Tháng 4, chỉ số giá tiêu dùng nhiều nhóm hàng hóa tăng mạnh
Nhóm du lịch tăng 14,85% khi các doanh nghiệp du lịch mở cửa trở lại sau thời gian tạm ngưng vì ảnh hưởng dịch COVID-19 và nhu cầu du lịch của người dân cũng tăng cao
Theo Cục Thống kê TP.HCM, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 TP.HCM tăng 0,38% so với tháng trước.
Trong 11 nhóm hàng tính CPI có bốn nhóm giảm gồm nhóm đồ uống và thuốc lá, nhóm giao thông, nhóm bưu chính viễn thông và nhóm giáo dục. Riêng nhóm thuốc và dịch vụ y tế không đổi, các nhóm còn lại đều tăng so với tháng trước.
Cụ thể, chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng cao nhất 4,32%. Nguyên nhân do nhóm du lịch tăng 14,85% khi các doanh nghiệp du lịch mở cửa trở lại và nhu cầu du lịch của người dân tăng cao; nhóm thiết bị văn hóa tăng 1,25%; sách, báo, tạp chí các loại tăng 1,57%.
Tăng cao thứ hai là chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng tăng 0,65%. Trong đó giá nhà ở thuê tăng 1,14%, vật liệu bảo dưỡng nhà tăng 0,74%, điện sinh hoạt tăng 0,32%.
Nguyên nhân do các nhà cung cấp vật liệu, chủ nhà thuê điều chỉnh giá. Chỉ số giá nhóm gas và các loại chất đốt tăng 2,28%.
Tiếp đến là chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,50% do các nhà cung cấp điều chỉnh giá bán cho các sản phẩm khi chi phí vận chuyển tăng cao.
Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình) tăng 0,04%. Trong đó, nhóm lương thực tăng 0,19% do một số nhà cung cấp điều chỉnh giá bán vì tình hình giá cả biến động thời gian qua.
Nhóm thực phẩm giảm 0,10% trong đó rau tươi, khô và chế biến giảm 3,30% nhưng thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng các loại, dầu thực vật, thủy sản tươi sống, nước mắm, nước chắm, đồ gia vị, đường, sữa, bơ, phô mai… tăng 0,05%-3.91%.
Nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 0,20% do một số hàng quán thay đổi giá bán khi giá gas tăng cao.
So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 4 tăng 2,41% trong đó có 3 nhóm giảm, 8 nhóm tăng và chỉ số giá nhóm giao thông tăng cao nhất 17,18%, nhóm giáo dục giảm nhiều nhất với 2,92% do thành phố thực hiện miễn giảm học phí.
Bình quân 4 tháng đầu năm 2022 CPI tăng 1,74% so với cùng kỳ.
Sức mua đã phục hồi
Cũng theo Cục Thống kê TP.HCM, tháng 4 hoạt động thương mại dịch vụ trên địa bàn duy trì ổn định, nối tiếp đà phục hồi từ những tháng trước. Các đơn vị đẩy mạnh khuyến mãi, kích cầu mua sắm, phục vụ người dân dịp giỗ Tổ Hùng Vương và 30-4.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước đạt 95.612 tỉ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ.
Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 360.002 tỉ đồng, giảm 1,7% so với cùng kỳ.
Mức giảm lũy kế qua các tháng đang hẹp dần và tiến đến mức kỳ vọng tăng trưởng dương khi tình hình dịch tại Việt Nam cũng như thành phố đã ổn định, các chính sách mở cửa sau dịch, bình ổn giá phát huy được hiệu quả.
Chiếm 58,6% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, 4 tháng đầu năm doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 218.184 tỉ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ.
Sức mua đã phục hồi, các đơn vị kinh doanh đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng các kênh bán hàng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Chiếm 7,8% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 24.065 tỉ đồng, giảm 9,7% so với cùng kỳ.
Doanh thu du lịch, lữ hành 4 tháng đầu năm ước đạt 2.019 tỉ đồng, giảm 8,6% so với cùng kỳ. Ngành du lịch thành phố trong thời gian qua đã nỗ lực đổi mới trong xây dựng chương trình, chính sách để khôi phục lại du lịch.
Dự kiến thời gián tới, đặc biệt vào du lịch hè doanh thu du lịch sẽ tăng trưởng tích cực.
Theo PV (Pháp luật TPHCM)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận