng cầu" từ mạng xã hội. Hiện tại, giá mãng cầu xiêm phổ biến ở mức 50.000 - 65.000 đồng/kg, gấp đôi năm ngoái vì nhu cầu tăng vọt trong khi sản lượng quả này không nhiều do chủ yếu trồng xen trong các vườn cây.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận