Tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, bầu Hiển, Madame Nga kêu "khổ" vì Covid-19 đề nghị hỗ trợ
Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng kiến nghị kéo dài thời gian gia hạn thu, giãn thuế tiêu thụ đặc biệt, miễn tiền thuê đất năm 2020 với cơ sở lưu trú.
Chiều 16/4, Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội tổ chức "Đối thoại với doanh nghiệp" để lắng nghe ý kiến phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp và tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định an sinh xã hội, ứng phó với dịch bệnh Covid-19.
Vietnam Airlines xin phê duyệt để đầu tư thêm 50 máy bay
Đề cập tới những khó khăn do dịch Covid-19, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành chia sẻ, trong hai tuần giãn cách xã hội, lượng khai thác của các hãng chỉ 2-5% năng lực. Với đường bay quốc tế, Vietnam Airlines chủ yếu tham gia chở hàng y tế và đưa công dân Việt Nam và các nước hồi hương. Khoảng 3.000 tiếp viên, 1.000 phi công bị ảnh hưởng.
"Đến nay, chúng tôi không đặt vấn đề lỗ lãi nữa, bởi lợi nhuận gần như không có, giải pháp đặt ra phải phục hồi thế nào trong thời gian tới mới là quan trọng", ông Thành nói và cho biết với quy mô như Vietnam Airlines (khoảng 100 máy bay), nếu làm ăn tốt sau dịch, tối thiểu phải 5 năm mới bù được khoản lỗ đã phát sinh.
Ông Thành đưa ra một số đề xuất, trong đó có việc mua thêm máy bay. Cụ thể, trong lúc dịch Covid-19, việc mua thêm máy bay chính là cơ hội khi hầu hết hãng trên thế giới đang hủy đơn hàng. Doanh nghiệp muốn mua thêm 50 chiếc để đón đầu xu thế phục hồi sau dịch.
Ông Thành cũng cho biết cách đây khoảng 2 tháng, để đặt hàng một chiếc máy bay phải mất 3-4 năm mới được giao. Khi các hãng trên thế giới hủy đơn hàng sẽ giúp doanh nghiệp này có thể nhanh chóng có máy bay.
"Trong giai đoạn này, chúng tôi đề xuất có giải pháp cấp bách phê duyệt để đầu tư thêm 50 máy bay", ông Thành nói.
Ông cũng đề xuất xây dựng nhà ga sửa chữa, bảo dưỡng máy bay ở Nội Bài và mong có đặc cách, xem xét phê duyệt xin khởi công sớm.
Mở cửa lại sân golf, giãn thuế và miễn tiền thuê đất
Tại BRG, theo bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch tập đoàn, BRG kinh doanh đa ngành chịu ảnh hưởng nặng nề sơ bộ 1.000 tỷ đồng; 3.700 tấn gạo chưa được xuất khẩu.
Để đảm bảo cung ứng hàng hóa cho nhân dân, Chủ tịch BRG đề nghị TP cử công an các phường đến hỗ trợ bảo vệ tại các điểm bán hàng vì hiện nay người dân đến rất đông... .
Đồng thời, Chủ tịch tập đoàn BRG đề nghị thành phố cho mở cửa lại các khách sạn, sân golf kèm theo điều kiện về an toàn như nhóm chơi golf không quá 8 người, đứng cách xa nhau 2 m.
Còn theo đại diện Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn hoạt động đa ngành nghề và các ngành đều bị ảnh hưởng nặng do dịch Covid-19. Chưa kể, tập đoàn cũng bị ảnh hưởng khi giải đua xe F1 tạm dừng, phải hoàn lại 100% tiền vé cho khách.
Đại diện Tập đoàn Vingroup cũng nêu khó khăn trong chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy dẫn đến thiếu linh kiện để sản xuất sản phẩm ô tô, xe máy... Về du lịch, dịch làm ảnh hưởng việc làm của hơn 18.000 cán bộ nhân viên tại các khu nghỉ dưỡng nhưng vẫn phải duy trì lương cho số lượng người này, lỗ khoảng 3.000 tỷ. Tất cả các lĩnh vực kinh doanh khác như bất động sản, giáo dục của Vingroup đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh.
Với những khó khăn hiện tại, Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng kiến nghị Trung ương kéo dài thời gian gia hạn thuế là 1 năm thay vì 5 tháng như hiện nay bởi ảnh hưởng của dịch bệnh còn kéo dài; đồng thời thực hiện giãn thuế tiêu thụ đặc biệt, miễn tiền thuê đất năm 2020 với cơ sở lưu trú.
Tại Hà Nội, Tập đoàn xin hỗ trợ các thủ tục hành chính như sớm cho phép các doanh nghiệp, điều chỉnh quy hoạch chung và quy hoạch phân khu; sớm phê duyệt các danh mục sử dụng đất...
Còn đại diện Tập đoàn FLC cho biết ảnh hưởng của dịch Covid-19 còn kéo dài, trong khi chính sách ưu đãi chỉ trong 5-6 tháng, vì vậy doanh nghiệp đề xuất kéo dài thời gian hỗ trợ, cũng như có thêm chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho cộng đồng doanh nghiệp.
Đại diện Tập đoàn bán lẻ Central Retail mong muốn thành phố tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính đối với các doanh nghiệp FDI, giảm thời gian thực hiện thủ tục cấp phép cho doanh nghiệp…
Bầu Hiển mong Hà Nội tháo gỡ ách tắc ở dự án sân Hàng Đẫy và trung tâm quần vợt quốc tế Mỹ Đình
Đề cập về những khó khăn của doanh nghiệp, ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiểu), Chủ tịch Tập đoàn T&T phản ánh thực trạng, hiện nay cả doanh nghiệp lớn và DNNVV đang gặp ách tắc rất nhiều ở thủ tục hành chính ở các quy trình trong nhiều lĩnh vực.
Bầu Hiển đề cập, "Kể cụ thể cũng phải cả tuần không hết. Việc này dẫn đến nhiều dự án sản xuất kinh doanh đầu tư trong các lĩnh vực tồn tại ách tắc, có dự án tồn tại đến hơn 10 năm. Có dự án thủ tục pháp lý đi được 2/3 chặng, có cấp vốn, còn 1/3 cuối có ách tắc, rất khổ".
Bầu Hiển mong Hà Nội tháo gỡ ách tắc ở dự án sân Hàng Đẫy và trung tâm quần vợt quốc tế Mỹ Đình
Theo bầu Hiển, không phải cơ quan quản lý không nhiệt tình với DN nhưng cũng có tắc về cơ chế chính sách. Ông mong muốn Quốc hội, Chính phủ và TP Hà Nội quan tâm tháo gỡ những vướng mắc này.
Chủ tịch Tập đoàn T&T dẫn dụ, hiện Hà Nội có 2 dự án quan trọng và cấp bách nhưng đang còn ách tắc là dự án tổ hợp sân vận động Hàng Đẫy và trung tâm quần vợt quốc tế ở Mỹ Đình. Cả 2 dự án này đều nằm trong diện dự án cấp bách phục vụ SEA Games 21. Do đó, bầu Hiển hy vọng 2 dự án này sớm tháo gỡ được thủ tục pháp lý để phục vụ SEA Games 21, quảng bá thu hút du lịch, tăng thu dịch vụ...
Ông hy vọng 2 dự án này sớm tháo gỡ được thủ tục pháp lý để phục vụ SEA Games 21, quảng bá thu hút du lịch, tăng thu dịch vụ...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận