Tập đoàn Thái Lan tiếp tục mua nhà máy bao bì ở Việt Nam
Starprint Việt Nam (SPV), doanh nghiệp bao bì carton có nhà máy tại Đồng Nai chính thức về tay SCGP khi doanh nghiệp Thái Lan này chi gần 700 tỉ đồng nắm giữ 70% vốn tại SPV.
Cụ thể, ông Wichan Jitpukdee, Giám đốc điều hành của SCGP, thông báo rằng công ty đã hoàn tất mua lại 70% cổ phần của Công ty cổ phần Starprint Việt Nam, nhà sản xuất bao bì carton gấp offset cao cấp hàng đầu tại Việt Nam với đối tượng khách hàng chủ chốt là các doanh nghiệp trong nước và đa quốc gia.
Theo công bố trên website của SCGP, việc mua lại này sẽ nâng cao năng lực giải pháp đóng gói của SCGP để phục vụ cơ sở khách hàng ngày càng mở rộng tại khu vực ASEAN.
Việc đầu tư được thực hiện thông qua một công ty con ở Singapore – SCGP Solutions – công ty con 100% vốn của SCGP. Tổng vốn đầu tư hơn 676 tỉ đồng, tương đương hơn 987 triệu baht. Như vậy, SPV được định giá khoảng 965 tỉ đồng.
Kết quả kinh doanh và chỉ tiêu tài chính của SPV sẽ được hợp nhất từ tháng 1-2024 trở đi. Sau thương vụ, ngoài SCGP, Starflex – một công ty bao bì mềm nổi tiếng có trụ sở tại Thái Lan, cũng nắm giữ 25% cổ phần, số còn lại do cổ đông trước đây của công ty nắm giữ. Như vậy, 95% vốn tại SPV thuộc về các nhà đầu tư Thái Lan.
Cũng theo công bố trên website của SCGP, Starprint Việt Nam hoạt động từ năm 2001. Đây là nhà sản xuất bao bì carton in offset hàng đầu tại Việt Nam, với tổng công suất 16.500 tấn in offset và 8 triệu hộp cứng mỗi năm từ hai cơ sở sản xuất đặt tại Khu công nghiệp Long Bình (Amata), tỉnh Đồng Nai.
Khách hàng của doanh nghiệp này chủ yếu là các công ty trong nước và đa quốc gia trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh và tăng trưởng cao như Unilever, Colgate, Nestle, Heineken, P&G, Walmart, Trung Nguyên…
Năm 2022, SPV ghi nhận doanh thu 1.013 tỉ đồng, lợi nhuận ròng sau thuế là 92,5 tỉ đồng. Công ty có tổng tài sản khoảng 601 tỉ đồng.
Với việc thâu tóm phần lớn cổ phần nói trên, SCGP chính thức bước chân vào sản xuất thùng carton gấp offset đầu tiên của Tập đoàn Thái Lan này tại Việt Nam
“SPV sẽ là cơ sở sản xuất hộp cứng chất lượng cao đầu tiên của SCGP tại ASEAN và là cơ sở sản xuất thùng carton gấp offset đầu tiên của chúng tôi tại Việt Nam. Việc bổ sung các sản phẩm hộp cứng và offset vào danh mục đầu tư của SCGP sẽ nâng cao đáng kể khả năng cung cấp các giải pháp đóng gói tích hợp của chúng tôi nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng”, theo nội dung thông báo trên website của doanh nghiệp.
Trên website, Starprint giới thiệu sau gần 20 năm phát triển, công ty này đã xây dựng hai nhà máy tại Biên Hòa với tổng diện tích hơn 26.000 m2 với khoảng 1.000 lao động, cung cấp giải pháp in ấn và đóng gói.
Starprint tiếp tục nối dài danh sách các thương vụ thâu tóm của đại gia Thái Lan này ở Việt Nam trong lĩnh vực bao bì. Vào năm 2015, SCG (Thái Lan) công bố đã mua 80% cổ phần Công ty bao bì nhựa Tín Thành (Batico) – một trong những công ty hàng đầu ngành bao bì nhựa tại Việt Nam.
Đến năm 2020, báo chí đưa tin Bao bì Biên Hòa – một doanh nghiệp chuyên làm bao bì cho Unilever, Pepsico, Nestlé… cũng về tay TCG Solutions Pte.Ltd – công ty con thuộc Tập đoàn SCG.
Sau Bao bì Biên Hòa, năm 2021, Công ty nhựa Duy Tân cũng công bố đã hoàn thành thủ tục chuyển nhượng 70% cổ phần mảng bao bì và nhựa gia dụng cho SCGP.
Ngoài ra, doanh nghiệp xứ chùa vàng còn nắm trong tay Công ty Giấy Kraft Vina – nhà sản xuất bao bì lớn nhất tại Việt Nam, Công ty Bao bì nhựa Tín Thành (Batico), Công ty Công nghiệp Tân Á, Công ty Bao bì AP, Công ty Sản xuất Bao bì Alcamax và Công ty Packamex.
Trước đó, trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Văn Dòng, Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam, đã cho rằng thay vì đầu tư mới, nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng muốn thâu tóm các nhà máy in ấn và bao bì ở Việt Nam để nhanh chóng tham gia thị trường được cho là có nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới. Đáng chú ý là xu hướng đầu tư vào sản xuất của các nhà đầu tư nước ngoài đang dịch chuyển đến Việt Nam thì nhu cầu in ấn và bao bì sẽ rất lớn.
“Khi sản xuất công nghiệp tăng cao thì nhu cầu in ấn và bao bì sẽ tăng lên theo”, ông Dòng nói, và cho biết đang có hiện tượng các doanh nghiệp in ấn và bao bì của các nước trong khu vực châu Á tìm cơ hội đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.
“Thời gian qua có nhiều đoàn doanh nghiệp của Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc… tìm đến chúng tôi để tìm hiểu về thị trường, công nghệ sản xuất… của ngành in ấn và bao bì trong nước”, ông Dòng chia sẻ, và ông cho rằng việc tìm hiểu này là họ nhìn thấy thị trường gần 100 triệu dân ở Việt Nam cho sản xuất công nghiệp đang tăng cao và tiếp tục sẽ tăng khi mà đầu tư nước ngoài ngày càng hướng đến.
“Đây sẽ cơ hội cho ngành in ấn và bao bì phát triển nhưng cũng là áp lực lớn về khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam hoạt động ngành này”, ông Dòng nhìn nhận.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận