Thanh khoản trên sàn chứng khoán tụt sâu, có đáng lo?
Tăng trưởng kinh tế khó có thể đạt được con số tích cực ở quý III khi hầu hết các ngành nghề đều chịu ảnh hưởng bởi dịch khiến nhiều nhà đầu tư lựa chọn đứng ngoài quan sát.
“Nhà đầu tư lựa chọn đứng ngoài quan sát là điều hợp lý”
Từ đầu tháng 7/2021 đến nay, sự thận trọng trong giao dịch của các nhà đầu tư đã kéo thanh khoản thị trường giảm mạnh. Thanh khoản phiên hôm nay (28/7) tiếp tục rơi sâu với 16.000 tỷ đồng giao dịch trên ba sàn. Giá trị giao dịch khớp lệnh riêng trên sàn HoSE đạt 11.500 tỷ đồng, cũng là mức thấp nhất trong vòng gần 6 tháng qua kể từ đầu tháng 2/2021.
Chia sẻ tại buổi Toạ đàm “Nhận diện cơ hội Thị trường Chứng khoán nửa cuối năm 2021” do Báo Đầu tư Chứng khoán tổ chức, bà Nguyễn Thị Phươang Lam, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Rồng Việt, đánh giá việc các nhà đầu tư lựa chọn đứng ngoài quan sát thời gian qua là điều hợp lý. Bởi trong quý III/2021, tăng trưởng kinh tế khó có thể đạt được con số tích cực, khi hầu hết các ngành nghề đều chịu ảnh hưởng. Thị trường chứng khoán đang đón đợi quý tới với kết quả tăng trưởng không mấy khả quan.
“Nếu nhìn tiêu cực, bên mua không dám mua, nhưng nhìn ở góc độ tích cực cho thấy, bên bán cũng không muốn bán, mà chờ vào sự ổn định của nền kinh tế’, trưởng bộ phận phân tích của VDSC cho hay. Đồng quan điểm, ông Lê Quang Minh, Giám đốc Phân tích đầu tư, CTCK Mirae Asset Việt Nam cũng cho rằng dịch bệnh đã làm thay đổi kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư, ảnh hưởng tâm lý và quyết dịnh giải ngân. Trước đó, CTCK Mirae Asset Việt Nam cũng là bên sớm đưa ra dự báo về xu hướng điều chỉnh của thị trường. Lý do bởi P/E của VN-Index khi đó đã ở mức cao (19,3 lần), gần tiệm cận đường trung bình cộng 2 độ lệch chuẩn (20lần). Vùng đỉnh định giá trước đây được thiết lập vào tháng 4/2018 là tại mức P/E 22 lần, việc điều chỉnh do đó cũng bình thường. Theo ông Minh, tiền trong dân vẫn rất nhiều. Nếu có thể kiểm soát được dịch bệnh tại các thành phố lớn trong tháng 8 thì dòng tiền sẽ sớm quay trở lại.
Giá trị giao dịch bình quân phiên trong tháng 7 vừa qua giảm mạnh so với bình quân nửa đầu năm (18.354 tỷ đồng/phiên). Tuy nhiên, nếu nhìn xa hơn vào lịch sử hoạt động của sàn chứng khoán Việt Nam, mức giao dịch hiện nay vẫn gấp 3-4 lần thanh khoản bình quân mỗi phiên các năm 2020 (4.693 tỷ đồng), 2019 (3.928 tỷ đồng) hay khoảng thời gian thị trường giao dịch sôi động hồi năm 2018 (5.393 tỷ đồng).
Ông Lê Anh Tuấn - Phó Giám đốc Đầu tư Công ty Dragon Capital còn cho rằng mức thanh khoản 25.000 - 30.000 tỷ đồng một phiên tương đương với 130-160% tổng giá trị vốn hoá thị trường HoSE là không thực tế và khó đạt được tại các sàn chứng khoán thế giới.
Theo ông Tuấn, mức trên khó ổn định trong thời gian dài. Thanh khoản HoSE ở mức 15.000-17.000 tỷ tương đương với 80% vốn hoá là hợp lý và nên ổn định ở mức này. Dù thanh khoản không bằng giai đoạn trước nhưng ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam cũng chỉ ra những dấu hiệu tích cực của dòng tiền. Cụ thể, số lượng tài khoản mở mới vẫn tăng lên, lượng tiền sẵn trong tài khoản của nhà đầu lớn vẫn nhiều hay việc không xuất hiện nhiều hiện tượng giải chấp khi tỷ trọng margin cao.
Cơ hội tốt mua vào khi thị trường điều chỉnh
Đưa ra dự báo về thị trường chứng khoán cuối năm 2021, ông Nguyễn Sơn - người đã đi cùng thị trường từ những ngày đầu và nhiều năm giữ vị trí Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nêu ra hai vấn đề tác động tới nền kinh tế và triển vọng thị trường chứng khoán. Điều đầu tiên cũng là những lo lắng thường trực của giới đầu tư thời gian này là khả năng kiểm soát dịch bệnh. Ở một kịch bản tương đối thận trọng, ông Sơn lo ngại về khả năng phải hết quý III mới có thể kiểm soát dịch. “Nếu chậm trễ về miễn dịch cộng đồng cũng như giữ nguyên tốc độ tiêm chủng hiện tại, GDP của Việt Nam có thể giảm xuống 5,1%”.
Thứ hai, kiểm soát dịch bệnh có thể ảnh hưởng đến hoạt động doanh nghiệp. Khâu xử lý trong chuỗi đứt gãy cung ứng cho các doanh nghiệp, cho người lao động cần mất thời gian. Tất nhiên, Chính phủ hiện đã có các chính sách hỗ trợ như gói 26.000 tỷ đồng, nâng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng để cấp vốn cho doanh nghiệp, vấn đề tiếp cận tín dụng ngân hàng…
Thị trường chứng khoán xảy ra đợt điều chỉnh như thời gian qua là điều chắc chắn sẽ xảy đến sau khi chỉ số đã tăng mạnh trong quý II trước đó. Tuy vậy, ông Sơn cũng cho rằng sự điều chỉnh xảy ra khi dịch bệnh bùng phát, đến cuối năm sẽ tốt hơn.
Tốc độ tiêm chủng vắc xin cũng là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến tâm ý nhà đầu tư đại diện từ VDSC chỉ ra. Theo bà Phương Lam, nếu tốc độ tiêm tại các thành phố lớn được đẩy mạnh, thị trường chứng khoán sẽ sớm hồi phục. Nhiều cổ phiếu sau đợt điều chỉnh vừa rồi đã về mức hấp dẫn và là cơ hội cho nhà đầu tư mua.
Ông Lê Anh Tuấn còn cho rằng nếu xét kỹ hơn về định giá năm 2021, với tăng trưởng lợi nhuận 35-40%, PE chỉ còn khoảng 14-15 lần. Năm 2022, tăng trưởng lợi nhuận 22-25% thì PE còn 11,5-12 lần, so với PE trung bình thị trường 15-16 lần thì còn cách rất xa, còn hấp dẫn. Có vài công ty trên sàn có định giá so với trung bình toàn thị trường, nhưng tổng thể 11-12 lần PE thì không đắt.
“Nếu tin vào tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 như trên, thì vùng 1.200 - 1.250 điểm là vùng quan tâm, có thể xuống tiền mua cổ phiếu doanh nghiệp tốt”, đại diện Phó Giám đốc Đầu tư Công ty Dragon Capital nêu. Cũng chung nhận định này, ông Lê Quang Minh cho rằng vùng 1200 điểm là cơ hội đầu tư tốt cho hai ba năm tới, không chỉ là 6 tháng.
Còn theo ông Lã Giang Trung, Tổng giám đốc Passion Investment ở một kịch bản lạc quan khi khống chế dịch bệnh trong tháng 8-9/2021, VN-Index hoàn toàn có thể lên 1.600 -1.700 điểm. Trong quá khứ, các nhịp điều chỉnh bình quân giảm 17%. Sau mỗi nhịp, thị trường bình quân có thể đi lên 30-40%.
Trước đó, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có 3 nhịp điều chỉnh vào tháng 6/2020, tháng 1/2021 và tháng 7/2021, tương đồng với việc xảy ra trong quá khứ về nhịp điều chỉnh. Trong tháng 7/2021, giảm 13% là cơ bản tạo đáy. VN-Index hoàn toàn có thể lên 1.600 -1.700 điểm với việc có thể khống chế dịch bệnh trong tháng 8-9/2021.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận