Thanh toán điện tử, nền tảng để phát triển thương mại điện tử
Kế hoạch phát triển thương mại điện tử (TMĐT) trong giai đoạn 5 năm tới sẽ là đổi mới mô hình quản lý, ứng dụng các công nghệ vào trong quá trình quản lý, giám sát thực thi pháp luật trong lĩnh vực TMĐT. Ông Đặng Hoàng Hải, Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, ngành Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành Ngân hàng để triển khai nền tảng uy tín của các doanh nghiệp, nhà bán hàng trong TMĐT nhằm đảm bảo thị trường minh bạch, chất lượng.
Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về những kết quả mà ngành TMĐT đạt được trong những năm qua, đặc biệt trong năm 2020?
TMĐT đang trở nên phổ biến ở Việt Nam và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Giai đoạn 2015 – 2019, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng TMĐT trung bình 38%/năm, cao thứ hai Đông Nam Á sau Indonesia.
Năm 2020, TMĐT Việt Nam có mức tăng trưởng 18%, là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng TMĐT 2 con số, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ đạt 11,8 tỷ USD, ước tính chiếm 5,5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước và khoảng 53% dân số tham gia mua bán trực tuyến. Dự kiến đến năm 2025, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam sẽ đạt 35 tỷ USD và tiếp tục duy trì đứng vị trí top 3 trong khu vực ASEAN.
Covid-19 đã ảnh hưởng lớn tới TMĐT, cụ thể, nhiều doanh nghiệp có kế hoạch triển khai và đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trên môi trường trực tuyến, người tiêu dùng dịch chuyển thói quen tiêu dùng và quan tâm nhiều hơn tới việc mua hàng qua TMĐT. Số lượng đơn hàng giao thương qua hình thức TMĐT gia tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước đó.
Tuy nhiên, với mặt hàng chủ yếu được giao dịch là các mặt hàng thiết yếu giá trị nhỏ, trong khi doanh thu các loại hình dịch vụ như du lịch (đặt phòng, vé máy bay, tour du lịch...), hoạt động vui chơi giải trí tụ tập đông người (xem phim)… sụt giảm mạnh, dẫn đến doanh thu TMĐT không tăng trưởng cao như dự kiến trước khi diễn ra dịch bệnh.
Trong phát triển TMĐT thời gian qua, thanh toán điện tử đã đáp ứng được yêu cầu hay chưa, thưa ông?
Việt Nam đang là một trong những thị trường tiềm năng với dân số đông, cơ cấu dân số trẻ, mức thu nhập và chất lượng cuộc sống ngày càng nâng cao, hơn 72% dân số sử dụng điện thoại di động trong đó có 70% kết nối internet. Điều đó minh chứng cho sự phát triển của TMĐT và thanh toán điện tử. Thanh toán điện tử hay thanh toán trực tuyến là một mô hình giao dịch không sử dụng tiền mặt đã phổ biến trên thế giới. Tại Việt Nam, thanh toán điện tử ra đời năm 2008 với mô hình đầu tiên là ví điện tử. Hiện có đến 80 công ty fintech đang hoạt động tại Việt Nam và 47% trong số đó là công ty cung cấp các dịch vụ thanh toán. Tuy nhiên, các công ty Fintech ở Việt Nam hiện nay có quy mô còn nhỏ, các chính sách của Chính phủ quy định dành cho những công ty này cũng còn hạn hẹp về đối tượng áp dụng và hạn chế về nghiệp vụ và độ phủ sóng do chi phí ban đầu cho hạ tầng công nghệ còn quá cao.
Thanh toán điện tử trong TMĐT tại Việt Nam từ lâu chiếm tỷ lệ khá thấp so với thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng (COD) do thói quen trả tiền mặt của người tiêu dùng Việt Nam. Tỷ lệ này chỉ tăng cao khi trong những năm gần đây, sự bùng nổ của các nền tảng ví điện tử, trung gian thanh toán, các ứng dụng ngân hàng đã được đầu tư, đáp ứng các nhu cầu về trải nghiệm của người tiêu dùng và đặc biệt là sự tác động của đại dịch Covid-19 đã thay đổi thói quen của người tiêu dùng khi chọn phương thức thanh toán điện tử thay vì thanh toán tiền mặt.
Hiện nay hình thức thanh toán trực tuyến còn gặp nhiều hạn chế như các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) có thể thực hiện không qua ngân hàng mà qua các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán manh mún hoặc qua mạng xã hội, giao dịch TTKDTM qua ngân hàng còn mất phí, tùy theo chính sách của từng ngân hàng và đặc biệt là tính bảo mật, đảm bảo an toàn gây tâm lý đắn đo cho người tiêu dùng.
Ông có nhận định gì về xu hướng TMĐT trong những năm tới và yêu cầu phát triển thanh toán điện tử để đáp ứng xu hướng này ra sao?
Covid-19 đã đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người tiêu dùng trở nên quen thuộc với việc mua sắm trực tuyến hơn. Dự kiến sắp tới, số lượng người tiêu dùng tiếp tục mua sắm những mặt hàng thiết yếu qua kênh TMĐT ngày càng gia tăng. Cùng với hạ tầng logistics đang ngày càng hiện đại, mở rộng về khu vực nông thôn, miền núi, người tiêu dùng ở những khu vực này sẽ dễ dàng tham gia mua sắm trực tuyến.
Trong những năm trở lại đây, những người tiêu dùng có thói quen mua sắm trong các siêu thị, trung tâm thương mại có xu hướng chuyển đổi từ việc thanh toán truyền thống sang thanh toán điện tử. Đặc biệt, trong bối cảnh phức tạp của dịch Covid-19, TMĐT trở thành một phương thức mua bán hữu hiệu không chỉ cho doanh nghiệp Việt mà còn mang đến nhiều cơ hội mới. Bên cạnh đó, ngành TMĐT phát triển kéo theo sự phát triển của thanh toán điện tử vì hàng hóa, sản phẩm được mua trên các sàn TMĐT 90% được thanh toán online thông qua thẻ ngân hàng. Mặc dù, Việt Nam cũng là một trong những nước bị ảnh hưởng bởi đại dịch thế kỷ nhưng các giao dịch qua Internet, điện thoại di động tăng trưởng đến 238% (Sách trắng TMĐT 2020 – Cục TMĐT và KTS), như vậy, lợi ích từ thanh toán điện tử là điều hiển nhiên không thể chối bỏ.
Xu hướng hạn chế sử dụng tiền mặt cũng sẽ dần trở nên phổ biến. Theo Sách trắng TMĐT Việt Nam 2020, 12% người tiêu dùng cho rằng cách thức thanh toán phức tạp là một trở ngại khi mua hàng trực tuyến. Các giải pháp thanh toán điện tử vừa đơn giản, dễ sử dụng, vừa đảm bảo tính bảo mật, an toàn sẽ được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Mới đây, dịch vụ Mobile – Money được đưa vào thí điểm sẽ giúp cho việc thanh toán những giao dịch giá trị nhỏ trở nên dễ dàng, thuận tiện, phù hợp với đối tượng khách hàng ở khu vực nông thôn.
Để đáp ứng được yêu cầu phát triển của thanh toán điện tử thì các ví điện tử, các ứng dụng công nghệ mới trong thanh toán, các mô hình fintech thì thanh toán điện tử trong TMĐT ngoài việc phải tối ưu về trải nghiệm người dùng, đảm bảo nhanh, tiện, đơn giản thì còn cần phải đề cao tính bảo mật của hệ thống, đảm bảo về an ninh thông tin của người tiêu dùng.
Trong kế hoạch phát triển TMĐT giai đoạn 2021 – 2025, một trong những hạ tầng trọng yếu để phát triển thị trường bền vững là Hạ tầng thanh toán điện tử trong TMĐT, xây dựng và chuyển đổi thói quen của người tiêu dùng và xã hội từ thanh toán tiền mặt, COD sang thanh toán điện tử. Để đạt mục tiêu này, trong năm 2021, Cục TMĐT và KTS cũng sẽ đẩy mạnh triển khai và hoàn thiện nền tảng tín nhiệm TMĐT, trong đó hệ thống thanh toán đảm bảo ESCROWN và giải quyết tranh chấp trực tuyến TrustOn theo mô hình giải quyết tranh chấp giữa người mua và người bán nhằm bảo vệ lợi ích của các bên trong giao dịch sẽ góp phần vào việc phát triển thanh toán điện tử.
Để đẩy nhanh phát triển TMĐT, đáp ứng nhu cầu phát triển, ngành Công thương sẽ phối hợp với ngành Ngân hàng như thế nào để phát triển ngành TMĐT nhanh và bền vững?
Theo Tập đoàn công nghệ Bkav, tại Việt Nam, nhiều trang TMĐT lớn, một số nền tảng giao hàng trực tuyến có nhiều người sử dụng đã bị xâm nhập và đánh cắp dữ liệu. Điều này cho thấy, an ninh, an toàn thông tin trong TMĐT là một vấn đề cần phải được dành sự quan tâm nghiêm túc. Do vậy, để đẩy mạnh thanh toán điện tử trong TMĐT, các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử cần phải tiếp tục nâng cấp, cải tiến công nghệ, đặc biệt là đảm bảo an toàn giao dịch, bảo mật thông tin khách hàng, duy trì hệ thống thanh toán hoạt động thông suốt.
Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm hàng hóa là rất quan trọng không chỉ trên thị trường mua bán trực tuyến mà còn cả ở phương thức mua bán truyền thống. Đây là yếu tố quyết định uy tín của bên bán trên thị trường. Bằng việc ứng dụng công nghệ số, trong tương lai gần, uy tín của bên bán hàng sẽ được Bộ Công thương ghi nhận trên từng giao dịch bán hàng dựa trên các tiêu chí đánh giá khác nhau mà ứng dụng thanh toán điện tử là một trong những tiêu chí quan trọng.
Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho TMĐT đáp ứng nhu cầu thay đổi của thị trường, bắt kịp với các xu hướng, mô hình mới của TMĐT trên thế giới và tại Việt Nam, điểm quan trọng trong kế hoạch phát triển TMĐT trong giai đoạn 5 năm tới sẽ là đổi mới mô hình quản lý, ứng dụng các công nghệ vào trong quá trình quản lý, giám sát thực thi pháp luật trong lĩnh vực TMĐT.
Cụ thể, các giải pháp về dữ liệu, đánh giá tín nhiệm các chủ thể trong TMĐT sẽ được triển khai, các giải pháp về quản lý, giải quyết khiếu nại điện tử sẽ là những nền tảng quan trọng được ứng dụng để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong khi tham gia giao dịch. Ngành Công thương sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành Ngân hàng để triển khai nền tảng uy tín của các doanh nghiệp, nhà bán hàng trong TMĐT nhằm đảm bảo thị trường minh bạch, chất lượng.
Trong thời gian tới, thực hiện Quyết định số 645/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/5/2020 phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, ngành Công thương cũng sẽ tiếp tục phối hợp với ngành Ngân hàng thực hiện các giải pháp để phát triển TMĐT. Như: Tiếp tục cải thiện khung khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các nền tảng thanh toán điện tử dựa trên ứng dụng công nghệ tiên tiến; Ban hành các chính sách, quy định và triển khai các giải pháp toàn diện nhằm tăng tỷ lệ thanh toán điện tử, thanh toán trên nền tảng di động trong giao dịch trực tuyến và giảm tỷ lệ sử dụng tiền mặt, phương thức giao hàng nhận tiền (COD) trong TMĐT; Phát triển các hạ tầng, giải pháp hỗ trợ giao dịch điện tử tích hợp thanh toán trong TMĐT; chú trọng phát triển các tiện ích thanh toán trên nền tảng di động, ví điện tử, mã QR code, NFC, POS...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận