24HMONEY đã kiểm duyệt
09/07/2024
TCB – Tăng trưởng tín dụng vượt trội dẫn dắt tăng trưởng lợi nhuận Q2/24
Cho Q2/24, chúng tôi ước tính LNTT hợp nhất của TCB tăng 24% YoY lên 7,0 nghìn tỷ đồng, chủ yếu được dẫn dắt bởi thu nhập lãi thuần với mức tăng trưởng kỳ vọng là 40% YoY.
Động lực cho tăng trưởng TN lãi thuần Q2/24 của TCB gồm tăng trưởng tín dụng vượt trội so với ngành (kỳ vọng: 12,3%), và NIM mở rộng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái (+40 bps YoY) khi chính sách “giá linh hoạt” đã ảnh hưởng không nhỏ tới thu nhập lãi của TCB trong năm 2023.
Chúng tôi duy trì dự phóng LNST 2024F của TCB ở mức 28,0 nghìn tỷ đồng (+23% YoY) với mức tăng trưởng của TN lãi thuần/TN phí/Tổng TN hoạt động là 24%/19%/20%.
Chúng tôi duy trì khuyến nghị MUA đối với TCB với mức giá mục tiêu cho TCB ở mức 28.000 đồng/cổ phiếu với tổng mức sinh lời kỳ vọng là 19%.
Tăng trưởng tín dụng vượt trội dẫn dắt tăng trưởng lợi nhuận Q2/24
Cho Q2/24, chúng tôi ước tính LNTT hợp nhất của TCB tăng 24% YoY lên 7,0 nghìn tỷ đồng với các giả định chính như sau:
Chúng tôi giả định tỷ lệ CP tín dụng tương đương Q1-2024, đưa CP dự phòng lên mức đạt khoảng 1,7 nghìn tỷ đồng (+110% YoY). Chúng tôi cho rằng TCB sẽ tiếp tục chủ động tăng trích lập dự phòng trong các quý tới nhằm cải thiện bộ đệm dự phòng, vốn đã giảm mạnh trong năm 2023.
Thu nhập lãi thuần ước đạt 8,8 nghìn tỷ đồng, tăng 40% YoY. Trong đó:
Tăng trưởng tín dụng (TTTD) hợp nhất ước đạt khoảng 12,3% (Q1-2024: 7,1%), dựa trên kỳ vọng TTTD tại Ngân hàng mẹ là khoảng 9% YTD và TTTD tại TCBS là lớn hơn 50%. Trong khi nhu cầu vốn của các khách hàng doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực kinh doanh BĐS, vốn đang sở hữu nhiều dự án đang trong quá trình xây dựng và bán hàng, giúp duy trì mức TTTD vượt trôi so với ngành của Ngân hàng mẹ, hoạt động bảo lãnh phát hành cho các lô trái phiếu của VHM là nhân tố chính cho tăng trưởng danh mục trái phiếu đầu tư của TCBS, bên cạnh tăng trưởng tích cực của hoạt động cho vay ký quỹ.
NIM (theo quý) kỳ vọng đạt 4,3%. So với cùng kỳ, mức tăng của NIM Q2/24 là khá đáng kể (+40 bps YoY) do Q2/23 là thời điểm NIM của TCB giảm về mức đáy của năm khi chịu ảnh hưởng lớn từ (1) diễn biến tăng nhanh của chi phí vốn và (2) chương trình hỗ trợ lãi suất cho các khách hàng là các CĐT BĐS lớn - chính sách “giá linh hoạt” - trong giai đoạn khó khăn của thị trường BĐS. Mặc dù vậy, NIM Q2/24 có thể sẽ giảm nhẹ so với quý trước do ảnh hưởng của việc lãi suất huy động tăng nhanh trong Q2/24 (lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn 3T/6T/12T tại thời điểm cuối Q2/24 đã tăng 80 bps/70 bps/40 bps so với cuối Q1/24) trong khi lãi suất cho vay có độ trễ trung bình gần 1 quý về tái định giá.
Bình luận