24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thành Chung
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tái đàn lợn hiệu quả: Cần có chiến lược dài hơi

Theo số liệu của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), tổng đầu lợn còn khoảng 25 triệu con, trong đó đàn nái là 2,7 triệu con; các DN tập trung nhiều nguồn lực đầu tư giữ đàn lợn cụ kỵ, ông bà, hiện còn khoảng 109 nghìn con (90%) chưa bị dịch bệnh; về cơ bản đáp ứng đ

Chưa đạt mục tiêu đề ra

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), dịch tả lợn châu Phi tràn vào Việt Nam từ tháng 2/2019 đã để lại nhiều hệ lụy với nền kinh tế. Tính đến nay, tổng đàn lợn đã bị tiêu hủy gần 6 triệu con với sản lượng tương đương khoảng 341 nghìn tấn thịt (chiếm khoảng 9% tổng trọng lượng lợn của cả nước). Đỉnh điểm là tháng 5, đã có trên 1,27 triệu con lợn bị buộc phải tiêu hủy. Hiện có 3 tỉnh (Hưng Yên, Hải Dương và Thái Bình) đã hết dịch. 25 tỉnh, thành phố có trên 85% số xã đã qua 30 ngày. Điều đáng nói là, qua 11 tháng dịch tả lợn châu Phi hoành hành, các trang trại, hộ chăn nuôi lớn đã nhận thức được tầm quan trọng của chăn nuôi an toàn sinh học, áp dụng đúng quy trình nên dù dịch tả lợn châu Phi chưa có vắc xin đặc trị, vẫn không gây thiệt hại lớn, có chăng chỉ rơi vào những người chăn nuôi nhỏ lẻ, yếu thế mà thôi.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) phân tích, thực tế hiện nay số đầu con và sản lượng đang giảm đáng kể so với 2018. Cụ thể, sản lượng thịt lợn cả năm 2019 ước đạt khoảng 3,3 triệu tấn, giảm 13,5% so với năm 2018 (bao gồm giảm khoảng 9% do thiệt hại bị bệnh dịch tả lợn châu Phi và gián tiếp do chưa tái đàn). Đồng thời, tỷ trọng chăn nuôi trong ngành nông nghiệp tăng thấp (khoảng 31,5 - 32%), không đạt mục tiêu của Chiến lược phát triển chăn nuôi đạt 42% vào năm 2020. Mà nguyên nhân sâu xa vẫn là tỷ lệ nông hộ nhỏ lẻ đang chiếm tỷ lệ lớn, khiến công tác quản lý, kiểm soát dịch bệnh khó khăn. Chăn nuôi lợn, gia cầm chịu tác động cả về khách quan lẫn chủ quan như: rớt giá, nông hộ chăn nuôi thua lỗ dễ lâm vào tình trạng phá sản, nợ nần, dẫn đến bỏ trống chuồng hàng loạt. Ở đầu ra, sản lượng giảm đột ngột khiến giá bán tăng cao ngoài tầm kiểm soát của cơ quan quản lý.

Tuy nhiên, do nhìn trước được nguy cơ thiếu thực phẩm, Bộ NN&PTNT đã chủ động phát triển chăn nuôi gia cầm, gia súc lớn và thủy sản, nhờ vậy tổng sản lượng các loại thực phẩm trong năm 2019 đã tăng hơn 726 nghìn tấn so với năm 2018, một phần phục vụ cho tăng trưởng, một phần bù đắp thiếu hụt do dịch tả lợn châu Phi. Ngoài ra, bù đắp vào lượng thịt lợn thiếu hụt, các DN trong nước đã nhập khẩu khoảng 110 nghìn tấn thịt lợn phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Bộ NN&PTNT cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành nghiên cứu, nếu thiếu hụt thì sẽ nhập khẩu thêm thịt lợn nhằm đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, nhất là dịp Tết Canh Tý 2020 đang đến rất gần.

Thận trọng với sụt giảm đàn lợn

Hiện nay, theo số liệu của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), tổng đầu lợn còn khoảng 25 triệu con, trong đó đàn nái là 2,7 triệu con; các DN tập trung nhiều nguồn lực đầu tư giữ đàn lợn cụ kỵ, ông bà, hiện còn khoảng 109 nghìn con (90%) chưa bị dịch bệnh; về cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu nhân giống phục vụ tái đàn lợn.

Nhiều địa phương đã chỉ đạo nuôi tái đàn lợn có kết quả tốt như Hưng Yên, Hải Dương, Phú Thọ, Bắc Giang, Thanh Hóa, Bình Định, Đồng Nai... Cả nước có 860 vùng, cơ sở chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh và hàng chục DN chăn nuôi lớn có chuỗi sản xuất thịt lợn như các Công ty CP. Masan, Công ty Chăn nuôi CP Việt Nam, Vavin… đảm bảo cung cấp hàng trăm điểm bán thịt lợn chất lượng, an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, với thị trường tiêu thụ lớn gần 100 triệu dân, có nhu cầu tiêu thụ thịt lợn chiếm cơ cấu rất cao, tới 60-70% là thịt lợn, không tránh khỏi việc nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại rằng, giá thịt lợn đã tăng hơn 50% trong quý IV/2019, sẽ ảnh hưởng đến triển vọng kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2020 khi CPI của tháng 12/2019 đã tăng 5,23% so với cùng kỳ năm trước mà nguyên nhân chính là do giá thịt lợn tăng cao.

TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính thậm chí còn đưa ra kịch bản xấu nhất, nếu dịch tả lợn châu Phi chưa thể kết thúc trong nửa đầu năm 2020 và lạm phát so với cùng kỳ năm trước chỉ bắt đầu giảm từ giữa năm 2020, thì việc kiềm chế lạm phát dưới 4% là tương đối khó khăn, trong khi xu hướng tăng của lạm phát cơ bản vẫn tiếp tục trong những tháng tới.

Vì vậy, cùng với chặn đà tăng của giá thịt lợn, ảnh hưởng tới công tác kiềm chế lạm phát dưới 4%, ngành chăn nuôi lợn tiếp tục đặt mục tiêu là phải tăng đàn lớn bình quân 2%/năm, tổng đàn đạt 35 triệu con vào năm 2020, trong đó tỷ trọng đàn lợn nuôi trang trại, công nghiệp chiếm 37%, song kết quả thực tế 10 năm cho thấy đàn lợn chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 0,5%/năm với tổng đàn duy trì ở mức 26 - 29 triệu con.

Về phía DN chăn nuôi, chủ trang trại vẫn chờ Bộ NN&PTNT ban hành thêm hướng dẫn chi tiết quy trình, yêu cầu, thủ tục tái đàn với những trang trại đủ điều kiện tái đàn. Đồng thời tạo điều kiện cấp phép cho trang trại mới tại những vùng chăn nuôi còn tiềm năng quỹ đất thuộc quy hoạch chăn nuôi để không dừng lại ở 17 dự án của DN với tổng giá trị 20 nghìn tỷ đồng đã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trong năm 2019. Bởi muốn xã hội hóa chăn nuôi thành công thì vai trò DN có ý nghĩa quyết định sức cạnh tranh của ngành hàng này. Vì thế, còn nhiều rào cản, vướng mắc phải giải quyết rốt ráo, bổ sung kịp thời, đơn cử, trong Luật Đất đai phải có đất cho chăn nuôi vì quy mô chăn nuôi trang trại hiện nay rất lớn. Đó còn là phải phù hợp với từng vùng miền về đầu tư hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ… nhằm thu hút thêm nhiều DN lớn đầu tư vào lĩnh vực này. Khi Luật Chăn nuôi có hiệu lực trong thời gian tới sẽ tạo hành lang pháp lý cho phát triển ngành chăn nuôi sang giai đoạn mới, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Với các nông hộ chăn nuôi, không chỉ dõi theo mọi khuyến nghị từ chuyên gia qua các phương tiện truyền thông đại chúng, từ Bộ NN&PTNT để có hành động bảo vệ đàn lợn của mình kịp thời khỏi dịch bệnh, mà còn mong muốn Bộ NN&PTNT đưa ra nhiều giải pháp cụ thể hơn nữa, dễ hiểu, dễ áp dụng vào thực tiễn hơn nữa.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả