Thành phố Thủ Đức cần làm gì để bứt phá?
Thành phố Thủ Đức cần có cơ chế đặc thù và đẩy nhanh các dự án hạ tầng để sớm bứt phá trở thành "hạt nhân" thúc đẩy kinh tế TPHCM và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.
Hạ tầng “đi trước một bước”
Hạ tầng giao thông Thành phố Thủ Đức đã được đầu tư tương đối đồng bộ gồm tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, Quốc lộ 1, xa lộ Hà Nội… Thế nhưng, còn nhiều dự án chậm triển khai hoặc thi công dang dở nhiều năm qua như: Cầu Nam Lý, cầu Tăng Long, dự án đường Vành đai 2, Vành đai 3,...
Ông Hoàng Tùng - Chủ tịch UBND Thành phố Thủ Đức - cho biết rất lo lắng về tiến độ các dự án giao thông trên địa bàn Thành phố Thủ Đức. Qua rà soát, trên địa bàn Thành phố Thủ Đức có 11 dự án giao thông có thể đẩy nhanh tiến độ nhưng vướng mắc về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và thay đổi chủ đầu tư. Trong đó, việc khó nhất là chưa có mặt bằng "sạch" để bàn giao cho chủ đầu tư thi công.
"Tiền thì TPHCM đã cấp nhưng vướng bồi thường kẹt từ năm này sang năm khác. Việc này cần cả hệ thống chính trị vào cuộc để tìm hiểu nguyên nhân và đề xuất giải pháp. Phải có cơ chế đặc biệt nghiên cứu về bồi thường để giải quyết nhanh các dự án hạ tầng. Đây là vướng chung của TPHCM chứ không riêng Thủ Đức" - ông Hoàng Tùng nói.
Theo ông Hoàng Tùng, lãnh đạo Thành phố Thủ Đức đã đăng ký làm việc với các sở, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn, tăng tốc các dự án hạ tầng trong năm nay.
Về vấn đề hạ tầng giao thông cho Thành phố Thủ Đức, ông Phan Công Bằng - Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết sẽ tập trung nguồn lực để ưu tiên đầu tư các dự án then chốt, tháo gỡ điểm nghẽn như: Khép kín đường Vành đai 2, Vành đai 3; mở rộng đường Lã Xuân Oai, Nguyễn Duy Trinh, cải tạo nút giao An Phú, Mỹ Thủy, Thủ Đức...
Tổng nguồn vốn để hoàn thiện giao thông Thành phố Thủ Đức trong 10 năm tới ước tính khoảng 300.000 tỉ đồng, huy động từ ngân sách thành phố và các nguồn khác (Trung ương, xã hội hóa, ODA...).
Ông Bằng nhấn mạnh các dự án có vai trò kết nối liên vùng như Vành đai 2, Vành đai 3, Nguyễn Duy Trinh phải được ưu tiên đầu tư để “đi trước một bước”. Vì thế, theo ông, công tác giải phóng mặt bằng cần được đẩy nhanh để các dự án hoàn thành đúng tiến độ, tránh tình trạng dự án thi công dang dở vì vướng mặt bằng như dự án cầu Nam Lý, cầu Tăng Long…
Cần cơ chế đặc thù
Theo ông Hoàng Tùng, sắp tới, việc đề xuất cơ chế đặc thù cho Thành phố Thủ Đức là ưu tiên hàng đầu. Ông Tùng cho biết thêm, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu tháng 4.2021 phải có đề án trình Trung ương. Trong đó, đề xuất tăng thêm 1 Phó Chủ tịch UBND Thành phố Thủ Đức và tăng thêm 1 Phòng Khoa học - Công nghệ.
Ông Hoàng Tùng nhấn mạnh cơ chế đặc thù là vô cùng quan trọng đối với Thành phố Thủ Đức. Ông dẫn chứng việc cấp giấy phép xây dựng 3 quận cũ (2, 9 , Thủ Đức) cộng lại 1 năm khoảng hơn 11.000 giấy phép. Bình thường Phó Chủ tịch UBND Thành phố Thủ Đức ký thì chỉ ký giấy phép thôi cũng không còn thời gian giải quyết công việc khác.
"Công việc này trước đây có tới 3 người phụ trách (3 Phó Chủ tịch 3 quận cũ- PV) nhưng nay chỉ còn 1 người thì hết sức khó khăn. Đó là chưa kể các lĩnh vực khác như hộ tịch, tư pháp..." - ông Tùng nói.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, TPHCM sẽ kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định riêng, quy định cụ thể các lĩnh vực liên quan cho Thành phố Thủ Đức. Các cơ chế, chính sách đặc thù được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu, rà soát pháp lý chặt chẽ, đánh giá tác động kỹ lưỡng, tạo điều kiện cho Thành phố Thủ Đức trở thành đô thị sáng tạo tương tác cao, có vai trò là “hạt nhân” thúc đẩy, dẫn dắt sự phát triển kinh tế xã hội của TPHCM nói riêng và của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
“Khi các chính sách đặc thù chưa thể triển khai, TPHCM sẽ vận dụng những điều kiện tốt nhất cho Thành phố Thủ Đức” - ông Phong khẳng định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận