Tăng cước vì tài xế, Grab và Be “bỏ quên” khách hàng
Nếu tăng cước là để đối tác tài xế có thêm cơ hội tăng thu nhập, thì tại sao các hãng không giảm chiết khấu, phí ứng dụng cho tài xế, mà chỉ đánh vào túi tiền của khách hàng?
Nhấp nhổm tăng giá
Đến nay, cùng với sự leo thang của giá xăng từ đầu năm 2022, đã có 2 hãng taxi công nghệ tăng giá.
Theo đó, từ ngày 10/3, Grab bắt đầu điều chỉnh cước các dịch vụ “nhằm thích ứng với những biến động về giá xăng dầu và giá tiêu dùng”. Cụ thể, với GrabCar, cước điều chỉnh đối với dịch vụ xe 4 chỗ tại TP.HCM và Hà Nội tăng 2.000 đồng/km, lên mức 29.000 đồng cho 2 km đầu tiên và cước mỗi km tiếp theo là 10.000 đồng; Grab 7 chỗ là 34.000 đồng cho 2 km đầu tiên và mỗi km tiếp theo là 13.000 đồng.
Dịch vụ có giá cao nhất của Grab là GrabCar Protect 7 chỗ tại TP.HCM, được điều chỉnh cước lên 38.600 đồng cho 2 km đầu tiên, 13.900 đồng mỗi km tiếp theo; tại Hà Nội là 34.300 đồng cho 2 km đầu tiên và 11.800 đồng mỗi km tiếp theo.
GrabCar cũng tăng cước tại Lâm Đồng, Bắc Ninh, Vũng Tàu, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Huế, Cà Mau, Cần Thơ, An Giang, Tiền Giang, Gia Lai, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Vĩnh Phúc. Mức giá phổ biến là 27.500 đồng cho 2 km đầu tiên, khoảng 10.000 - 12.400 đồng cho mỗi km tiếp theo với dịch vụ xe 4 chỗ.
Theo bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam, việc điều chỉnh giá dịch vụ của Grab là để thích ứng với những biến động về giá xăng dầu và giá tiêu dùng. Grab hy vọng, việc điều chỉnh này sẽ giúp bù đắp một phần chi phí vận hành của đối tác tài xế, để họ có thêm cơ hội tăng thu nhập trang trải cuộc sống, khuyến khích đối tác hoạt động tích cực và phục vụ người dùng tốt hơn.
Trong khi đó, Be đã nhanh chân tăng cước tại Hà Nội từ tháng 2. Cụ thể, phí 2 km đầu của dịch vụ beBike là 14.000 đồng, mỗi km tiếp theo từ 4.180 đồng/km tăng lên 4.600 đồng/km. Cước mỗi km của dịch vụ beDelivery được giữ nguyên, song 2 km đầu tăng từ 14.500 đồng lên 16.000 đồng.
Với dịch vụ beCar 4 chỗ, Be điều chỉnh cước 2 km đầu tiên từ 27.000 đồng lên 29.000 đồng, cước mỗi km tiếp theo từ 9.350 đồng lên 9.500 đồng, mỗi phút di chuyển từ 440 đồng lên 500 đồng. Cước mỗi km tiếp theo sau 12 km cũng tăng từ 8.500 đồng lên 9.000 đồng.
Trả lời về kế hoạch tăng cước, đại diện Gojek cho hay: “Gojek Việt Nam chưa có kế hoạch điều chỉnh giá liên quan đến việc tăng giá xăng dầu. Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi các biến động thị trường cùng các yếu tố khác để đưa ra các chính sách phù hợp, đảm bảo quyền lợi hợp lý cho đối tác tài xế và người dùng”.
Khách hàng bị… bỏ quên?
Với việc tăng cước của các ứng dụng gọi xe công nghệ, các hãng xe và tài xế là đối tượng có lợi, còn người dùng dịch vụ sẽ phải trả thêm tiền.
“Trước đây, mỗi ngày tôi đổ 500.000 đồng tiền xăng, chạy được khoảng 200 km, nhưng nay, khi giá xăng tăng, phải đổ tới 600.000 đồng. Việc tăng cước taxi công nghệ khi giá xăng tăng mạnh phần nào bù đắp chi phí cho tài xế. Nhưng điều tôi lo nhất là 2 ngày sau khi tăng cước, lượng khách vốn đã giảm vì dịch bệnh lại càng giảm mạnh”, anh Đỗ Mạnh Hùng, tài xế GrabCar tại Cầu Giấy (Hà Nội) cho hay.
Còn theo anh Đặng Văn Chỉnh, tài xế GrabBike ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), từ khi giá xăng tăng, khách hàng đi xe, đặt đồ ăn giảm mạnh. “Nên chăng, Grab cần nghiên cứu, xem xét giảm tỷ lệ khấu trừ thì hợp lý hơn. Hiện đối tác tài xế bị khấu trừ 28-33% thu nhập, nếu giảm xuống còn 10-15% thì chúng tôi sẽ dễ thở hơn rất nhiều. Tài xế sẽ không còn phải bán xe trả nợ và tích cực chạy xe hơn”, anh Chỉnh đề nghị.
Được biết, Grab đang thu phí sử dụng ứng dụng không đổi ở 2 mức là 27,037% và 31,57% sau khi Chính phủ áp dụng chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng với nhiều dịch vụ, trong đó có dịch vụ vận tải. Trước đó, Grab thu phí ở hai mức là 28,36% và 32,84%.
“Giá xăng tăng hơn 10%, nhưng các hãng taxi công nghệ chỉ dám tăng giá 5% cho thấy sự cẩn trọng của họ. Các hãng không dám tăng cước mạnh vì sợ mất khách. Song muốn hỗ trợ tài xế, các hãng nên giảm hoặc miễn phí nền tảng và các loại phụ phí khác, bởi cơ cấu các khoản chiết khấu, phí và phụ phí trong cước dịch vụ hiện khá lớn”, chuyên gia tài chính công nghệ Trần Việt Anh nói.
Hiện phụ phí của các hãng gọi xe công nghệ khá nhiều và không rẻ. Ví dụ, Grab thu nhiều loại phí như: phí thay lộ trình 15.000 đồng với GrabCar, 5.000 đồng với GrabBike; phí thêm điểm dừng 10.000 đồng/điểm với GrabCar, 5.000 đồng/điểm với GrabBike; phụ phí ban đêm 20.000 đồng/chuyến với GrabCar, 10.000 đồng/chuyến với GrabBike; phụ phí khi mưa lớn 5.000 đồng/cuốc tại các khu vực đang có mưa lớn ở TP.HCM… Bên cạnh đó là loại phí nền tảng, Grab, Be, Gojek áp dụng mức 1.000 - 3.000 đồng/cuốc xe. Tất cả các loại phí này đều “đánh vào” người dùng.
Đồng ý là việc Grab, Be tăng cước là để giúp đối tác tài xế đảm bảo thu nhập, nhưng khách hàng - đối tượng bị ảnh hưởng lớn nhất trong việc tăng cước thì sao? Tại sao họ không miễn, giảm rất nhiều loại phí nêu trên cho khách hàng? Phải chăng khách hàng đang bị các hãng xe này “bỏ quên”?
Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã có công văn gửi UBND các quận, huyện thị xã; Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải; các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng ô tô trên địa bàn TP. Hà Nội. Theo đó, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ vận chuyển hành khách tuyến cố định bằng đường bộ, vận chuyển hành khách bằng xe taxi trên địa bàn Thành phố thực hiện kê khai giá, niêm yết giá và tuyệt đối không được lợi dụng việc giá nhiên liệu tăng để tăng giá ở mức cao, thu cao hơn mức giá kê khai, thực hiện lập phương án giá theo đúng các chi phí hợp lý phát sinh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận