Tập đoàn PC1 xin chuyển hơn 7.000m2 đất thuê sang làm nhà ở
Công ty CP Tập đoàn PC1 xin chuyển 7.130m2 đất ở Gia Lâm, Hà Nội sang dự án nhà ở, trong đó 7.007m2 là đất thuê trả tiền hàng năm có chức năng làm văn phòng, 120 m2 đất ở do công ty mua gom của các hộ dân.
PC1 muốn chuyển đất thuê làm trụ sở thành dự án nhà ở
Thông tin từ Bộ Xây dựng, Bộ này nhận được văn bản của TP Hà Nội về việc xin ý kiến chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu nhà ở PC1 Gia Lâm (xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội), do Công ty CP Tập đoàn PC1 (PC1) đề xuất.
Theo UBND TP Hà Nội, khu đất Công ty PC1 đề xuất thực hiện dự án đầu tư Khu nhà ở PC1 có diện tích 7.130 m2, bao gồm 122,6 m2 đất ở, 7.007m2 đất được Hà Nội cho thuê làm trụ sở công ty với thời hạn hàng năm, đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Hiện nay, UBND TP Hà Nội đang làm thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở PC1 Gia Lâm. UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ Xây dựng cho ý kiến về việc, dự án nêu trên có thuộc trường hợp thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, xác định nhà đầu tư làm chủ đầu tư dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai hay không?
Trên cơ sở nội dung câu hỏi của TP Hà Nội, Bộ Xây dựng viện dẫn Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng 2014, Luật Nhà ở 2014 cho biết: Việc lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại được thực hiện thông qua 3 hình thức: đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai; đấu thầu dự án có sử dụng đất theo quy định của pháp luật đấu thầu hoặc chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.
Trường hợp có nhiều nhà đầu tư được chấp thuận thì việc xác định chủ đầu tư theo quy định của Luật Xây dựng.
Bộ Xây dựng cũng viện dẫn Điều 4 Luật số 03/2022/QH15 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự (có hiệu lực thi hành từ 1/3/2022), trong đó đã sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 của Luật Nhà ở:
"Có quyền sử dụng đất hợp pháp thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a, điểm b khoản này mà việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai, trừ trường hợp thuộc diện Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và các trường hợp thu hồi khác theo quy định của pháp luật:
a) Có quyền sử dụng đất ở;
b) Có quyền sử dụng đất ở và đất khác không phải là đất ở đáp ứng điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư.
Sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất đối với dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện các nghĩa vụ tài chính có liên quan theo quy định của pháp luật về đất đai".
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng cho biết Điều 14 của Luật Nhà ở 2014 đã quy định yêu cầu của việc phát triển nhà ở phải phù hợp với chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và có trong chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương trong từng giai đoạn...
Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP Hà Nội đối chiếu trường hợp cụ thể của dự án với các quy định của pháp luật nêu trên để xem xét, giải quyết theo đúng thẩm quyền và đúng quy định của pháp luật.
Nên thu hồi để đấu giá tránh thất thoát
Liên quan đến đề xuất của PC1 về khu đất hơn 7.000m2, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cũng như luật sư cho rằng, Nhà nước nên thu hồi, tổ chức đấu giá để tránh thất thoát ngân sách Nhà nước.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu quan điểm, với diện tích đất thuê trả tiền hàng năm, Nhà nước cần thu hồi lại, tổ chức đấu giá để tránh thất thoát ngân sách Nhà nước.
GS Đặng Hùng Võ cho rằng, nhiều người lập luận rằng, đất đang có chủ sử dụng, họ xin chuyển mục đích thì không phải đấu giá. Tuy nhiên, căn cứ theo pháp luật thì không phải như vậy.
Trước đây, Nhà nước giao đất cho tổ chức, cá nhân để sản xuất, kinh doanh, giờ khu đất được quy hoạch mới, chuyển mục đích sang đất ở thì Nhà nước sẽ thu hồi lại. Sau đó, cần tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Đất thuê trả tiền hàng năm Nhà nước không phải bồi thường. Còn với khoản thu trước toàn thời gian thuê (nếu có) thì Nhà nước sẽ bồi thường cho bên thuê, riêng đất không phải bồi thường.
Được biết, Công ty Tập đoàn PC1 đang quản lý, sử dụng khoảng 9.775 m2, tại khu đất tại xã Yên Thường, huyện Gia Lâm. Trong tổng diện tích trên, có 9.629 m2 đất trụ sở làm việc cho các đơn vị trực thuộc nhà xưởng được UBND TP Hà Nội cho thuê đất trả tiền hàng năm; 122,6m2 đất ở nhận chuyển nhượng từ 2 hộ dân.
Năm 2020, UBND huyện Gia Lâm thu hồi 2.621,2 m2 đất để thực hiện dự án xây dựng tuyến đường theo quy hoạch đường Yên Viên - Đình Xuyên - Phù Đổng đến hết địa bàn huyện Gia Lâm nên diện tích còn lại mà Công ty đang quản lý, sử dụng là hơn 7.000m2 nói trên.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận