Tăng trưởng tiềm năng của Đông Nam Á suy giảm
Hoa Kỳ đang cho thấy tốc độ phục hồi tăng trưởng kinh tế hiếm thấy và càng khả quan hơn khi tiêm chủng được đẩy mạnh. Trong khi đó, các nền kinh tế mới nổi ở Đông Nam Á - vốn được nhìn nhận có tốc độ và tiềm năng tăng trưởng cao - nhưng nay lại đang gặp nhiều khó khăn lớn. Và đây là điều đáng lo lắng.
Lựa chọn khó khăn
Nền kinh tế Hoa Kỳ đang bùng nổ trở lại sau sự sụt giảm trong năm 2020 vì Covid. Chính sách tiền tệ (CSTT) nới lỏng, các gói kích thích tài khóa lớn, tiêm chủng được triển khai nhanh… được xem là các yếu tố chính giúp kinh tế này hồi phục mạnh mẽ. Trong khi đó, các thị trường mới nổi khu vực Đông Nam Á dù còn những thiếu hụt về năng suất, khả năng quản trị, hay khả năng đối phó với các cuộc khủng hoảng về y tế… song vẫn được xem có sức hấp dẫn hơn, có tốc độ và tiềm năng tăng trưởng phi mã để bù đắp những thiếu hụt này. Tuy nhiên giờ đây, điều này dường như đã biến mất!
Sự thay đổi này đặt ra những dấu hỏi lớn đối với cách quản lý của các quốc gia trong vài năm tới. Trong khi CSTT ở các nền kinh tế này đã được duy trì ở trạng thái nới lỏng đáng kể kể từ năm ngoái để đối phó với đại dịch Covid-19 thì sự phục hồi tăng trưởng mạnh trở lại của Hoa Kỳ sẽ tạo ra những áp lực.
Như vậy, trường hợp tới đây nếu Fed thay đổi chính sách sẽ buộc các nước phải đứng trước hai lựa chọn: Một là “tuân thủ” cùng với Fed, theo đó cũng phải điều chỉnh CSTT của mình để thích ứng với điều chỉnh của Fed và như vậy có thể chỉ phải “trả giá thấp” cho điều này; Hoặc hai là, vẫn lựa chọn tiếp tục cố gắng thực hiện hiệu quả CSTT hiện tại, tức là đi ngược lại với chính sách thay đổi của Fed thì hậu quả là các dòng vốn sẽ rút ra và áp lực tỷ giá tăng lên.
Trước thực trạng không sáng sủa
Trong khi Mỹ dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng hơn 7% trong năm nay - kết quả tốt nhất kể từ năm 1984 thì ở một số quốc gia Đông Nam Á, triển vọng dường như lại xấu đi. Indonesia - quốc gia lớn nhất Đông Nam Á, quý I/2021 tăng trưởng GDP tụt lùi, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái và đây là quý giảm (tăng trưởng âm) lần thứ tư liên tiếp. Mặc dù mức sụt giảm đã bớt đi qua từng quý nhưng điều đó cho thấy nền kinh tế này khó có khả năng phục hồi theo hình chữ V như kỳ vọng.
Một trường hợp khác là Thái Lan. NHTW Thái Lan vừa đưa ra cảnh báo rằng, làn sóng lây nhiễm Covid hiện tại đang đe dọa đến dự báo phục hồi của ngân hàng này, và do đó chỉ dự báo mức tăng trưởng GDP kiêm tốn hơn ở mức 3% trong năm nay. NHTW của Malaysia cũng đã lên tiếng báo động, cho rằng việc tái khôi phục các lệnh đóng cửa ở các khu vực quan trọng ở quốc gia này sẽ khiến triển vọng tăng trưởng nghiêng về phía giảm đi…
Thật khó để thấy những quốc gia này có thể lấy lại được vị thế tự tin của mình trước đây - tiềm năng tăng trưởng cao - nếu không tăng mạnh được tốc độ tiêm chủng. Deutsche Bank AG đưa ra tính toán rằng, 70% tỷ lệ dân số được bảo vệ khỏi sự lây nhiễm Covid-19 - bao gồm thông qua tiêm chủng hoặc bị nhiễm bệnh nhưng đã phục hồi - sẽ là một ngưỡng quan trọng cần đạt được để một nền kinh tế có thể trở lại hoàn toàn trong “trạng thái bình thường mới”. Và trên thế giới, một số nền kinh tế phát triển đang nhanh chóng đẩy tốc độ tiêm chủng vacxin cho người dân, như Hoa Kỳ và Anh (trong khi Nhật Bản vẫn đang chậm chạp). Ở khu vực Đông Nam Á, mới chỉ có Singapore đang đạt được những tiến bộ đáng kể, phần các nước còn lại đang bị tụt lại phía sau.
Đại dịch Covid-19 có thể chôn vùi bất kỳ hy vọng nào còn sót lại rằng các nền kinh tế Đông Nam Á mới nổi có thể lấy lại tốc độ tăng trưởng như trước cuộc khủng hoảng tài chính và cuối những năm 1990. Các nền kinh tế được gọi là các “con hổ kinh tế châu Á” (Tiger Economies) của khu vực kể từ đó đã bị lu mờ bởi sự trỗi dậy của Trung Quốc và tốc độ tăng trưởng của họ chưa bao giờ lặp lại được đỉnh cao trước đây đã từng có. Covid-19 hiện nay dường như còn đem đến một trạng thái mới tồi tệ hơn cho các nền kinh tế này – đó là sự đình trệ.
Việc chậm trễ kéo dài trong tiêm chủng là tin xấu, nhất là với những quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào du lịch như Thái Lan. Mọi người chỉ đến du lịch khi họ cảm thấy yên tâm (an toàn), nên chỉ khi có được tỷ lệ dân số tiêm chủng đủ lớn mới có thể tạo ra sự khác biệt. Bên cạnh đó, các chính phủ trong khu vực cũng đang phải đối mặt với lời kêu gọi cần tăng cường và mở rộng hỗ trợ cho các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề vì Covid, trong khi nguy cơ về các doanh nghiệp “xác sống” (zombie) cũng đang gia tăng.
Như Michael Spencer, chuyên gia kinh tế trưởng về châu Á của Deutsche Bank, viết trong một nghiên cứu gần đây: “Việc không có khả năng đạt được miễn dịch cộng đồng có thể sẽ phải trả giá bằng tăng trưởng bị kìm hãm ở các nền kinh tế này trong nhiều năm”.
Giờ đây, có lẽ Mỹ mới là “con hổ kinh tế” mới nhất.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận