TCO 'thay máu' loạt lãnh đạo cấp cao, dịch chuyển cơ cấu cổ đông lớn, điều gì đang xảy ra?
CTCP Vận tải Đa phương thức Duyên Hải (HOSE: TCO) liên tục có biến động nhân sự cấp lãnh đạo trong chưa đầy 1 tháng trở lại đây. Hậu biến động thượng tầng, TCO thông báo mời họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2023, dự kiến tổ chức ngày 18/11/2023.
Nhiều biến động ở thượng tầng lãnh đạo
Bắt đầu từ giữa tháng 9/2023, HĐQT TCO quyết định miễn nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc đối với ông Nguyễn Nam Hùng chỉ sau hơn 2 tháng ngồi “ghế nóng”. Dù vậy, ông Hùng vẫn còn là Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028. Thay vào đó, bổ nhiệm ông Bùi Lê Quốc Bảo giữ chức Tổng Giám đốc TCO, kể từ ngày 14/09.
Ngày 26/09, HĐQT TCO thông qua miễn nhiệm chức Kế toán trưởng đối với bà Lê Thị Thanh Phương, bầu ông Nguyễn Thế An thay thế.
Đồng thời, miễn nhiệm chức vụ Người phụ trách quản trị Công ty kiêm Người được ủy quyền công bố thông tin đối với ông Lê Khánh Toàn. Thay vào đó, bầu bà Lữ Kiều An đảm nhiệm vai trò Người Phụ trách quản trị Công ty và bầu Tổng Giám đốc Lê Quốc Bảo giữ vai trò Người được ủy quyền công bố thông tin.
Đến ngày 12/10, HĐQT TCO chấp thuận đơn từ nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028 đối với hai cá nhân là ông Phạm Trần Ái Trung và ông Nguyễn Nam Hùng. Cả hai vị này cùng đưa ra lý do cá nhân và có việc riêng nên không thể tiếp tục đảm nhiệm vị trí này.
Trước đó, ông Trung và ông Hùng được ĐHĐCĐ thường niên 2023 của TCO bầu làm Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028, kể từ ngày 24/06. Ngoài ra, còn có ông Phạm Duy - Chủ tịch HĐQT kiêm Thành viên Ủy ban Kiểm toán. Cả 3 vị này hiện không nắm giữ bất kỳ cổ phiếu TCO nào. Sau quyết định miễn nhiệm trên, HĐQT TCO nhiệm kỳ 2023-2028 chỉ còn duy nhất ông Phạm Duy.
Ông Phạm Duy (sinh năm 1981) được bầu vào HĐQT do cựu Chủ tịch HĐQT TCO đồng thời là cổ đông lớn - ông Đàm Mạnh Cường đề cử. Hiện, ông Duy còn đang là Chủ tịch HĐQT tại CTCP Tư vấn & Đầu tư IR Việt Nam, CTCP In Sách Giáo khoa Hòa Phát (HNX: HTP).
Xáo trộn cổ đông lớn
Cùng với sự “thay máu” lãnh đạo, cơ cấu cổ đông lớn của TCO cũng có sự xáo trộn. Tại cuối năm 2022, Công ty ghi nhận 2 cổ đông lớn là ông Nguyễn Duy Dinh và ông Đàm Mạnh Cường, sở hữu tổng cộng hơn 8 triệu cp, tương ứng gần 43% vốn.
Trong đó, ông Duy Dinh là cổ đông lớn nhất nắm giữ 22%, nhưng thực hiện tới 10 lần giao dịch thoái vốn TCO từ cuối năm 2022 đến nay. Đến ngày 29/06, cá nhân này đã hạ tỷ lệ sở hữu xuống còn 4.4% và không còn là cổ đông lớn.
Cùng chiều, cổ đông lớn thứ hai đồng thời là cựu Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2018-2023, ông Đàm Mạnh Cường đã thoái sạch gần 3.9 triệu cp TCO nắm giữ, tương ứng 20.6% vốn trong hai phiên 11/07 và 23/08/2023.
Chiều ngược lại, cổ đông lớn cá nhân - ông Nguyễn Hoàng Nam lần đầu xuất hiện tại TCO sau khi mua vào 2.8 triệu cp trong phiên 23/08, tương ứng 15.1% vốn. Phiên 23/08, thị trường ghi nhận gần 6.2 triệu cp TCO được giao dịch thỏa thuận, tổng giá trị hơn 46.4 tỷ đồng. Nhiều khả năng, ông Nam đã mua với giá trung bình 7,500 đồng/cp, tổng giá trị khoảng 21 tỷ đồng.
Xáo trộn cổ đông lớn của TCO diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu này gần như đi ngang suốt từ đầu năm 2023, trước khi bứt phá mạnh từ đầu tháng 9 với chuỗi tăng trần từ ngày 14-20/09 và lập đỉnh 14,000 đồng/cp vào phiên 21/09, tăng 55% trong gần 1 tháng.
Theo giải trình của TCO, cổ phiếu tăng trần do cung cầu của thị trường chứng khoán, Công ty không có bất kỳ tác động nào. Hoạt động kinh doanh của đơn vị vẫn bình thường, ổn định.
Bên cạnh xu hướng tăng giá, khối lượng khớp lệnh TCO cũng cải thiện đáng kể với gần 270,000 cp/phiên trong tháng 9, gấp đôi mức bình quân năm. Hiện tại, thị giá TCO đang quanh mức 11,900 đồng/cp (phiên chiều 13/10), tăng 25% sau 1 tháng.
Hậu biến động thượng tầng và thay đổi cổ đông lớn, TCO đã công bố nghị quyết HĐQT về việc tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2023 nhằm thông qua việc miễn nhiệm và bầu bổ sung Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028 và các nội dung khác thuộc thẩm quyền ĐHĐCĐ.
Cuộc họp dự kiến kiến tổ chức vào ngày 18/11/2023 tại TP Hải Phòng. Ngày chốt danh sách cổ đông dự họp là 02/10.
Hoàn tất chuyển nhượng 99% vốn công ty con duy nhất
Một thông tin đang chú ý khác, TCO báo cáo đã hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại CTCP Logistics Tasa Duyên Hải - công ty con duy nhất của TCO - với tỷ lệ sở hữu 99%. Giá trị chuyển nhượng không được công bố. Sau giao dịch, đơn vị này sẽ không còn là công ty con của TCO từ ngày 11/10/2023.
Do đó, TCO nghiễm nhiên thay đổi sang mô hình Công ty không có công ty con và đơn vị kế toán trực thuộc, đồng thời loại BCTC công bố thông tin là BCTC riêng của Công ty.
Trước đó, vào giữa tháng 9/2023, HĐQT TCO đã thông qua chủ trương chuyển nhượng toàn bộ 4.95 triệu cp, chiếm 99% vốn điều lệ tại Logistics Tasa Duyên Hải, với giá chuyển nhượng không thấp hơn 10,000 đồng/cp, dự kiến hoàn tất trong tháng 10/2023. Nếu thành công, TCO thu về ít nhất 49.5 tỷ đồng từ thương vụ.
Chiều ngược lại, TCO sẽ nhận chuyển nhượng 1.8 triệu cp, tương đương 90% vốn điều lệ của CTCP Dịch vụ vận tải An Gia, từ cổ đông hiện hữu. Điều này nhằm mục đích đầu tư dài hạn, mở rộng ngành nghề và địa bàn kinh doanh. Giá trị khoản đầu tư đạt 18 tỷ đồng và dự kiến thực hiện trong tháng 10/2023.
Giữa loạt biến động, TCO đang kinh doanh ra sao?
Về kết quả kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm 2023, TCO ghi nhận doanh thu thuần hơn 20 tỷ đồng và lãi sau thuế 2.4 tỷ đồng, giảm lần lượt 97% và 59% so với cùng kỳ.
Kết quả ảm đạm tới từ việc TCO không còn khoản thu kinh doanh xăng dầu của CTCP Thương mại Dịch vụ Năng Lượng Hoàng Gia, do đã thoái vốn vào cuối năm 2022. Ngoài ra, Công ty cho biết tình hình kinh tế khó khăn, doanh thu sản xuất kinh doanh giảm do khách hàng không có đơn hàng nhập khẩu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận