Tăng trưởng năm 2024 sẽ đạt được kỳ vọng của Chính phủ
Theo Tổng cục Thống kê, kịch bản tăng trưởng trong quý III/2024 và quý IV/2024 lần lượt đạt 6,53% trong và 6,61% so với cùng kỳ.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng của nền kinh tế đạt 6,4% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 3,7% trong 6 tháng đầu năm 2023 và tương đương tăng trưởng của cùng kỳ 2022. Giới phân tích đánh giá tích cực đối với sự cải thiện của nền kinh tế trong quý II/2024, đồng thời, động lực tăng trưởng có thể duy trì trong nửa cuối năm, bất kể thực tế là hiệu ứng mức nền thấp sẽ dần biến mất.
Bên cạnh tăng trưởng GDP, các doanh nghiệp cũng tỏ ra lạc quan hơn với bối cảnh kinh doanh nửa cuối năm 2024. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, hoạt động sản xuất kinh doanh quý II/2024 thuận lợi hơn quý I/2024 với 37,4% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn; 41,6% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 21% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.
Theo góc nhìn của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thương mại toàn cầu tăng trưởng sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cùng với khu vực sản xuất của Việt Nam. Trong báo cáo cập nhật của HSBC về thương mại thế giới tháng 6/2024, tăng trưởng sản lượng xuất khẩu của thế giới kỳ vọng sẽ đạt 2,8% năm 2024 và 3,6% năm 2025. Lập luận ủng hộ cho xu hướng này là lượng nhập khẩu của Mỹ được kỳ vọng vẫn duy trì ở mức cao và xu hướng tồn kho giảm vẫn diễn ra ở hầu hết các nhóm ngành sản xuất. Trong nước, mức tăng đột biến của chỉ số PMI trong tháng 6/2024 lên 54,7 điểm là một chỉ báo lạc quan cho triển vọng hoạt động sản xuất công nghiệp trong nửa cuối năm 2024.
Ngoài ra, tiêu dùng nội địa kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn nhờ chính sách tăng tiền lương và tác động trễ của chính sách tiền tệ. Quy mô ngân sách dành cho chương trình cải cách tiền lương năm 2024 ước tính khoảng 1,2% tổng doanh số bán lẻ hàng hoá và dịch vụ và 0,7% quy mô GDP hiện hành năm 2023. Mặc dù mặt bằng lãi suất huy động đã nhích tăng trở lại, lãi suất cho vay bình quân vẫn sẽ thấp hơn so với cùng kỳ năm trước trong nửa cuối năm 2024. Do đó, tiêu dùng và tín dụng tiêu dùng vẫn có thể hưởng lợi phần nào từ yếu tố này.
Cuối cùng, VDSC cho rằng sự cải thiện của đầu tư tư nhân là một điểm sáng của kinh tế 6 tháng đầu năm. Trong nửa cuối năm 2023, tăng trưởng đầu tư của khu vực này vẫn khá yếu. Do đó, hiệu ứng nền thấp của đầu tư tư nhân vẫn có thể được duy trì trong 6 tháng cuối năm, từ đó đóng góp vào tăng trưởng kinh tế nói chung.
Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, kịch bản tăng trưởng trong quý III/2024 và quý IV/2024 lần lượt đạt 6,53% trong và 6,61% so với cùng kỳ. Với những phân tích trên, VDSC cho rằng kịch bản này là khả thi và giúp cho tăng trưởng kinh tế đạt 6,5%. Trong trường hợp biến động bất thường về nhu cầu bên ngoài, đầu tư và tiêu dùng không phục hồi như kỳ vọng, kinh tế Việt Nam năm nay vẫn có thể đạt được mức tăng trưởng cận dưới 6,0% mà Chính phủ đặt ra.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận