Thanh Hóa: Nghi ngờ doanh nghiệp xả thải khiến cá chết hàng loạt trên sông Mã
Tình trạng cá lồng chết hàng loạt tại huyện miền núi Bá Thước (Thanh Hóa) đang khiến người nuôi cá lồng điêu đứng, lực lượng chức năng đang nỗ lực ngày đêm truy tìm nguyên nhân.
Theo phản ánh của người dân các xã Ái Thượng, Hạ Trung, Lương Ngoại, Lương Trung, Thiết Kế, Ban Công, Thiết Ống và TT.Cành Nàng của huyện miền núi Bá Thước thì tình trạng cá chết hàng loạt bắt đầu rãi rác từ đợt đầu tháng 3, đến ngày 9/4 thì bị nặng nhất, đặc biệt là cá lồng của người dân nuôi dọc hai bờ sông Mã.
Hàng trăm các hộ nuôi cá lồng tại huyện này đã ra sức kéo dây dẫn nước, trực máy bơm để liên tục xối nước vào lồng cá tạo ô xy cho cá thở. Đồng thời di chuyển cá ra các nhánh sông, suối lân cận để tránh vùng nước ô nhiễm với một hy vọng nhỏ nhoi là vớt vát cứu sống được ít nào hay ít đó. Mọi nổ lực của người dân dần cạn kiệt khi xung quanh nước sông đều bị ô nhiễm, đàn cá chết dần chết mòn trong vô vọng.
Ánh mắt thất thần, mệt mỏi ông Trần Văn Trường (48 tuổi, ngụ bản Giổi, xã Ái Thượng) ngao ngán: “Cả tháng nay cả nhà tôi liên tục chạy cá từ sông Mã vào suối rồi lại từ suối ra sông để mong cứu những con cá còn sót lại nhưng không được. Cá chết hết cũng là lúc dân chúng tôi kiệt sức rồi”.
Cũng theo ông Trường, loại cá mà gia đình ông nuôi là cá trắm, đã có cân nặng từ 3 - 5 kg, sắp đến thời điểm xuất bán nhưng giờ cá chết không rõ nguyên nhân nên có cho người dân cũng không dám ăn. Ông Trường lo lắng tình trạng cá chết bất thường, nguồn nước ô nhiễm thì nghề nuôi cá không biết có còn tồn tại được nữa hay không.
Cùng tâm trạng với ông Trường, một người nuôi cá lồng xã Lương Ngoại cho biết, cá lồng hiện đang rất khỏe mạnh, không bị bệnh gì cả. Chỉ có thể do nguồn nước sông Mã bị ô nhiễm khiến cá chết. Bởi, cứ hôm nào mưa to là lại thấy nước đổi sang màu đen kịt, hôi tanh khó chịu, rồi hôm sau bắt đầu cá chết lẻ tẻ, lần này là bị chết nhiều nhất.
Theo thống kế của UBND huyện Bá Thước, từ ngày 15.3 - 8.4, đã có gần 12,4 tấn cá lồng chết và gần 400 kg các loài thủy sản tự nhiên chết vớt được.
Cá lồng chết xuất hiện 4 đợt, cụ thể: đợt 1 từ ngày 15 - 20.3; đợt 2 vào ngày 26.3; đợt 3 vào ngày 30.3; đợt 4 từ ngày 4 - 9.4 và cá vẫn đang tiếp tục chết. Cá chết tập trung ở các xã Ái Thượng, Hạ Trung, Lương Ngoại, Lương Trung, Thiết Kế, Ban Công, Thiết Ống và TT.Cành Nàng của huyện Bá Thước.
Truy tìm nguyên nhân?
Ngay sau khi nhận được thông tin cá chết hàng loạt từ phía người dân, ngày 9.4, UBND huyện Bá Thước đã quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành do ông Ngọ Đình Hải, Phó chủ tịch UBND huyện Bá Thước làm trưởng đoàn.
Ngay lập tức, đoàn liên ngành huyện đã tiến hành kiểm tra, rà soát các cơ sở chế biến nông - lâm sản dọc sông Mã để truy tìm thủ phạm gây ô nhiễm sông Mã. Nhiều cơ sở kinh doanh bị kiểm tra đột xuất như: Nhà máy chế biến tinh bột sắn huyện Bá Thước thuộc Công ty CP rau quả Thanh Hóa xã Thiết Ống, xưởng sản xuất đũa của Công ty TNHH Tân Thái Thanh ở xã Thiết Kế…
Trao đổi với ông Ngọ Đình Hải, Phó chủ tịch UBND huyện Bá Thước, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành của huyện này, cho biết trên địa bàn huyện có 5 cơ sở sản xuất, chế biến nông lâm sản nằm ven sông Mã (gồm 1 nhà máy chế biến tinh bột sẵn và 4 cơ sở chế biến luồng.
“Thực hiến kế hoạch, những ngày vừa qua, đoàn kiểm tra đã hoàn thành kiểm tra 1 đơn vị và 2 đơn vị đang kiểm tra dở dang. Chúng tôi đang tiến hành kiểm tra tiếp, gồm kiểm tra hồ sơ thủ tục về bảo vệ môi trường có đảm bảo hay không và kiểm tra hệ thống xử lý chất thải, đặc biệt là xem xét xem có dấu hiệu doanh nghiệp xả thải chưa qua xử lý ra sông Mã hay không”, ông Hải nói.
Theo lãnh đạo huyện Bá Thước, huyện quyết định hỗ trợ người dân 20.000 đồng/1 kg cá chết. Chính quyền huyện cũng đang tiếp tục đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ thêm cho người dân để người dân bớt thiệt hại.
Đồng thời, huyện sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra tất cả các cơ sở sản xuất có hoạt động xả nước thải ra sông Mã trên địa bàn huyện. Nếu phát cơ sở nào gây ô nhiễm, sẽ đề nghị tỉnh dừng hoạt động vĩnh viễn. Đặc biệt, trong thời gian tới, phát hiện đơn vị, doanh nghiệp sản xuất nào xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Mã, gây ô nhiễm môi trường thì đóng cửa vĩnh viễn chứ không thể xử phạt hành chính rồi lại tái phạm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận