Thành phố Hải Phòng chuyển mình bứt phá mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực
Thành phố Hải Phòng đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ là thành phố công nghiệp hiện đại; là trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước và trở thành trung tâm du lịch quốc tế.
Đến năm 2025, thành phố Hải Phòng hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại.
Thành phố sẽ là trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước; là trung tâm du lịch quốc tế; hoàn thành các tiêu chí đô thị loại I; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được giữ vững; có tổ chức đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tạo nền tảng vững chắc để trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á vào năm 2030.
Để đạt được mục tiêu này, Hải Phòng đã và đang chuyển mình bứt phá mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực.
Từ hiện đại hóa đô thị
Nhờ công tác quy hoạch được quản lý chặt chẽ, việc phát triển đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư mạnh mẽ nên các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu của Hải Phòng đều tăng trưởng cao, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra.
Tốc độ tăng trưởng (GRDP) bình quân 5 năm 2016-2020 đạt 14,02%. GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 5.863 USD.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 408.498 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 120.698 tỷ đồng, gấp 2,65 lần giai đoạn 2011-2015.
Tổng chi ngân sách tăng cao, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 50.943 tỷ đồng, gấp 4,7 lần so với giai đoạn 2011-2015.
Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hải Phòng Hà Văn Trường cho biết, trong năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19 tới tình hình kinh tế-xã hội, nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, địa phương, đặc biệt là sự ủng hộ của các doanh nghiệp và người nộp thuế trên địa bàn, tính đến ngày 31/12/2020, tổng thu nội địa của Hải Phòng đã vượt mốc 31.368 tỷ, đạt 32.589 tỷ đồng, đạt 105,5% dự toán pháp lệnh, 98,8% dự toán phấn đấu Hội đồng nhân dân thành phố, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước.
Chị Phạm Oanh, 46 tuổi, ở phường Tân Hưng, quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh trở về thăm quê hương Hải Phòng trong dịp Tết Dương lịch 2021 đã ngỡ ngàng trước sự đổi thay về diện mạo đô thị khang trang, hiện đại, về đời sống của người dân được quan tâm, cải thiện đáng kể...
Những gì đang hiện hữu trước mắt của một người con xa xứ như trong mơ. Chị Phạm Oanh mong một ngày không xa được quay về sinh sống tại quê hương Hải Phòng-thành phố văn minh và đáng sống.
Trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành cho rằng, hướng xây dựng, phát triển, hiện đại hóa đô thị Hải Phòng phải mang đặc trưng, bản sắc riêng của thành phố cảng biển.
Thành phố sẽ bố trí nguồn lực hợp lý để tiếp tục đẩy mạnh chỉnh trang, nâng cấp đô thị trung tâm, nhất là các khu đô thị dọc theo các dòng sông chảy qua nội đô, tạo thành các cảnh quan và công trình công cộng phúc lợi xã hội có giá trị văn hóa cao.
Thành phố tiếp tục bố trí nguồn ngân sách hợp lý và huy động nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng các khu chung cư mới thay thế các khu chung cư cũ còn lại, hoàn thành toàn bộ vào năm 2025.
Cơ bản hoàn thành các công trình, dự án lớn trong quy hoạch phát triển không gian đô thị theo 3 hướng đột phá (Bắc sông Cấm, Cát Hải-Cát Bà, Đồ Sơn và ven sông Lạch Tray).
Song song với việc tập trung đầu tư hạ tầng kinh tế-xã hội, triển khai các thủ tục pháp lý để chuyển đổi huyện Thủy Nguyên thành thành phố trực thuộc thành phố, huyện An Dương thành đơn vị hành chính quận trước năm 2025; chuyển đổi huyện Kiến Thụy thành đơn vị hành chính quận trước năm 2030, Hải Phòng quan tâm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết nối, tạo môi trường thuận lợi khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nguồn lực nhằm hiện đại hóa hạ tầng kinh tế-xã hội quận Dương Kinh và quận Kiến An, bảo đảm đồng bộ với tiến trình và tốc độ phát triển đô thị thành phố.
Thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng đang triển khai trên địa bàn, đồng thời khẩn trương triển khai các dự án, công trình mới như mở rộng cảng hàng không quốc tế Cát Bi, cầu Nguyễn Trãi, cầu Vũ Yên II, cầu Bến Rừng, cầu Rào III, tuyến đường mới kết nối từ trung tâm thành phố đi Đồ Sơn, các tuyến đường vành đai 2, vành đai 3, các bến mới tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng.
Hải Phòng tiếp tục đề nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương và cho triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Hải Phòng-Hà Nội-Lào Cai; phấn đấu đến năm 2025 có hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, liên hoàn, xứng đáng là trung tâm giao thương quốc tế, là động lực phát triển kinh tế của cả nước.
Đến thu hút nguồn lực đầu tư mạnh mẽ
Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ. Nguồn lực đầu tư được tập trung phát triển các lĩnh vực kinh tế trọng yếu theo đúng định hướng; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, công nghiệp công nghệ cao, cảng biển, Logistics, dịch vụ-du lịch đều có bước phát triển đột phá...
Đây chính là "thỏi nam châm" có sức hút đủ mạnh đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước chọn Hải Phòng làm "bến đỗ."
Là cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trực tiếp đối với các khu công nghiệp, khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải trên địa bàn thành phố Hải Phòng và tổ chức cung cấp dịch vụ hành chính công, dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh cho nhà đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã và đang tập trung rà soát, nâng cao chất lượng quản lý, tổ chức thực hiện các thủ tục hành chính tại Ban theo hướng tinh gọn, hiệu quả, một đầu mối.
Ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng chia sẻ, với phương châm đồng hành, hỗ trợ, phục vụ doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhằm sẵn sàng các điều kiện để thu hút làn sóng đầu tư mới chuyển dịch đến Việt Nam mà Hải Phòng là địa phương có nhiều lợi thế.
Với 3 mục tiêu trọng tâm là giảm thủ tục, giảm thời gian và giảm chi phí, bên cạnh đó, Ban Quản lý Khu kinh tế sẽ tập trung nghiên cứu, tham mưu đề xuất việc điều chỉnh quy hoạch mở rộng không gian, bổ sung tính chất trong Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải và một số Khu công nghiệp để tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư theo đúng định hướng phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp công nghệ cao của thành phố.
Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, năm 2020, các Khu công nghiệp, Khu kinh tế thu hút 39 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cấp mới với số vốn hơn 1.100 triệu USD, 25 dự án FDI điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng thêm hơn 428 triệu USD, tổng vốn thu hút đạt gần 1.530 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, đạt 102% kế hoạch.
Lũy kế đến ngày 31/12/2020, các Khu công nghiệp, Khu kinh tế thu hút 400 dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 16.250 triệu USD.
Đối với thu hút đầu tư trong nước, các Khu công nghiệp, Khu kinh tế thu hút được 10 dự án cấp mới với số vốn hơn 1.190 tỷ VND, 3 dự án điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng thêm hơn 600 tỷ VND, tổng vốn thu hút đạt hơn 1.800 tỷ VND.
Lũy kế đến ngày 31/12/2020, các Khu công nghiệp, Khu kinh tế thu hút 167 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư gần 145.885 tỷ VND...
Và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu
Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới được thành phố Hải Phòng quan tâm đầu tư, đẩy nhanh tiến độ. Tổng vốn huy động xây dựng nông thôn mới 5 năm qua đạt 40.396 tỷ đồng, gấp 2,5 lần giai đoạn 2010-2015; đã hình thành mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao.
Thành phố đã ban hành cơ chế hỗ trợ xi măng, nhân dân đóng góp vật tư, nhân công, mặt bằng hoàn thành xây dựng hơn 5.000 km đường thôn xóm, đường nội đồng.
Đến năm 2019, 100% số xã của Hải Phòng hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, ngày 8/10/2020, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1531/QĐ-TTg công nhận huyện Cát Hải đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019.
Huyện An Dương cũng là địa phương đi đầu trong xây dựng nông thôn mới của Hải Phòng.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện An Dương Lê Văn Cường chia sẻ, quan tâm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo Nghị quyết số 06-NQ/TU của Thành uỷ Hải Phòng về xây dựng nông thôn mới Hải Phòng đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; Quyết định số 575/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng về phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017-2020.
Huyện ủy An Dương đã ban hành Nghị quyết và xây dựng Đề án thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện giai đoạn 2010-2020 gắn với phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái.
Qua 5 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, tổng nguồn lực thực hiện chương trình trên 760 tỷ đồng; năm 2015 số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn huyện là 4/15 xã đạt 26%, đến hết năm 2018, là huyện đầu tiên có 100% số xã được công nhận xã nông thôn mới, hoàn thành trước 2 năm theo kế hoạch của thành phố, là huyện thứ 2 của Hải Phòng cơ bản hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới, đang hoàn thiện hồ sơ trình xét công nhận huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới trong năm 2020.
Huyện An Dương cũng đã tiếp nhận 77.451 tấn xi măng, làm 460 km đường giao thông nông thôn, nhân dân đóng góp 239 tỷ đồng, hiến tặng 67.438m2 đất, 67/132 thôn (50,7%) đạt tiêu chí thôn nông thôn mới kiểu mẫu; tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, năm 2015 là 2,42%, năm 2020 còn 0,7%, đứng đầu khối huyện; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 58 triệu đồng/người/năm, tăng 20 triệu đồng so với năm 2015...
Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, phù hợp với quá trình đô thị hóa, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, là hướng đi vững chắc của Hải Phòng trong thời gian tới.
Theo đó, Hải Phòng ban hành, thực hiện cơ chế, chính sách đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, quyết tâm đến năm 2025, 100% số xã cơ bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Ưu tiên việc huy động nguồn lực để đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, hình thành thêm nhiều khu sản xuất nông nghiệp tập trung, sử dụng công nghệ cao, sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, có giá trị thương phẩm cao.
Thành phố có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, khai thác tiềm năng du lịch của đảo Bạch Long Vỹ, tranh thủ nguồn vốn của Trung ương để hoàn thành xây dựng trung tâm nghề cá, dịch vụ hậu cần nghề cá, tìm kiếm cứu nạn khu vực phía Bắc đảo Bạch Long Vỹ.
Có thể khẳng định, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ thành phố Hải Phòng, được sự lãnh đạo, giúp đỡ của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Hải Phòng đã phát huy truyền thống "Trung dũng-Quyết thắng", nỗ lực đổi mới, dám nghĩ, dám làm, khơi dậy được sức mạnh của toàn dân, thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Trung ương và thành phố, đưa Hải Phòng bước vào thời kỳ phát triển mới với những dấu ấn mới./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận