Thanh khoản bất động sản nghỉ dưỡng nhiều nơi gần như đóng băng
Theo DKRA, thanh khoản bất động sản nghỉ dưỡng đóng băng, trong khi niềm tin của nhà đầu tư suy giảm khiến thị trường này khó phục hồi trong ngắn hạn.
Đơn vị nghiên cứu thị trường DKRA vừa công báo báo cáo tháng 11, cho biết thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng và các vùng lân cận tiếp tục duy trì trạng thái ảm đạm.
Với biệt thự nghỉ dưỡng, nguồn cung trong tháng tương tương so với tháng trước với 232 căn nhưng giảm 1% so với cùng kỳ. Trong khi đó, thanh khoản gần như đóng băng khi hơn 90% dự án đóng giỏ hàng khiến thị trường không ghi nhận phát sinh giao dịch.
Giá bán sơ cấp vẫn duy trì ổn định và không có nhiều biến động so với tháng trước. Giá bán cao nhất ở Đà Nẵng hiện ở mức 100,5 triệu đồng/m2, thấp nhất khoảng 18,6 triệu đồng/m2. Còn tại Quảng Nam, giá bán cao nhất neo ở ngưỡng 73 triệu đồng/m2 và thấp nhất là 25,9 triệu đồng/m2. Tại Thừa Thiên Huế, giá bán thấp hơn, dao động 9,1-52,8 triệu đồng/m2.
Để kích cầu, các chủ đầu tư đã nỗ lực triển khai các chính sách ưu đãi, chiết khấu, hỗ trợ lãi suất nhưng thanh khoản vẫn chưa đạt kỳ vọng.
Nguồn cung bất động sản, biệt thự nghỉ dưỡng đi ngang, tiêu thụ tiếp tục đóng băng.
"Khó khăn về thanh khoản tiếp tục đè nặng lên tâm lý thị trường. Niềm tin của nhà đầu tư ở mức thấp, dẫn đến trạng thái ảm đạm kéo dài và vẫn chưa cho thấy bất kỳ tín hiệu hồi phục nào trong ngắn hạn", báo cáo của CBRE nêu.
Tương tự với condotel, nguồn cung tiếp tục đi ngang với 654 căn và tất cả đều đến từ các dự án cũ, thị trường không ghi nhận thêm nguồn cung mới. Dữ liệu của DKRA cũng cho thấy không có giao dịch condotel nào được ghi nhận trong tháng qua và giá bán sơ cấp không có nhiều biến động so với cùng kỳ.
Khảo sát về giá condotel trên thị trường sơ cấp ở 3 khu vực gồm Đà Nẵng, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế của DKRA cho thấy Quảng Nam là địa phương có giá condotel cao nhất dao động trong khoảng 38-156 triệu đồng/m2. Giá loại hình này ở Đà Nẵng cao nhất khoảng 148 triệu đồng/m2 và thấp nhất ở mức 33 triệu đồng/m2. Mức giá sơ cấp ở Thừa Thiên Huế thấp hơn hẳn, dao động 22-27 triệu đồng/m2
Theo đơn vị nghiên cứu, pháp lý vẫn là rào cản của loại hình condotel. Đặc biệt việc thanh khoản ở mức thấp, niềm tin của nhà đầu tư tiếp tục suy giảm đã gây cản trở cho sự phục hồi của thị trường trong ngắn hạn.
Trước đó, dữ liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng cho thấy 9 tháng đầu năm, lượng bán bất động sản nghỉ dưỡng chỉ bằng 21% cùng kỳ, chủ yếu ở thị trường thứ cấp do nhiều lựa chọn và giá hợp lý.
Tuy vậy, có cái nhìn tích cực hơn về thị trường, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Kinh doanh Batdongsan.com.vn cho biết bất động sản nghỉ dưỡng đang chờ đợi cơ hội mới. Các yếu tố vĩ mô về du lịch, bán lẻ đều có dấu hiệu hồi phục tích cực sẽ tác động đến bất động sản nghỉ dưỡng. Ông Tuấn cho biết mức độ quan tâm với các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng đã dần có sự cải thiện vào thời điểm giữa năm.
Tại một sự kiện hồi tháng 8, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng khi Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực, dự kiến nguồn cung sản phẩm bất động nghỉ dưỡng sẽ cải thiện khoảng 20% so với năm 2023. Thời gian tới, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ có nhiều tiềm năng bởi các chủ thể tham gia thị trường quay trở lại do những tác động tích cực của các luật mới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường