Tháo gỡ khó khăn, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi trong năm 2022
Theo đánh giá của các chuyên gia, một trong những động lực cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển trở lại là nhờ những chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mới được Quốc hội thông qua.
Ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch
Đại dịch COVID-19 và hậu quả từ đại dịch là một trong những thách thức lớn nhất cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.
Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đơn hàng giảm mạnh, chi phí tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, mất khả năng thanh toán và trên bờ vực phá sản, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo khảo sát online của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, tính đến tháng 10 vừa qua đã có 61% doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất kinh doanh, khó khăn về đứt gãy nguồn lao động, 56% doanh nghiệp đối mặt giá nguyên liệu đầu vào cao, 60% doanh nghiệp đang hoạt động bị chậm đơn hàng, 48% đơn hàng bị huỷ…
Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Hoàng Quang Phòng cho rằng, việc thích ứng với trạng thái bình thường mới đặt ra những vấn đề mới cho quản lý trên bình diện quốc gia và toàn cầu. Yêu cầu này đang đòi hỏi coi những điều chỉnh chính sách phù hợp, ứng phó với dịch và phục hồi phát triển kinh tế là trung tâm, trong đó lãnh đạo doanh nghiệp phải chủ động thích ứng linh hoạt, thực hiện chuyển đổi số. Quá trình này cần phải dựa trên sự liên kết chặt chẽ giữa kinh doanh, công nghệ và con người để tạo ra những hướng đi mới đột phá hơn.
"COVID-19 là thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật số đáp ứng yêu cầu chuyển đổi. Cùng với đó, doanh nghiệp cần phát triển sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu mới của thị trường trong trạng thái bình thường mới, kết nối chặt chẽ với đối tác, nâng cao năng lực đổi mới và sức cạnh tranh trên thị trường" - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định.
Chính sách "gỡ khó" cho doanh nghiệp khôi phục kinh tế
Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 khiến kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng Việt Nam vẫn đạt và vượt một số chỉ tiêu kinh tế.
Tăng trưởng GDP 2,58%, xuất nhập khẩu đạt con số kỷ lục 668,5 tỷ USD (xuất siêu khoảng 4 tỷ USD), tăng 22,6% so với năm trước, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế dẫn đầu về thương mại quốc tế. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 31,15 tỷ USD, tăng hơn 9,2 tỷ USD so với năm 2020.
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tháng 1/2022, cả nước có 13 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 192,3 nghìn tỷ đồng. Số lao động đăng ký đạt gần 77,1 nghìn lao động, tăng 10,5% về số lao động so với tháng trước.
Theo đánh giá của các chuyên gia, một trong những động lực cho doanh nghiệp quay trở lại hoạt động và thành lập mới tăng mạnh là nhờ việc Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, cộng đồng có chương trình hỗ trợ với nhiều ưu đãi.
Với chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, nghị quyết được thông qua sẽ hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40.000 tỷ đồng cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, có khả năng phục hồi. Cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân thuê và thuê mua, cấp vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch tối đa 300 tỷ đồng.
Cùng với đó, vào thời điểm đầu năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022.
Mục tiêu là cải thiện chất lượng, nâng cao thứ hạng các chỉ số môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh đồng bộ với cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính.
Mặc dù xác định được tầm quan trọng của chuyển đổi số, nhưng hiện nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp đang gặp khó về chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ; khó khăn do thói quen, tập quán kinh doanh, thiếu nguồn nhân lực để ứng dụng công nghệ số… Vì vậy, trong năm 2022 sẽ có 3 gói hỗ trợ giúp doanh nghiệp chuyển đổi số toàn diện nhằm khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh, thích ứng với trạng thái bình thường mới.
Trong đó, chương trình sẽ tập trung vào 3 gói chính, cụ thể là hỗ trợ bắt đầu chuyển đổi số cho có quy mô nhỏ, những doanh nghiệp bắt đầu chuyển đổi số, ngân sách nhà nước dành một phần kinh phí từ 20 triệu đến 50 triệu đồng/năm.
Gói thứ 2 là Tăng tốc chuyển đổi số cho các doanh nghiệp đang tăng trưởng, hỗ trợ không quá 100 triệu đồng/năm đối với các đối tượng doanh nghiệp vừa. Gói thứ 3 là hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số hướng đến thị trường xuất khẩu, hỗ trợ tối đa 50% kinh phí khởi tạo, duy trì tài khoản trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong Chương trình phục hồi kinh tế và phát triển kinh tế 2022 - 2023, các giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp sẽ được triển khai.
Trong đó, hàng loạt chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh sẽ được thực thi, bao gồm: Hỗ trợ tăng tính thanh khoản cho doanh nghiệp như tiếp tục chính sách giãn, hoãn thời gian nộp thuế; giảm thuế, phí, các khoản phải nộp; cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; thực hiện chính sách cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp trong những ngành nghề bị tác động mạnh bởi dịch bệnh COVID-19 và những nhóm ngành trọng tâm ưu tiên phát triển để tạo đà phục hồi cho kinh tế.
Chúng ta cũng hỗ trợ tái cấu trúc doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong doanh nghiệp; hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo... Việc tái cấu trúc lao động, thu hút, đào tạo lại lao động... cũng được hỗ trợ.
Ngoài ra, sẽ rà soát, sửa đổi các quy định chồng chéo, mâu thuẫn để tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Chúng ta cũng định hướng công khai, minh bạch các định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các cơ chế chính sách để định hướng cho doanh nghiệp đầu tư theo quy hoạch, kế hoạch phát triển và bảo đảm quyền lợi đầu tư, giảm rủi ro kinh doanh. Tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển, nhất là trong việc thực hiện các dự án, công trình theo hình thức hợp tác công tư.
Bên cạnh đó, năm 2022, Bộ Tài chính cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là những thủ tục liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp; thủ tục hành chính nội bộ giữa cơ quan nhà nước; tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh và tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính, số hóa kết quả giải quyết thủ tục…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận