Thất nghiệp, thiếu việc làm vẫn ở mức cao
Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm quý IV-2021 giảm so với quý trước và tăng so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, tính chung cả năm 2021, diễn biến phức tạp và kéo dài của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư đã khiến tình hình lao động việc làm năm 2021 gặp nhiều khó khăn hơn so với năm 2020, lực lượng lao động, số người có việc làm giảm; tỷ lệ thiếu việc làm và thất nghiệp tăng so với năm trước.
Đó là nội dung chính của cuộc họp báo công bố tình hình lao động việc làm quý IV-2021 và chỉ số phát triển con người Việt Nam 2016-2020 do Tổng cục Thống kê tổ chức ngày 6-1-2022 tại Hà Nội.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Trung Tiến, cùng với chính sách thích ứng linh hoạt trong phòng, chống dịch Covid-19 để khôi phục kinh tế, thị trường lao động quý IV-2021 bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Lực lượng lao động, số người có việc làm quý IV-2021 tăng so với quý trước và giảm so với cùng kỳ năm 2020.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý IV-2021 là 50,7 triệu người, tăng khoảng 1,7 triệu người so với quý III và giảm 1,4 triệu người so với cùng kỳ năm 2020.
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý IV-2021 là 67,7%, tăng 2,1% so với quý trước và giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động khu vực thành thị là 65,3%, trong khi đó tỷ lệ này ở nông thôn là 69,3%.
So với quý III-2021, số lao động có việc làm phi chính thức là 19,4 triệu người, tăng 1,3 triệu người, tương ứng tăng 7,4%. Rõ ràng, thị trường lao động có sự phục hồi nhưng sự phục hồi này chưa thật bền vững.
Số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý IV-2021 là gần 1,5 triệu người, giảm 381,1 nghìn người so với quý trước và tăng 635,9 nghìn người so với cùng kỳ năm 2020. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý IV-2021 là hơn 1,6 triệu người, giảm 113,1 nghìn người so với quý trước và tăng 369,2 nghìn người so với cùng kỳ năm 2020. Số người thất nghiệp năm 2021 là hơn 1,4 triệu người, tăng 203,7 nghìn người so với năm 2020.
Thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý IV-2021 là 5,3 triệu đồng, tăng 139 nghìn đồng so với quý trước và giảm 624 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2020.
Riêng chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam tiếp tục cải thiện, tăng tiến trong giai đoạn 2016-2020. HDI năm 2016 đạt mức 0,682 và tăng lên 0,706 năm 2020 tức là từ nhóm trung bình lên nhóm có HDI cao của thế giới.
Các chỉ số thành phần cũng có bước cải thiện đáng kể, đơn cử như Chỉ số sức khỏe tăng từ 0,822 năm 2016 lên 0,826 năm 2020; Chỉ số giáo dục tăng tương ứng từ 0,618 lên 0,640 và Chỉ số thu nhập tăng tương ứng từ 0,624 lên 0,664.
Nhìn chung, HDI Việt Nam có tăng nhưng vẫn tăng chậm và hiện xếp thứ 7/11 quốc gia khu vực Đông Nam Á.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận