'Tăng học phí phải chia sẻ khó khăn với người dân'
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị bộ ngành, địa phương xác định học phí phải chia sẻ khó khăn với người dân, đồng thời đánh giá tác động của việc tăng học phí.
Chiều 4/6, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết trong cuộc họp Chính phủ sáng nay, Bộ được giao tiếp tục nghiên cứu xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng học phí; nghiên cứu toàn diện tác động của việc tăng học phí tới các đối tượng khác nhau, nhất là đối với học sinh, sinh viên, gia đình khó khăn. Trên cơ sở đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất Chính phủ các biện pháp hỗ trợ cần thiết.
Học phí tại các cơ sở giáo dục công lập được quy định tại Nghị định 81 của Chính phủ, tuy nhiên, Bộ sẽ tiếp tục hướng dẫn để trong khung học phí đó, các địa phương, cơ sở giáo dục đại học điều chỉnh cho phù hợp với từng trường, từng địa phương, khả năng chi trả của người dân và nhu cầu tổ chức dạy, học trong tình hình mới.
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn tại họp báo Chính phủ chiều 4/6. Ảnh: VGP
Nghị định 81 của Chính phủ áp dụng từ năm học 2021-2022. Tuy nhiên, thời điểm chuẩn bị ban hành, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên Bộ đã đề xuất và học phí được giữ như năm 2020-2021.
Học phí năm học 2022-2023 đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên thực hiện theo khung (mức sàn - mức trần) quy định tại Nghị định 81. Cụ thể:
Vùng |
Năm học 2022 - 2023 (đơn vị nghìn đồng/học sinh/tháng) |
|||
Mầm non |
Tiểu học |
Trung học cơ sở |
Trung học phổ thông |
|
Thành thị |
300.000 -540.000 |
300.000 - 540.000 |
300.000 - 650.000 |
300.000 - 650.000 |
Nông thôn |
100.000 - 220.000 |
100.000 - 220.000 |
100.000 - 270.000 |
200.000 - 330.000 |
Vùng dân tộc thiểu số và miền núi |
50.000 - 110.000 |
50.000 - 110.000 |
50.000 - 170.000 |
100.000 - 220.000 |
Hội đồng nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào quy định trên để quyết định khung học phí hoặc mức học phí cụ thể và quyết định việc sắp xếp, phân loại các vùng trên địa bàn để cơ sở giáo dục áp dụng mức thu học phí. "Có trần có sàn, song địa phương cũng có thể quyết định miễn học phí", ông Sơn nói.
Theo Thứ trưởng Giáo dục, từ năm học 2023-2024 trở đi, HĐND các địa phương căn cứ tình hình cụ thể về điều kiện kinh tế xã hội, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, đặc điểm của địa phương, khả năng đóng góp thực tế của người dân... để quyết định khung học phí hoặc mức học phí áp dụng tại địa phương cho mầm non và giáo dục phổ thông. Mức điều chỉnh không quá 7,5% /năm.
Theo lộ trình, học phí đến năm 2025 mới tính đủ chi phí cho cấp đại học, còn mầm non và phổ thông thì đến năm 2030 tính đủ chi phí.
Mặc dù dịch dã đã được kiểm soát, cuộc sống trở lại bình thường, nhưng việc phục hồi kinh tế xã hội cần nhiều thời gian. Do đó, ngày 23/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi các bộ, ngành, địa phương đề nghị chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc xác định mức học phí cũng như lộ trình tăng học phí phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương, chia sẻ khó khăn với người dân.
"Bộ cũng tăng cường thanh tra kiểm tra khoản thu, học phí của các cơ sở giáo dục để đảm bảo tuyệt đối không xảy ra lạm thu đầu năm học", ông Sơn cho hay.
Hoàng Thùy - Viết Tuân
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận