Thách thức với tham vọng tỷ đô của Kosy Group
Niêm yết chứng khoán là bước đệm quan trọng để Kosy hướng tới dòng vốn khổng lồ. Tuy nhiên chừng nào chất lượng nguồn vốn cũng như tính minh bạch trong cấu trúc quản trị vẫn là một dấu hỏi, thì mục tiêu lớn nhất của Kosy khi khoác lên mình tấm áo đại chúng khó lòng có thể thực hiện được.
Tham vọng tỷ đô
Kosy Group đang là cái tên thu hút sự chú ý đặc biệt của công luận thời gian qua, mà tâm điểm là lùm xùm tại dự án Moutain View quy mô 38ha ở Lào Cai, khi đích thân Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình chỉ đạo làm rõ phản ánh của báo chí về việc UBND tỉnh Lào Cai và Kosy Group thu hồi đất của người dân trái quy định.
Trước sự kiện này, Kosy có lẽ được biết đến nhiều hơn với giới đầu tư chứng khoán, khi mã cổ phiếu KOS lên sàn UpCOM từ cuối năm 2017, hay đầu tháng trước (T9/2019) niêm yết trên HoSE. Với chiến lược truyền thông của doanh nghiệp này, người ta biết đến Kosy là một doanh nghiệp trẻ trung, đầy năng động, với trọng tâm kinh doanh bất động sản tại các địa phương tỉnh lẻ, cùng lĩnh vực năng lượng gồm thuỷ điện và điện gió.
Dù vậy, gần như không có nhiều thông tin về quá trình hình thành của Kosy cũng như bước đường khởi nghiệp của ông chủ Nguyễn Việt Cường - người hiện là cổ đông lớn nhất, đảm trách hai vị trí quan trọng nhất là Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ.
Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, ông Nguyễn Việt Cường sinh năm 1976, quê quán tại Phú Thọ. Ông có bằng cử nhân ĐH Nông nghiệp I Hà Nội sau khoá học 1995-1998. Giai đoạn 2000-2003, ông hoàn tất văn bằng 2 ĐH Kinh tế Quốc dân. Từ năm 2008-2010, ông tham gia chương trình Thạc sỹ MBA Hoa Kỳ liên kết ĐH Quốc gia Hà Nội và hoàn tất chương trình Tiến kĩ Kinh tế trong giai đoạn 2013-2016.
Trong lần hiếm hoi trả lời báo chí, ông Nguyễn Việt Cường cho biết sau khi tốt nghiệp Đại học, ông đã trải qua các vị trí ở những công ty khác nhau trong 2 năm, nhờ đó tích luỹ được kinh nghiệp quý báu và hướng tới cho mình một sự nghiệp riêng.
Thực tế Kosy không phải doanh nghiệp đầu tiên của ông Nguyễn Việt Cường. Năm 2006, ở tuỗi 30, ông Cường đã cùng người thân trong gia đình thành lập CTCP Sao Việt Lào Cai (vốn điều lệ 5 tỷ đồng) và một năm sau, năm 2007 thành lập CTCP Sao Việt Lai Châu, đều hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng dân dụng. Tuy nhiên các pháp nhân này không hoạt động quá lâu.
Tới năm 2008, ông thành lập CTCP Kosy với vốn điều lệ 120 tỷ đồng, tiếp tục tập trung vào lĩnh vực xây dựng dân dụng. Đến năm 2009 mở rộng sang xây dựng công trình giao thông, cầu đường, thuỷ lợi.
Bước ngoặt lớn đến vào năm 2011 khi Kosy thực hiện chuyển hướng sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản, lấy đây làm điểm tựa, bên cạnh mảng truyền thống là thi công các dự án khu đô thị mới, công trình giao thông, thuỷ lợi, viễn thông tại các địa phương.
Trên đà phát triển, ngoài tổ hợp ở Lào Cai, Kosy nhanh chóng nhận được cái gật đầu của các tỉnh và đã được chấp thuận triển khai loạt dự án quy mô lớn khác như Kosy Sông Công (38ha), Kosy Gia Sàng (14,3ha) ở Thái Nguyên, Kosy Cầu Gồ (8,6ha), Kosy Bắc Giang (22,3ha) ở Bắc Giang. Đây là các dự án Kosy đang đồng thời triển khai với tổng mức đầu tư gần 4.000 tỷ đồng.
Không dừng lại ở đó, Kosy còn tham vọng lấn sân lĩnh vực năng lượng với dự án Thuỷ điện Nậm Pạc 1.100 tỷ đồng, công suất 34MW tại Lai Châu, được khởi công cuối tháng 10/2018. Hay gần đây hơn, Kosy đã ký biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh Bạc Liêu đầu tư nhà máy điện gió trị giá 10.000 tỷ đồng, công suất 400 MW.
Kosy xác định đến năm 2025 sẽ trở thành tập đoàn kinh tế đa ngành với giá trị tài sản và thương hiệu nằm trong top 200 doanh nghiệp ngoài nhà nước lớn nhất Việt Nam.
Trong lĩnh vực bất động sản, doanh nghiệp của ông Nguyễn Việt Cường cho biết đã nhận được chủ trương đầu tư 5 dự án lớn khác, có tổng vốn ngoài 20.000 tỷ đồng gồm Kosy Lào Cai mở rộng (50ha), KĐT mới phía Bắc tiểu khu IX thuộc xã Ninh Nhất, Ninh Bình (40,1ha), Kosy Hà Nội (20ha), Soky Sapa (50ha) và Kosy Vinh (59ha).
Tổng mức đầu tư của các dự án kể trên lên tới 34.000 tỷ đồng (1,5 tỷ USD), với quỹ đất chừng 340ha, là những con số khiến loạt ông lớn địa ốc trên thị trường phải dè chừng, đó là chưa kể nhiều dự án lớn ở các địa phương khác cũng đang được Kosy lưu ý đặc biệt.
"Canh bạc" của Kosy
Chia sẻ với báo giới, ông Nguyễn Việt Cường cho biết ông được sinh ra trong một gia đình mà bố mẹ, họ hàng đều làm công nhân viên chức, không quá dư dả về tài chính, không nhiều kinh nghiệm kinh doanh. Tài chính cũng là khó khăn lớn nhất trong suốt chặng đường khởi nghiệp của ông.
Đi lên từ hai bàn tay trắng, việc gây dựng được một doanh nghiệp ít nhiều có tên tuổi trong làng địa ốc phác hoạ rõ nét năng lực của doanh nhân tuổi Bính Thìn.
Dù vậy, để hiện thực kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng, Kosy cùng ông chủ Nguyễn Việt Cường bắt buộc phải liên tục tăng cường nguồn nội lực, cụ thể hơn chính là vốn điều lệ. Nhận thức được điều này, trong 3 năm, từ đầu năm 2014 đến đầu năm 2017, Kosy đã tiến hành 4 đợt phát hành cổ phần, tăng mạnh vốn từ 120 tỷ đồng lên 415 tỷ đồng. Tất cả đều là phát hành cho cổ đông hiện hữu.
Cuối năm 2017, Kosy chuyển đổi thành công ty đại chúng và đăng ký giao dịch trên sàn UpCOM và đầu tháng 9/2019 chuyển qua niêm yết trên Sở Giao dịch CK TP.HCM (HoSE). Chủ tịch Nguyễn Việt Cường cho biết việc chuyển sàn là bước đệm, giúp doanh nghiệp tăng quy mô và thu hút nguồn vốn cho các dự án trọng điểm.
Trước khi chuyển sàn sang HoSE, Kosy đã hoàn tất tăng vốn lên 1.037,5 tỷ đồng thông qua phát hành 62,25 triệu cổ phần cho 7 nhà đầu tư, trong đó ngoài cái tên "lạ" CTCP Đầu tư Mavico, thì 6 cá nhân còn lại đều là người nhà hoặc có liên hệ tới ông Nguyễn Việt Cường.
Việc tăng vốn mạnh trước thềm niêm yết là nghiệp vụ phổ biến của các doanh nghiệp hiện nay, nhằm tranh thủ tối đa nguồn lực có thể thu về sau khi lên sàn. Tuy nhiên khác với các trường hợp pha loãng cổ phiếu rất mạnh, thì Kosy có phần "thật thà" hơn khi tới nay vẫn duy trì tỷ lệ chi phối rất lớn của gia đình Chủ tịch.
Có lẽ vì lo ngại cơ cấu sở hữu quá cô đặc, nên ông Nguyễn Việt Cường cùng em trai là ông Nguyễn Thế Hùng vào cuối tháng 2/2019 đã bán ra tổng cộng 13,3 triệu cổ phiếu, tương đương 13% vốn Kosy mà bên mua cho đến nay vẫn là điều bí ẩn. Dù vậy, nhà Chủ tịch HĐQT tới thời điểm hiện tại vẫn trực tiếp nắm hơn 68% cổ phần Kosy, là tỷ lệ cao bậc nhất trong số hàng trăm doanh nghiệp đang niêm yết.
Dấu hiệu "căng" tiền phần nào thể hiện qua các thông tin về loạt dự án của Kosy vướng lùm xùm xung quanh việc "lách luật" huy động vốn tại các dự án Kosy Bắc Giang hay Kosy Gia Sàng.
Việc duy trì tỷ lệ sở hữu chi phối dẫn tới không ít lo ngại về tính minh bạch trong hoạt động và quản trị của Kosy, mà 5 lần tăng vốn gần như đều thông qua phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu là một dẫn chứng khi chất lượng vốn tăng lên khó lòng được kiểm soát, đặc biệt tới hơn nửa nghìn tỷ đồng được đầu tư ngược lại cho các pháp nhân có liên hệ tới nhà Chủ tịch Nguyễn Việt Cường (sẽ được đề cập cụ thể trong bài viết khác).
Không thể tăng vốn một cách lành mạnh trên sàn chứng khoán, tham vọng tỷ đô của ông Nguyễn Việt Cường sẽ đối mặt thách thức không nhỏ trong thời gian tới.
Tất nhiên Kosy vẫn còn dư địa khá lớn để đẩy mạnh vay nợ, và thực tế doanh nghiệp này cũng đã phát hành 230 tỷ đồng trái phiếu vào cuối năm ngoái. Tuy nhiên việc lệ thuộc vào đòn bẩy này sẽ kéo chi phí tài chính lên cao, và tạo áp lực lớn đến kết quả kinh doanh trong bối cảnh hiệu quả từ các dự án là chưa rõ ràng.
Nửa đầu năm 2019, doanh thu của Kosy đạt 569 tỷ đồng, lãi sau thuế ở mức 13,4 tỷ đồng, tương đương lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) vỏn vẹn 129,2 đồng, chỉ bằng 1/4 cùng kỳ năm ngoái. Chất lượng doanh thu cũng là một dấu hỏi khi lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh tiếp tục ở trạng thái âm 157 tỷ đồng (cùng kỳ âm 77 tỷ đồng).
So với kế hoạch cả năm (doanh thu 1.500 tỷ, lãi sau thuế 65 tỷ đồng), Kosy còn phải cố gắng rất nhiều mới mong hoàn thành mục tiêu đã được ĐHĐCĐ thường niên thông qua. Tham vọng tỷ đô của doanh nghiệp này theo đó cũng sẽ là thách thức không nhỏ đối với doanh nhân Nguyễn Việt Cường cùng các cộng sự.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận