Tân Hoàng Minh bỏ cọc, đất Thủ Thiêm phải đấu giá lại
Sau khi Tân Hoàng Minh chấp nhận bỏ cọc gần 600 tỷ đồng và rút lui khỏi ô đất 3-12 khu chức năng số 3, khu đô thị Thủ Thiêm, theo quy định Luật Đấu giá, Hội đồng đấu giá phải huỷ kết quả và đấu giá lại.
Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng đã xin đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất 24.500 tỷ đồng tại Thủ Thiêm, chấp nhận mọi chế tài xử lý.
Trong bức "tâm thư" dài 3 trang đề ngày 10/11, ông Dũng giải thích quyết định này nhằm đảm bảo một phần sự ổn định thị trường kinh doanh bất động sản. Do "sau khi đấu giá trúng, Tập đoàn lắng nghe rất nhiều dư luận xã hội và thấy rằng kết quả trúng đấu giá cao như vậy có thể dẫn đến hệ lụy không tốt. Đặc biệt sau khi tiếp nhận ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại kỳ họp bất thường Quốc hội vừa qua".
Lúc này, một vấn đề mà dư luận quan tâm là hệ quả pháp lý từ quyết định của Tân Hoàng Minh là gì?
Trao đổi với Nhadautu.vn, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, đương nhiên là Tân Hoàng Minh sẽ mất tiền đặt cọc gần 600 tỷ đồng. Còn về "số phận" của ô đất 3-12 khu chức năng số 3 trong khi đô thị Thủ Thiêm thì tổ chức đấu giá sẽ đấu giá lại để lựa chọn nhà đầu tư khác.
Cụ thể theo Điều 51, Điều 52 Luật Đấu giá (năm 2016), cuộc đấu giá này là 'không thành' nên buộc phải đấu giá lại mà không thể chuyển tiếp cho người bỏ giá liền sau.
Trường hợp chuyển tiếp cho người trúng đấu giá liền kề chỉ áp dụng ngay trong cuộc đấu giá, sau khi đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá đã công bố người trúng đấu giá mà tại cuộc đấu giá người này từ chối kết quả trúng đấu giá thì người trả giá liền kề là người trúng đấu giá.
Trường hợp của Tân Hoàng Minh đấu giá đất Thủ Thiêm, vụ việc đấu giá đã thành thì không có việc chọn người liền kề. Và theo quy định, sau 3 ngày phải xử lý xong tiền đặt trước của những người tham gia đấu giá.
Việc Tân Hoàng Minh đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá sẽ buộc phải bỏ cọc và muốn lựa chọn người mua lô đất Thủ Thiêm thì phải tổ chức đấu giá lại.
Trả lời về băn khoăn "cuộc đấu giá lô đất Thủ Thiêm mang đến một tín hiệu bất thường, lệch lạc về giá đất cùng mặt bằng và cả thị trường bất động sản. Liệu sẽ có một cuộc điều tra về những gì ẩn sau cuộc đấu giá?", Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, có thể điều tra nếu có dấu hiệu về thao túng giá, làm giá gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi cá nhân. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, quan sát từ bên ngoài thì thấy cuộc đấu giá là hợp lệ.
Đồng quan điểm với Luật sư Trương Thanh Đức, PGS. TS Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội cho biết: Theo nguyên tắc bỏ cọc về mặt pháp lý sẽ bị chế tài mất tiền đặt cọc và hội đồng đấu giá huỷ kết quả đấu giá, tổ chức đấu giá lại. Trong cuộc đấu giá, ai trả giá cao nhất sẽ là người thắng và người thắng bỏ thầu thì tổ chức đấu giá lại.
Về việc mức giá được xác định tại cuộc đấu giá gây nhiễu loạn giá thị trường, PGS. TS Nguyễn Quang Tuyến khẳng định, sẽ không ảnh hưởng gì tới mặt bằng giá trên thị trường, do mức giá 'trên trời' đã không được giao dịch thành công, nên thị trường không thể lấy đó làm thước đo giá.
Chia sẻ với tình cảnh của doanh nghiệp, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, chắc hẳn phải có nguyên nhân rất nghiêm trọng liên quan tới pháp lý hoặc do không có dòng tiền nên doanh nghiệp mới buộc phải chịu mất số tiền lên tới gần 600 tỷ như vậy. Có thể, cách lý giải đơn giản nhất là không thể vay được ngân hàng với mức giá như Tân Hoàng Minh trúng thầu.
"Thông thường, ngân hàng nhận thế chấp đất đai nhưng định giá nhưng không thể quá xa so với mặt bằng chung. Vì thế, "trông giỏ bỏ thóc", ngân hàng khó có thể định giá theo mức giá doanh nghiệp trúng thầu. Cùng với đó, có thể một phần áp lực từ dư luận, cơ quan quản lý nên ngân hàng cũng sợ không dám cấp tín dụng nữa. Mà doanh nghiệp nào chẳng dựa chủ yếu vào vốn ngân hàng", ông Đức đặt giả thiết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận