Tăng trưởng lợi nhuận và lãi suất thấp là động lực cho thị trường chứng khoán
Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2024 đã và đang chứng kiến một giai đoạn đi ngang, hay còn được biết đến là sideway, tạo ra không ít thử thách cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, những diễn biến hiện tại lại chính là tín hiệu cho thấy thị trường đang trong quá trình tích lũy, chuẩn bị cho một chu kỳ tăng trưởng mạnh mẽ sắp tới.
Góc nhìn dài hạn cho thị trường chứng khoán
Đánh giá tổng quan về thị trường trong quý III vừa qua, ông Vương Dương Đức - Phó phòng Phân tích và Đầu tư Công ty TNHH Một Thành Viên Quản lý Quỹ Dai-ichi Life Việt Nam (DFVN) cho biết, bên cạnh những chỉ số vĩ mô quen thuộc mà nhà đầu tư (NĐT) thường theo dõi qua truyền thông, nhìn từ góc độ của Công ty quản lý Quỹ, có 2 yếu tố chính có thể tác động mạnh đến thị trường chứng khoán (TTCK) là lãi suất và lợi nhuận doanh nghiệp. Hai yếu tố này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc định giá thị trường cũng như dòng tiền vào TTCK.
Đối với tác động của lãi suất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang hướng tới một chính sách tiền tệ nới lỏng trong dài hạn. Bước đầu trong năm 2024, NHNN đã sớm giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng và triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ tín dụng.
Chính sách nới lỏng này còn thể hiện qua cách NHNN điều tiết tỷ giá, sử dụng các công cụ như tín phiếu và cho vay qua thị trường mở để đảm bảo thanh khoản, tránh việc siết chặt đột ngột làm ảnh hưởng đến thị trường chung.
Trong bối cảnh các ngân hàng trung ương lớn như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất và nhiều quốc gia cũng nới lỏng chính sách tiền tệ, NHNN có thêm điều kiện thuận lợi để duy trì chính sách này khi thấy những tín hiệu tích cực.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, một số yếu tố mang tính thời vụ, hoặc nhu cầu tín dụng từ các ngân hàng có thể khiến lãi suất biến động. Dù vậy, chính sách tiền tệ nới lỏng vẫn sẽ là định hướng dài hạn của NHNN.
Tổng giá trị giao dịch theo loại nhà đầu tư trên HOSE ngày 15/11/2024.
Yếu tố thứ hai là lợi nhuận doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có thể cải thiện lợi nhuận thông qua tiết kiệm chi phí, hoặc tăng trưởng doanh thu. Trong môi trường lãi suất thấp, chi phí lãi vay giảm, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí tài chính. Ngoài ra, những biến động về giá nguyên vật liệu cũng có thể ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp.
Nhận định sâu hơn về thị trường trong giai đoạn sideway hiện nay, ông Đặng Nguyễn Trường Tài - Giám đốc đầu tư tại DFVN chỉ ra rằng, thị trường từ tháng 4 đến nay dao động trong biên độ hẹp, không có xu hướng rõ ràng và thiếu các yếu tố hấp dẫn. "Trong bối cảnh này, theo quan điểm của chúng tôi, đây là lúc cần chuẩn bị cho những thay đổi và kỳ vọng lớn hơn trong tương lai" - ông Tài nói.
Phân tích xa hơn, có thể thấy 2 yếu tố cốt lõi ảnh hưởng đến thị trường là tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp và nền lãi suất thấp. Các yếu tố này đã tạo ra những đợt sóng tăng trưởng mạnh vào các năm trước khi dòng vốn ngoại đổ vào và nền kinh tế phục hồi nhanh.
Hiện nay, thị trường có nhiều điểm tương đồng với giai đoạn trước khi bước vào chu kỳ tăng trưởng của năm 2017, khi các yếu tố hỗ trợ bắt đầu định hình và ngân hàng trung ương theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng.
Nhóm phân tích của DFVN cũng đưa ra kịch bản khả quan là nếu các yếu tố như lợi nhuận doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng và môi trường lãi suất thấp kéo dài, kết hợp với các yếu tố thúc đẩy như dòng vốn ngoại quay trở lại, thị trường hoàn toàn có khả năng đạt đến những mức cao hơn trong vòng 2-3 năm tới.
Chính sách tiền tệ nâng đỡ ngành Ngân hàng
Về các nhóm ngành triển vọng trong quý IV, ông Đức cho biết, ngân hàng, tiêu dùng và bất động sản là 3 nhóm ngành tiềm năng.
Theo đó, ngành Ngân hàng đang hưởng lợi trực tiếp từ chính sách tiền tệ nới lỏng, thu hút được dòng tiền đầu tư. Ngân hàng hiện được xem là nơi "trú ẩn an toàn" cho dòng vốn trong giai đoạn thị trường biến động. Với triển vọng lợi nhuận tích cực, ngành Ngân hàng có tiềm năng tăng trưởng ổn định trong tương lai gần.
Ngành tiêu dùng cũng có triển vọng đáng kể. Thứ nhất, biên lợi nhuận của ngành dự kiến sẽ cải thiện khi chi phí nguyên liệu giảm. Thứ hai, định giá của các cổ phiếu trong ngành tiêu dùng hiện tương đối hấp dẫn và cuối cùng, kỳ vọng tăng trưởng của tiêu dùng nội địa có khả năng tác động tích cực đến lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành này.
Cuối cùng, đối với ngành bất động sản, tuy có tín hiệu hồi phục, nhưng để phục hồi hoàn toàn thì vẫn cần thêm thời gian.
Chia sẻ thêm về triển vọng tăng trưởng lợi nhuận ngành Ngân hàng, ông Đức dự báo, ngành này có nhiều điều kiện thuận lợi để duy trì lợi nhuận tích cực. Thứ nhất, với chính sách của NHNN cho phép các ngân hàng tăng trưởng tín dụng, nhiều ngân hàng đã đạt mức tăng trưởng tín dụng hơn 20% so với cùng kỳ vào giữa năm 2023.
Thứ hai, trong bối cảnh lãi suất có xu hướng giảm, các ngân hàng có thể cải thiện NIM (biên lãi ròng) nhờ vào chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay, cũng như chênh lệch kỳ hạn giữa huy động ngắn hạn và cho vay dài hạn. Khi lãi suất huy động giảm nhanh hơn lãi suất cho vay, đây là cơ hội để ngân hàng cải thiện lợi nhuận.
Bên cạnh đó, NHNN dự kiến sẽ tiếp tục hỗ trợ ngành qua việc cho phép tái cơ cấu và gia hạn nợ xấu, cũng như phân bổ chi phí tín dụng trong thời gian dài hơn. Điều này sẽ giúp các ngân hàng giảm bớt áp lực từ các khoản nợ xấu, bảo đảm hoạt động ổn định và thúc đẩy sự phát triển bền vững cho ngành trong giai đoạn tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận