Tại sao Hồng Kông lại xây các căn hộ nhỏ bằng chỗ đậu xe?
Gần một nửa dân số Hồng Kông hiện sống ở những nơi thậm chí còn nhỏ hơn, được gọi là "nhà lồng" hoặc "nhà quan tài".
Đối với Max Lee, một bác sĩ người Hồng Kông 26 tuổi, cuộc sống trong căn hộ một phòng ngủ của anh chỉ xoay quanh cái giường. Đó là nơi anh không chỉ ngủ, xem tivi mà còn để nghiên cứu tài liệu y khoa qua chiếc laptop đặt trên một chiếc bàn nhỏ khi không làm việc ở bệnh viện.
Căn hộ của Lee chỉ rộng 20 m2 trong một tòa nhà cao tầng hiện đại ở khu trung tâm sầm uất Kowloon. Bởi để được ở trung tâm thành phố, anh chỉ có thể chọn những căn hộ nhỏ như vậy. "Sống ở đây một mình cũng được, nhưng khi bạn gái tới, nó khá chật", anh nói.
Không gian căn hộ của Lee có vẻ nhỏ một cách bất thường nhưng thực tế là loại căn hộ đang ngày càng phổ biến ở Hồng Kông: microflat. Thành phố này có khoảng 8.500 căn hộ nhỏ như vậy, chiếm 7% trong tổng số công trình xây dựng giai đoạn cao điểm 2019.
Làm 21 năm mới mua nổi căn hộ 60 m2
Khác xa với những ngôi nhà nhỏ được lãng mạn hóa ở Mỹ, những căn hộ nhỏ ở Hồng Kông có diện tích chỉ bằng một nửa. Chúng chỉ đủ để chứa một chiếc giường, một chiếc tủ, một phòng tắm và gian bếp nhỏ và được tiếp thị là "nhà giá phải chăng".
Hồng Kông là một trong những thành phố đông dân nhất thế giới, do đó, nhà giá phải chăng rất hút khách. Theo số liệu của chính quyền thành phố, tình trạng thiếu nhà ở đã khiến cho giá nhà ở đây tăng vọt 187% trong thời gian từ năm 2010 đến 2019.
Hiện giá nhà trung bình ở đây đã vượt qua 1,3 triệu USD, trong khi mức lương tối thiểu của người dân thành phố chỉ 4,82 USD/giờ. Do đó, ngay cả một công nhân lành nghề ở Hồng Kông cũng phải làm việc suốt 21 năm mới có thể mua được một căn hộ trung bình 60 m2 ở gần trung tâm thành phố. Đây là khoảng thời gian lâu nhất trên thế giới, theo một báo cáo năm 2019 từ UBS. Và bất chấp đại dịch Covid-19, giá nhà ở Hồng Kông vẫn ở mức cao kỷ lục.
Những căn hộ microflat có giá bằng một nửa giá nhà trung bình, cung cấp khả năng tiếp cận phân khúc nhà ở thấp nhất ở thành phố này. Những căn hộ nhỏ nhất trong phân khúc này thậm chí chỉ rộng 12 m2, nhỏ hơn cả một chỗ đậu xe ô tô, được gọi là nanoflat.
Các tòa nhà như "One Prestige" được xây dựng năm 2018 ở khu dân cư North Point chỉ phục vụ cho những người mua nhà lần đầu và cả những người mua lâu năm từ Trung Quốc đại lục và những nơi khác. Những căn hộ từ 15 - 27 m2 trong dự án này hiện được một số nơi chào bán với giá 800.000 USD đến 1 triệu USD.
Gần một nửa người Hồng Kông sống ở "nhà quan tài"
Các nhà phát triển bất động sản đã đáp ứng nhu cầu về nhà ở có giá phải chăng bằng cách chia nhỏ các căn hộ. Xu hướng này diễn ra từ năm 2015 sau khi chính quyền thành phố Hồng Kông nới lỏng các quy định về ánh sáng tự nhiên và thông gió.
Ngoài ra, việc chia nhỏ căn hộ này cũng phản ánh vị trí địa lý độc đáo và lịch sử khác thường của Hồng Kông. Do chỉ có 7% đất đai được quy hoạch cho nhà ở nên 7,5 triệu dân Hồng Kông phải chen chúc trong những khu dân cư cao tầng được kẹp giữa biển và núi. Quận đông đúc nhất là Kowloon có mật độ dân số là 49.000 người/km2, gần gấp đôi so với 27.600 cư dân trên cùng một diện tích ở Manhattan (Mỹ).
Vì vậy, sở hữu một căn phòng dù chỉ nhỏ hơn một chỗ đậu xe ở Hồng Kông cũng có thể coi là một sự cải thiện về nhà ở công cộng ở thành phố này. Gần một nửa dân số Hồng Kông đang sống ở những nơi thậm chí còn nhỏ hơn, được gọi là "nhà lồng" hoặc "nhà quan tài". Đó là những chiếc giường xếp chồng lên nhau trên một không gian rộng chưa đến 10 m2 dành cho những người thu nhập thấp nhất Hồng Kông thuê.
Vì sống trong những căn hộ nhỏ như thế nên người Hồng Kông ngày càng mắc những vấn đề về tâm lý và xã hội. Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 7/2020, quy mô của ngôi nhà có tác động đáng kể đến mức độ căng thẳng và lo âu của người sống trong đó.
"Tôi đã nói chuyện với nhiều người và họ nói rằng họ muốn tự tử. Tôi gặp một người bố mà mỗi ngày phải làm việc trong nhiều giờ để trả tiền thuê nhà và đang ở trong một ngôi nhà nhỏ đến mức mà nhiều lần ông muốn nhảy ra khỏi tòa nhà", Chan Siu-ming, tác giả của nghiên cứu trên và hiện là trợ giảng tại Đại học Hồng Kông, nói và cho biết thêm: "Họ cảm thấy chán nản và tuyệt vọng. Sống trong một không gian nhỏ ít ánh sáng và thông gió như thế trong một thời gian dài khiến họ cảm thấy ngột ngạt. Kết quả là họ không muốn ở nhà".
Điều đó có nghĩa người Hồng Kông hoạt động ở bên ngoài nhiều hơn. Hồng Kông nổi tiếng với những quán cà phê và những quán trà ngoài trời, nơi đàn ông thường tụ tập ăn sáng và hút thuốc, đọc báo buổi sáng và tán gẫu về chính trị. Vào cuối tuần, dường như toàn bộ người Hồng Kông đều mặc đồ thể thao, đến các trung tâm giải trí, hồ bơi công cộng, bãi biển, sân tennis và bóng rổ.
Tuy nhiên, sống trong không gian nhỏ hẹp cũng đòi hỏi các gia đình phải cân nhắc kỹ lưỡng việc mua sắm đồ dùng. Bởi ngay cả những căn hộ trung bình, không phải microflat, với kích thước trung bình khoảng 60 m2, cũng có rất ít chỗ để chứa đồ đạc.
Đồ nội thất thường là loại nhỏ và tối giản và cũng ở mức tối thiểu. Trong những căn hộ microflat, những lựa chọn đồ nội thất thậm chí còn khắc nghiệt hơn. Một chiếc bàn cà phê thấp phía trước một chiếc ghế sofa nhỏ trở thành bàn ăn, sau đó vào ban đêm, chiếc ghế sofa có thể gập lại thành giường ngủ. Nhưng tất nhiên, điều đó sẽ đòi hỏi những đồ nội thất đắt tiền, được đóng riêng. Hay như trong căn hộ của Lee, một chiếc giường nhỏ chứa tất cả các chức năng của cuộc sống hàng ngày: tiếp khách, ăn uống, làm việc và ngủ.
"Tôi muốn chuyển ra ngoài càng sớm càng tốt"
Tuy nhiên, theo ông Joseph Tsang - Chủ tịch Jones Lang LaSalle ở Hồng Kông - mức độ phổ biến của những căn nanoflat đã giảm trong năm qua. Một số dự án mới gặp khó khăn trong việc bán nanoflat trong khi các căn hộ lớn hơn tiếp tục có nhu cầu cao. Một số người mua thậm chí đã bán cắt lỗ những căn hộ này.
"Mọi người nhận ra rằng, nếu họ có đủ khả năng chi trả đơn giá cao như vậy, họ cũng có thể mua một căn lớn hơn hoặc mua ở một địa điểm xa hơn với nhiều không gian hơn", ông nói.
Theo Midland Realty, chi phí trung bình của một căn hộ nanoflat có diện tích dưới 200 foot vuông (18,5 m2) đã tăng lên 3.276 USD/foot vuông trong 9 tháng đầu năm nay. Điều đó làm cho những ngôi nhà nhỏ nhất đắt hơn cả một căn hộ có kích thước điển hình gần 500 USD cho mỗi foot vuông.
Do đó, một số nhóm người đã kiến nghị cấm các chủ đầu tư xây dựng những căn hộ nhỏ như vậy. Bởi cùng một diện tích nếu chia nhỏ thành 2 căn hộ, các nhà phát triển sẽ thu lợi nhuận cao hơn, trong khi gây thiệt hại cho toàn xã hội.
Hầu hết cư dân sống trong các căn hộ microflat hy vọng sống ở đây chỉ là tạm thời, đến thời điểm họ sẵn sàng kết hôn hoặc có gia đình, họ sẽ nâng cấp sang căn hộ rộng rãi hơn. Như Lee, người đang thuê ở Kowloon, đang tiết kiệm để trả góp mua một căn hộ hai phòng ngủ. "Tôi sống trong một căn hộ nhỏ như vậy để tiết kiệm tiền," anh nói và cho biết: "Tôi muốn chuyển ra ngoài càng sớm càng tốt".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận