Tăng "nóng", lãi suất tiết kiệm cao nhất 8,3%/năm: "Đại gia" phân bón và loạt doanh nghiệp dầu khí, bảo hiểm hưởng lợi
Cuộc đua lãi suất “nóng” hơn khi những “ông lớn” ngân hàng quốc doanh cũng đã nhập cuộc. Các công ty bảo hiểm và các doanh nghiệp với lượng “tiền mặt” lớn có thể hưởng lợi từ môi trường lãi suất tăng.
Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, đến hết ngày 30/6, tín dụng toàn nền kinh tế đạt 11,4 triệu tỷ, tăng 9,35% so với cuối năm 2021 và cao hơn cùng kỳ năm trước (6,9%).
Cùng thời điểm, huy động vốn dù đã cải thiện so với con số 4,09% của cùng kỳ năm ngoài nhưng cũng chỉ tăng 4,51% - bằng một nửa so với tốc độ tăng trưởng của tín dụng.
Tăng "nóng", lãi suất tiết kiệm cao nhất 8,3%/năm
Theo các chuyên gia, lãi suất huy động sẽ chịu áp lực tăng trong năm nay khi tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn phục hồi kinh tế trong khi các ngân hàng phải cạnh tranh gay gắt với các kênh đầu tư hấp dẫn như bất động sản và chứng khoán.
Ngoài ra, áp lực lạm phát tiếp tục hiện hữu trong các tháng tiếp theo cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng gây áp lực lên lãi suất tiền gửi.
Thực tế, cuộc đua lãi suất ngày càng "nóng" hơn khi nhóm ngân hàng quốc doanh kể từ cuối tháng 6, đầu tháng 7 đã không thể đứng ngoài cuộc. Chỉ tính từ đầu tháng 7 đến nay đã có hơn 10 ngân hàng điều chỉnh tăng biểu lãi suất tiết kiệm, trong đó có ngân hàng mạnh tay cộng thêm đến 1 điểm % lãi suất tại một số kỳ hạn.
Hiện, lãi suất tiết kiệm cao nhất ở mức 8,3%, kỳ hạn gửi 13 tháng tại ABBank – đây cũng là mức lãi suất tham chiếu cho các khoản vay tại ABBank.
Trong môi trường lãi suất tiết kiệm tăng, doanh nghiệp nào hưởng lợi?
Theo các chuyên gia tại Chứng khoán VNDirect, việc lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng là một tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp ngành bảo hiểm khi nguồn thu nhập chính của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đến từ việc đầu tư trái phiếu và gửi ngân hàng lấy lãi, ngoài ra cũng có đầu tư cổ phiếu, bất động sản hay góp vốn vào công ty liên kết... nhưng tỷ trọng không lớn.
Theo thống kê, danh mục đầu tư của một phần lớn công ty bảo hiểm tập trung chủ yếu vào tiền gửi và trái phiếu (khoảng 90%, trong đó 68% là tiền gửi còn lại 21% là trái phiếu). Trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua, lợi suất của 2 loại tài sản này đã giảm mạnh.
Tuy nhiên, VNDirect tin rằng lãi suất đã tạo đáy và đang tăng dần trở lại khi thế giới và Việt Nam phục hồi mạnh mẽ sau bệnh dịch, kéo theo nhu cầu tín dụng và lạm phát tăng cao.
Dựa vào dữ liệu năm 2021, ước tính là nếu lãi suất tăng 10 điểm cơ bản thì lợi nhuận của các công ty bảo hiểm thuần phi nhân thọ như PVI, MIG, và BMI sẽ tăng khoảng 1% và lợi nhuận của BVH sẽ tăng 5%. BVH có mức tăng trưởng cao là do 80% lợi nhuận của BVH từ nhân thọ/20% từ phi nhân thọ.
Cũng theo các chuyên gia, dù cho việc lãi suất thấp đã gây ảnh hưởng xấu đến hiệu quả đầu tư của các công ty bảo hiểm, thị trường cổ phiếu với mức tăng trưởng nhảy vọt trong năm 2021 đã giúp các công ty này duy trì được lợi suất đầu tư ổn định trong giai đoạn bệnh dịch vừa qua.
Bước sang năm 2022, chỉ số Vn-Index hiện đã giảm 21% từ đầu năm. Sự sụt giảm mạnh này rõ ràng sẽ có ảnh hưởng không tốt lên các khoản đầu tư cổ phiếu của các công ty bảo hiểm.
Tuy nhiên, VNDirect tiếp tục duy trì quan điểm tích cực đối với thị trường cổ phiếu Việt Nam từ bây giờ cho đến hết năm 2022. Cộng với lợi ích từ xu hướng lãi suất tăng (mặc dù ở tốc độ tương đối chậm), các công ty bảo hiểm sẽ tiếp tục đạt được lợi suất ổn định trong năm nay.
Không chỉ các doanh nghiệp bảo hiểm, các doanh nghiệp có nhiều tiền mặt cũng sẽ hưởng lợi từ cuộc đua lãi suất này.
TOP 10 công ty niêm yết trên HoSE có lượng tiền mặt ròng (bao gồm tiền mặt cộng với các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn trừ đi nợ ngắn hạn và dài hạn) lớn nhất gồm Dược Hậu Giang (DHG); Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (BHN); FPT; Công ty Cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC); Đạm Cà Mau (DCM); Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR), Đạm Phú Mỹ (DPM); Vinamilk (VNM), Sabeco (SAB) và GAS. Trong đó, GAS đang là doanh nghiệp có lượng tiền mặt ròng lớn nhất lên tới 25.000 tỷ đồng và Sabeco đứng vị trí thứ 2 với gần 20.000 tỷ đồng.
Còn theo dữ liệu của Fiinpro tại ngày 13/05/2022, Công ty Cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam (mã chứng khoán: PVG) là doanh nghiệp có tỷ lệ tiền ròng (sau khi trừ các khoản nợ vay ngắn hạn và dài hạn) lớn nhất, lên đến 218,16% mức vốn hóa của doanh nghiệp.
Tiếp theo là Đầu tư dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (mã chứng khoán: TCH) với mức tiền ròng đạt 97,57% vốn hóa, cụ thể là 7.856 tỷ đồng tiền ròng và Xây dựng Coteccons (mã chứng khoán: CTD) xếp thứ 3 với tỷ lệ tiền ròng/vốn hóa đạt 94,31%, cụ thể là 2.992 tỷ đồng.
Xét riêng các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực sản xuất, nhiều doanh nghiệp hiện đang có dòng tiền cải thiện tốt trong quý I/2022, thêm vào đó các doanh nghiệp này cũng đang sở hữu lượng tiền mặt lớn.
Dẫn dầu là Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí PTSC (mã chứng khoán: PVS) với giá trị tiền ròng/vốn hóa đạt hơn 72%. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của PVS cũng cải thiện mạnh từ mức -1.356 tỷ đồng trong quý I/2021 lên mức 667 tỷ đồng trong quý I/2022 vừa qua.
Danh sách các doanh nghiệp sản xuất có lượng tiền ròng so với vốn hóa lớn nhất còn có sự xuất hiện của PV Oil – OIL (5.293 tỷ đồng tiền ròng), Đạm Cà Mau – DCM (6.088 tỷ đồng tiền ròng), Cao su Đồng phú – DPR (1.152 tỷ đồng tiền ròng),…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận