24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Ts Nguyễn Trí Hiếu Vip
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tăng vốn: Khó khăn nhưng phải có sự chuẩn bị

Mặc dù việc gia tăng quy mô vốn là vô cùng cần thiết để đảm bảo khả năng kinh doanh của các ngân hàng. Với ảnh hưởng từ dịch Covid-19 rõ ràng đang gây khó khăn cho sản xuất lẫn hệ thống ngân hàng, nên việc tăng vốn năm 2020 của nhiều ngân hàng sẽ gặp không ít khó khăn.

Theo kinh nghiệm của mình, ông có thể chia sẻ quy mô vốn có vai trò thế nào đối với hoạt động của các ngân hàng?

Về lý thuyết, vốn là gối đệm cho ngân hàng, vốn càng dầy thì việc phát triển ngân hàng càng dễ dàng hơn. Tăng vốn cũng là yếu tố quan trọng để hiện thực hoá quy định theo chuẩn Basel II, củng cố năng lực tài chính gia tăng sức chống chịu của nhà băng trước những rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19.

Tuy vậy, ở thời điểm này vấn đề của các ngân hàng là chất lượng tài sản đang có dấu hiệu bị bào mòn vì nợ xấu gia tăng do Covid-19 khiến khả năng trả nợ tới hạn của khách hàng bị suy giảm, từ đó làm giảm vốn chủ sở hữu của ngân hàng. Dòng vốn ngoại là điều mà nhiều ngân hàng nhắm tới, nhưng ở thời điểm này phương hướng này không mấy lạc quan. Như năm ngoái, lĩnh vực tài chính - ngân hàng nhận được khá nhiều sự quan tâm từ phía các nhà đầu tư ngoại. Nhưng năm nay, dịch Covid-19 đã khiến tất cả các nhà đầu tư e dè, ngần ngại bởi quy mô dịch là toàn cầu và họ không biết tác động của dịch sẽ tới mức độ nào.

Liệu việc thu hút vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài có triển vọng hơn khi Việt Nam đang kiểm soát được dịch khá tốt?

Không phủ nhận Chính phủ Việt Nam đã có những giải pháp phòng, chống dịch rất khẩn trương, tích cực và hiệu quả để thực hiện mục tiêu kép phòng, chống dịch bệnh đi đôi với phát triển kinh tế, nhờ đó mà có thể sức hấp dẫn đầu tư sẽ tăng lên.

Song các nhà đầu tư nước ngoài thường có những chiến lược toàn cầu, mà chiến lược này lại dựa vào hoạt động kinh tế thế giới. Trong khi thị trường toàn cầu vẫn còn nhiều bấp bênh như hiện nay khiến họ còn e dè trong các quyết định đầu tư. Đó là chưa kể nhiều nhà đầu tư lớn, những tập đoàn tài chính, ngân hàng lớn cũng đang phải đối phó với những vấn đề trong và sau dịch Covid-19. Theo Bloomberg đến nay có hơn 30 ngân hàng lớn ở châu Âu, Bắc Mỹ, châu Á và châu Phi đã cắt giảm hoặc lên kế hoạch cắt giảm tổng cộng gần 64.000 nhân sự. Bởi vậy mới nói, nếu nội bộ đang phải gánh vác quá nhiều vấn đề lớn lao, ảnh hưởng trực tiếp tới sự sống còn của tổ chức thì việc một thị trường hấp dẫn chưa phải là yếu tố quan trọng nhất.

Vậy ông có khuyến nghị gì với những ngân hàng đang muốn tăng vốn?

Đây không phải là thời điểm thuận lợi cho các ngân hàng tăng vốn. Tôi cho rằng thời điểm sớm nhất các nhà đầu tư ngoại quay trở lại với thị trường tài chính - ngân hàng tại Việt Nam có thể phải sang tới năm 2022, khi dịch bệnh được kỳ vọng kiểm soát và nhiều quốc gia có vắc xin, hoạt động kinh tế của thế giới hồi phục.

Nói như vậy, không có nghĩa là chúng ta chỉ chờ mà không có sự chuẩn bị trước. Theo quan điểm của tôi, nếu có kế hoạch tăng vốn ngay bây giờ thì các ngân hàng phải chủ động để “đàm phán” với các nhà đầu tư, vì cũng không loại trừ khả năng có những nhà đầu tư riêng lẻ với những chiến lược riêng và những chiến lược đó không hẳn lệ thuộc vào tình hình dịch bệnh.

Mặt khác, việc tăng chi trả cổ tức bằng cổ phiếu được xem là giải pháp để tăng được vốn, nhưng thật sự cũng không dễ mà làm được vì liên quan tới sự đồng thuận của các cổ đông. Chưa kể không phải ngân hàng nào cũng có được kết quả lợi nhuận khả quan, cộng thêm phải gánh chi phí dự phòng rủi ro lớn do nợ xấu. Huy động vốn từ cổ đông hiện hữu vẫn sẽ có những trường hợp giúp ngân hàng tăng được vốn, nhất là với những cổ đông lớn khi họ thấy ngành Ngân hàng có sự phát triển trong những năm tới, nhưng những trường hợp này không mang tính đa số.

Việc đáp ứng các thông lệ quốc tế về an toàn vốn của hệ thống ngân hàng ảnh hưởng thế nào?

Đến nay, nhiều ngân hàng đã áp dụng Thông tư số 41 theo phương pháp tiêu chuẩn, một số ngân hàng đã xây dựng kế hoạch để áp dụng Thông tư số 41 chậm nhất kể từ ngày 1/1/2023. Tôi tin cơ quan quản lý sẽ có những giải pháp phù hợp để tháo gỡ với một số trường hợp bất khả kháng khi ngân hàng chưa thể thực hiện được. Nhưng nói đi phải nói lại, Basel là tiến trình mà các ngân hàng phải làm, không chỉ là Basel II mà còn tiến tới ở những cấp độ cao hơn để minh bạch hoá, tăng cường sự lành mạnh, an toàn và ổn định của hệ thống. Đáp ứng được yêu cầu về đảm bảo an toàn vốn cũng sẽ là yếu tố lợi thế đối với khả năng cấp tín dụng của nhà băng trong tương lai.

Xin cảm ơn ông!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Theo dõi người đăng bài

Ts Nguyễn Trí Hiếu Vip

Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY

Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả