24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Huỳnh Dương Bốn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT) đẩy mạnh tái cơ cấu cấu nguồn vốn

Trả lời Báo Đầu tư chứng khoán, ông Nguyễn Thanh Ngữ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar:  mã chứng khoán SBT - sàn HOSE) cho biết, Công ty đã có kế hoạch và đang nỗ lực tìm kiếm, hợp tác với các đối tác chiến lược nhằm tiếp tục hỗ trợ tái cấu trúc vốn trong thời gian tới. 

Được biết, Công ty đang lấy ý kiến cổ đông thông qua kế hoạch phát hành 2.400 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi. Xin cho hỏi, nguồn vốn huy động thêm từ đợt phát hành này sẽ được SBT phân bổ ra sao và đầu tư thế nào để mang lại hiệu quả?

Hiện tại, toàn bộ nguồn vốn huy động được sẽ được Công ty sử dụng để tái cơ cấu cấu nguồn vốn theo hướng giảm Nợ ngắn hạn và tăng Nợ dài hạn nhằm giảm bớt gánh nặng lãi vay.

Đây thực sự là một nỗ lực để cải thiện hiệu quả của cơ cấu vốn của Công ty theo hướng bền vững và đảm bảo nguồn lực ổn định cho quá trình phát triển dài hạn.

Ngoài ra, Công ty cũng đã có kế hoạch và đang nỗ lực tìm kiếm, hợp tác với các đối tác chiến lược nhằm tiếp tục hỗ trợ tái cấu trúc vốn.

Cụ thể, ngày 26/7/2019 vừa qua, SBT đã chính thức công bố việc DEG - một trong những tổ chức tài chính phát triển tên tuổi của châu Âu do Chính phủ Đức sở hữu - đầu tư chiến lược vào SBT 649 tỷ đồng dưới dạng cổ phiếu ưu đãi cổ tức có quyền chuyển đổi, với giá 30.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 84% so với giá thị trường của SBT vào ngày 25/7/2019.

Khoản đầu tư từ DEG dự kiến được giải ngân vào tháng 9/2019 kỳ vọng tiếp tục góp phần lớn trong quá trình chuyển dịch cơ cấu vốn theo hướng dài hạn.

Những bước chuyển dịch mạnh mẽ trong cơ cấu nợ vay cho thấy Công ty đã và đang theo đúng lộ trình cơ cấu lại đòn cân nợ theo chiều hướng tích cực, qua đó góp phần làm gia tăng hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh.

Các vấn đề liên quan đến giá chuyển đổi, tỷ lệ chuyển đổi, thời điểm chuyển đổi giá cổ phiếu, điều chỉnh giá chuyển đổi (chống pha loãng) sẽ được SBT tính toán ra sao, thưa ông?

Liên quan tới việc phát hành cổ phiếu ưu đãi cổ tức có quyền chuyển đổi, một số thông tin liên quan bao gồm: Giá chuyển đổi sẽ do Công ty và DEG quyết định tại thời điểm chuyển đổi và không vượt quá 38.000 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu ưu đãi sẽ bị hạn chế chuyển nhượng tối thiểu 1 năm kể từ ngày phát hành.

Thời gian ưu đãi cổ tức của cổ phiếu ưu đãi sẽ được kéo dài 6,5 năm, với mức cổ tức cố định là 5,5%/năm trong 1,5 năm đầu tiên, và các năm tiếp theo sẽ theo thỏa thuận giữa Công ty và DEG.

Thời hạn chuyển đổi sẽ theo yêu cầu của nhà đầu tư vào bất kỳ thời điểm sau ngày phát hành. Tỷ lệ chuyển đổi sẽ do HĐQT quyết định tại thời điểm chuyển đổi. Việc điều chỉnh giá sẽ được thực hiện theo đúng quy định của Luật Chứng khoán.

Vậy tiến độ giải ngân khoản đầu tư trên ra sao và số tiền thu được sẽ được Công ty sử dụng vào đâu, thưa ông?

Khoản đầu tư này dự kiến giải ngân trong tháng 9/2019. Số tiền thu được từ bán cổ phần cho DEG dự kiến được sử dụng để đầu tư chiến lược vào mảng kinh doanh mía đường của TTC Attapeu. Đây là dự án tại Lào được TTC Sugar mua lại của Hoàng Anh Gia Lai.

Với khoản đầu tư này, TTC Sugar thực hiện mục tiêu cơ giới hóa, mở rộng sản xuất đường hữu cơ (đường organic) tại TTC Attapeu.

Việc SBT mua 41,65% của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Tân Định (Tadimex) cũng đồng nghĩa với việc Công ty sẽ lấn sân sang lĩnh vực bất động sản. Trong khi đó, Tập đoàn TTC đã có TTC Land chuyên về lĩnh vực này?

Nhằm đáp ứng mục tiêu chiến lược đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng đem lại lợi nhuận kinh tế lâu dài thì việc đầu tư vào Tadimex có thể xem là một quyết định mang tính dài hạn giúp SBT gia tăng tài sản tích lũy và đa dạng hóa nguồn thu và lợi nhuận.

SBT đã chủ trương định hướng phát triển chuỗi nông nghiệp sạch công nghệ cao để tối ưu hóa nguồn doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể về kế hoạch này ra sao, thưa ông?

Ngay từ đầu, TTC Sugar định hướng xây dựng chuỗi nông nghiệp sạch công nghệ cao là phù hợp với xu hướng của thế giới, mang đến những giá trị bền vững cho doanh nghiệp, người nông dân, môi trường, an sinh xã hội… Từ đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành đường Việt Nam.

Bên cạnh áp dụng cơ giới hóa, TTC Sugar đẩy mạnh nghiên cứu triển khai nhiều giải pháp canh tác xanh theo hướng bền vững, trong đó chú trọng đưa sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh vào quá trình chăm sóc cây mía. Sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh giúp cây mía nâng cao sức đề kháng, tăng năng suất và bảo vệ môi trường, cải tạo đất.

Ngoài ra, việc tận dụng ong mắt đỏ vào công tác phòng trừ sâu bệnh cho mía thay cho các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật được đánh giá là giải pháp mang tính đột phá. Công ty cổ phần Nghiên cứu Ứng dụng mía đường Thành Thành Công (SRDC) thuộc TTC Sugar đã đầu tư nghiên cứu giá trị của biện pháp sinh học từ loài ong mắt đỏ.

Niên vụ 2016 - 2017, SRDC nhân nuôi và thả ong mắt đỏ trên 200 ha diện tích nông trường khu vực tỉnh Tây Ninh và 300 ha diện tích canh tác mía hữu cơ của TTC Attapeu (Lào). Kết quả đạt được hết sức khả quan khi mức độ thiệt hại do sâu đục thân gây ra giảm rõ rệt, được các nông trường đánh giá cao.

Từ những tín hiệu khả quan ban đầu, SRDC đã cải tiến, dần hoàn thiện phương pháp nhân nuôi ngài gạo để lấy trứng nhân nuôi ong mắt đỏ, cũng như phương pháp tồn trữ, phương pháp cho ký sinh và phương pháp thả ong trên ruộng.

Đến nay, SRDC có thể sản xuất được số lượng rất lớn ong mắt đỏ vừa cạnh tranh về chi phí vừa thân thiện môi trường so với việc sử dụng thuốc trừ sâu. Với sự cải tiến này, SRDC có đủ năng lực cung cấp ong mắt đỏ cho 7.000 ha mía trong niên độ 2018 - 2019 và đạt trên 40.000 hecta từ niên độ tiếp theo.

Đồng thời, sở hữu nguồn nguyên liệu dồi dào từ quá trình sản xuất mía là bã bùn, TTC Sugar đánh giá việc sản xuất phân hữu cơ vi sinh sẽ góp phần tối ưu hóa chuỗi giá trị của ngành. Trước bối cảnh nhu cầu phân hữu cơ vi sinh đang rất lớn, tổng nhu cầu phân hữu cơ vi sinh của nước ta khoảng 13 triệu tấn, trong khi sản xuất chỉ được đáp ứng 30%.

Phân hữu cơ vi sinh được nhà nước khuyến khích sử dụng vì không chỉ cung cấp đủ các yếu tố dinh dưỡng khoáng đa lượng, trung lượng, vi lượng cho cây trồng, hòa tan các chất vô cơ trong đất thành chất dinh dưỡng mà còn giúp bồi dưỡng, cải tạo, nâng cao độ phì nhiêu, tăng lượng mùn làm đất tơi xốp, không bị bạc màu.

Việc sử dụng loại phân bón này có ý nghĩa tích cực trong việc giảm thiểu tác hại của hóa chất lên nông sản do lạm dụng hóa chất như phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, giúp bảo vệ môi trường, hướng tới sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững.

Đầu năm 2019, TTC Sugar đã hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh với công suất 34.000 tấn/năm tại Tây Ninh. Dự kiến cuối năm nay, Công ty sẽ giới thiệu và cung cấp sản phẩm phân hữu cơ thương hiệu TTC Sugar ra thị trường.

Với lợi thế chi phí đầu tư cơ bản không quá cao và nguồn nguyên liệu đầu vào dồi dào, doanh thu mảng sản xuất phân hữu cơ vi sinh dự kiến mang về cho TTC Sugar ước tính lên đến 100 tỷ đồng, hứa hẹn trở thành đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực phân bón hữu cơ vi sinh.

Việc bổ sung thêm 11 ngành nghề mới liệu có pha loãng mảng cốt lõi mía đường của Công ty?

Với 24 năm kinh nghiệm trong việc canh tác cơ giới hóa liên hợp, áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ cơ giới mới nhất vào sản xuất, kết hợp với những lợi thế sẵn có trong lĩnh vực kinh doanh máy móc nông nghiệp, đồng thời tối ưu hóa thế mạnh Vùng nguyên liệu gần 70.000 ha tại 3 nước Đông Dương; Ban Lãnh đạo SBT đã chủ trương định hướng phát triển chuỗi nông nghiệp sạch công nghệ cao để tối ưu hóa nguồn Doanh thu và Lợi nhuận.

SBT hiện đang trong quá trình đàm phán để thực hiện liên kết và hợp tác với một số Tập đoàn lớn trong khu vực châu Á về lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi nhằm tận dụng lợi thế của các bên. Việc này trên thực tế sẽ giúp Công ty rút ngắn thời gian nghiên cứu khi đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt chăn nuôi khác bên cạnh mảng kinh doanh chính vẫn là mía đường.

Dự kiến tới niên độ 2020 - 2021, cơ cấu doanh thu của các sản phẩm cạnh đường - sau đường sẽ tăng lên và chiếm 30% tổng doanh thu so với 15% của niên độ 2018 – 2019 của Công ty. Mục tiêu này có tham vọng?

Trong bối cảnh ngành Đường vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Công ty đã và đang tập trung nguồn lực để đẩy mạnh chiến lược mở rộng thị phần, phát triển hệ thống phân phối.

Theo đó, việc tái đầu tư phát triển các sản phẩm cạnh đường và sau đường là hoàn toàn cần thiết. Công ty cần triển khai đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty. Công ty quyết định chuyển sang tập trung phát triển thêm các sản phẩm cạnh đường và sau đường đem lại tiềm năng lợi nhuận cao.

Hội nhập ATIGA được xem là áp lực lớn cho mía đường Việt Nam, song cạnh tranh sẽ mang lại tiện ích cho người tiêu dùng. Với SBT đã có sự chuẩn bị kỹ cho lộ trình hội nhập này ra sao để có thể cạnh tranh được với đường Thái giá rẻ tràn vào thị trường nội địa?

Trước bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, TTC Sugar đã chuẩn bị kỹ lưỡng từ nhiều năm nay, kiện toàn hoạt động trên mọi lĩnh vực. Theo đó, TTC Sugar có 9 nhà máy với tổng diện tích mía gần 60.000 ha tại các tỉnh thành trong nước và khu vực Đông Dương; tổng công suất mía khoảng 48.000 tấn mía mỗi ngày, năng lực sản xuất hơn 542.000 tấn đường thành phẩm/năm.

Ngành đường TTC hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh công nghiệp (B2B) và kinh doanh tiêu dùng (B2C) với hơn 40 danh mục sản phẩm Đường, đáp ứng đa dạng các kênh khách hàng nội địa cũng như hơn 17 thị trường xuất khẩu - trong đó có những thị trường rất khắt khe về kiểm định chất lượng như Mỹ, Úc, châu Âu, Singapore…

Với tiêu chí “Sạch” và “Vì sức khỏe người tiêu dùng”, sản phẩm đường Organic của TTC Sugar mang lợi thế cạnh tranh đặc biệt, được xuất khẩu sang châu Âu thông qua việc hợp tác cùng công ty ED&F Man.

Ngoài sản phẩm chính từ cây mía là đường, TTC Sugar còn khai thác các sản phẩm cạnh đường - sau đường, như: mật rỉ (nguyên liệu sản xuất cồn sinh học, xăng ethanol E5), điện thương phẩm, phân vi sinh hữu cơ, nước đóng chai nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và thân thiện môi trường. TTC Sugar đang dẫn đầu trong công suất sản xuất điện sinh khối, phát lên lưới 132 MW.

Giai đoạn tới, TTC Sugar sẽ tập trung tăng thị phần, giảm giá thành, phát triển các sản phẩm cạnh đường và sau đường, đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao. TTC Sugar xem đây là những chiến lược cần thiết để phát triển bền vững ngành đường.

Trong thời gian qua, SBT đã M&A không ít doanh nghiệp mía đường trong nước và thậm chí còn tiếp quản cả đơn vị tổng hợp mía đường, cồn, điện của BIDV tại Campuchia. Hiện nhà máy này đã được cải tổ và phát triển đến đâu?

Hiện tại dự án KCVL đang được thực hiện. Lũy kế tới tuần 2 tháng 8/2019, dự án đang tới giai đoạn trồng mía giống bằng phương pháp trồng đông đặc và trồng băng theo kỹ thuật mới.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
11.80 -0.05 (-0.42%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả