Tăng giá điện 3% chỉ giải quyết được một phần khó khăn cho EVN
Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, giá điện chịu ảnh hưởng lớn bởi giá đầu vào, dù tăng giá 3% nhưng cũng chỉ giải quyết được một phần nào khó khăn cho EVN.
Chia sẻ tại toạ đàm Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: "Nhìn lại và Hướng tới" sáng 26/9, ông Nguyễn Xuân Nam - Phó Tổng Giám đốc EVN đã có những chia sẻ về nguyên nhân mà tập đoàn này liên tục báo lỗ trong thời gần đây.
Ông Nam cho biết, EVN được Đảng, Chính phủ và Nhà nước giao nhiều nhiệm vụ, nhiều mục tiêu hơn là chỉ phục vụ mục đích kinh tế. Đó là mục tiêu an sinh xã hội, cung ứng đủ điện cho đời sống nhân dân và cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
"Nhiệm vụ căn bản nhất của EVN là cung ứng đủ điện cho đất nước, cho phát triển kinh tế. EVN cũng đang nỗ lực để cung cấp điện cho cả vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo”, ông Nguyễn Xuân Nam nói.
Tuy nhiên, khi đầu tư để thực hiện hoạt động cung cấp điện cho vùng sâu, vùng xa, giá điện bán ra có thể lên đến 7.000 đồng/KWh. Mặc dù vậy, hiện nay EVN chỉ bán với mức giá từ 1.900 đồng/KWh.
"Đó là một ví dụ cho câu chuyện hiện nay mà EVN đang phải đối mặt. Vì phục vụ cuộc sống người dân là ưu tiên hàng đầu, thực hiện nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao phó nên EVN chấp nhận việc giá bán ra thấp hơn nhiều so với giá mua vào”, Phó Tổng Giám đốc EVN nói.
Phó Tổng Giám đốc EVN còn cho biết, năm 2022 là một năm rất khó khăn đối tập đoàn do những sự bất ổn địa chính trị ở trên thế giới. Khi chiến tranh Nga - Ukraine xảy ra các mặt hàng đầu vào phục vụ cho sản xuất điện như than, khí, dầu... tăng đột biến.
“Ví dụ như có lúc giá than đã tăng gấp 5 lần, có lúc lên đến 400 USD/tấn. Ngoài ra, giá dầu cũng tăng gấp đôi. Điều này khiến giá vốn sản xuất điện tăng lên, đẩy giá điện mua vào cũng tăng theo, gây ra những khó khăn tài chính cho EVN”, Phó Tổng Giám đốc EVN nói.
Cũng theo ông Nam, sang đến năm 2023, giá các mặt hàng cũng đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao. “Mặc dù giá điện cũng đã được tăng 3% nhưng cũng chỉ giải quyết được một phần nào", ông Nam bày tỏ.
Năm nay, kế hoạch đầu tư xây dựng của EVN là 94.860 tỷ đồng. Với kết quả sản xuất kinh doanh lỗ, EVN cho hay, không thể trả nợ đúng hạn các ngân hàng, và chi phí, lãi suất các khoản vay tăng lên do đánh giá mức độ rủi ro tăng thêm với bên cho vay.
Việc này khiến tập đoàn gặp khó trong huy động, cân đối nguồn vốn để đầu tư các dự án, đảm bảo vận hành an toàn, cung ứng điện cho các năm tiếp theo.
Trong bối cảnh chi phí mua điện tăng quá cao, nhưng giá bán lẻ điện bình quân 2022 không được điều chỉnh kịp thời khiến EVN bị lỗ hơn 36.200 tỷ đồng từ sản xuất kinh doanh điện. Sau khi trừ đi các khoản tiết kiệm đầu tư, sửa chữa lớn và tài chính khác, mức lỗ là trên 26.200 tỷ đồng. EVN đề nghị Chính phủ, các bộ chấp thuận khoản lỗ hai năm (2022-2023) là do thực hiện chính sách.
Tại hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) do Thủ tướng chủ trì ngày 14/9, ông Đặng Hoàng An - Chủ tịch EVN cho biết, tập đoàn tập trung vào 3 nhiệm vụ chính là cung ứng điện, cân bằng tài chính và thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng.
Ông An khẳng định, từ nay đến cuối năm, EVN hứa với Thủ tướng là đảm bảo cung ứng điện. Về cân bằng tài chính, doanh nghiệp này đang tập trung các giải pháp tối ưu chi phí, cắt giảm chi phí không cần thiết cắt bớt gánh nặng tài chính. Ông An cũng kỳ vọng trong thời gian tới EVN sẽ dần cân bằng tài chính.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận